Dự án Nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Hạ Long (BQL dự án thành phố) làm chủ đầu tư có chiều dài toàn tuyến hơn 10km, với tổng mức đầu tư khoảng 813 tỷ đồng, bắt đầu triển khai thực hiện từ quý I năm 2022.

Sau hơn một năm, dự án này đang trên đà về đích theo kế hoạch, dự kiến đưa vào sử dụng trong quý III năm nay. Tuy nhiên, đơn vị này đã bộc lộ nhiều bất cập khi để người dân địa phương kiến nghị, phản ánh những điểm cơ bản, thể hiện năng lực quản lý, giám sát và tổ chức thực hiện chưa thực sự có trách nhiệm.

Nhiều hộ gia đình người Dao đang sinh sống tại xã Đồng Lâm thuộc diện thu hồi đất, nhà ở của dự án này rất bức xúc vì lí do gần 1 năm kể từ khi bàn giao nhà ở, đất ở cho BQL dự án thành phố để tổ chức thi công làm đường, tuy nhiên chỗ ở tái định cư chưa có, hạ tầng khu ở tái định cư chưa có khiến họ không có đất xây nhà và phải làm nhà tạm, cuộc sống rất khó khăn.

leftcenterrightdel
 Ông Triệu Quý Hương trước căn nhà tạm. Ảnh: Đại Dương

Ông Triệu Quý Hương, người Dao, trú tại thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm, thành phố Hạ Long, đại diện cho nhiều hộ dân cho biết, đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh tới UBND thành phố Hạ Long, tới BQL dự án thành phố về việc đơn vị này cam kết chậm nhất sau 6 tháng sẽ bàn giao hạ tầng, bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, tuy nhiên tới nay không nhận được hồi âm.

Ông Hương chia sẻ thêm, rất bức xúc trước thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của BQL dự án thành phố khi đẩy gia đình rơi vào hoàn cảnh như hiện nay, có thể dẫn tới cảnh màn trời chiếu đất, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng. Sau khi ông bàn giao nhà ở, đất ở để BQL dự án thành phố thi công và được hứa hẹn sớm bố trí tái định cư, ông cùng các con phải làm nhà tạm để ở trong thời gian chờ BQL dự án thành phố sắp xếp.

Qua hơn 6 tháng nay ông vẫn chưa có đất ở để xây nhà ổn định cuộc sống. Khu nhà tạm của ông và gia đình đến thời điểm này đã xuất hiện sụt lún, nứt gãy do quá trình thi công đường bị rung chấn, phần khác do đây là khu vực đất mượn, lại gần con suối to nên mùa mưa lũ năm nay nhà ông đứng trước nguy cơ đổ sập và cuốn theo dòng nước lũ.

Ông Hương cho rằng, việc BQL dự án thành phố tổ chức thu hồi nhà ở đất ở của người dân khi chưa bố trí tái định cư, chưa hoàn thiện hạ tầng khu vực tái định cư để bàn giao cho người dân là trái quy định pháp luật khi Nhà nước thu hồi đất.

leftcenterrightdel
 Nền nhà ở của ông Triệu Quý Hương nứt gãy nhiều chỗ. Ảnh: Đại Dương

Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Quý Cương, Trưởng thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm cho biết, nhiều lần có ý kiến với chủ đầu tư là BQL dự án thành phố, các đơn vị nhà thầu thi công trong các cuộc họp, tuy nhiên tới nay đều chưa có phản hồi.

Trước thông tin nhiều người dân phản đối cách làm của BQL dự án thành phố, trong đó có việc đơn vị này đã từng vận động các hộ dân hiến đất làm đường nhưng bất thành, ông Cương nói: “Thôn Đồng Quặng cũng như toàn xã Đồng Lâm, mặc dù thuộc thành phố Hạ Long nhưng đây từng là xã thuộc diện 135, vùng cao, đa phần toàn đồng bào người Dao sinh sống. Sinh kế chủ yếu là nông nghiệp và lâm nghiệp. Người dân chỉ trông chờ vào thửa ruộng và mảnh rừng để có được thu nhập chính. Khi nghe tin vận động hiến đất làm đường, đại đa số người dân không đồng ý. Không hiểu vì sao Nhà nước lại đưa ra chủ trương này”.

leftcenterrightdel
 Ông Triệu Quý Cương - Trưởng thôn Đồng Quặng xã Đồng Lâm. Ảnh: Đại Dương

Xác minh thông tin với nhiều hộ dân, chúng tôi được biết hiện nay BQL dự án đầu tư thành phố không bồi thường các công trình, kiến trúc của hộ dân xây ngoài thửa đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Theo đó, toàn bộ chuồng trại, nhà bếp hay công trình vệ sinh, nhà kho hoặc ao cá nếu không nằm trong diện tích được xây dựng hoặc trong GCNQSDĐ thì phương án bồi thường sẽ là không đồng. Điều này khiến cho các hộ dân rất bức xúc.

Nhiều người dân cho biết, trước năm 2020, xã Đồng Lâm thuộc huyện Hoành Bồ, thuộc diện xã vùng cao, đặc biệt khó khăn. Chính quyền địa phương và thôn đã vận động nhiều hộ gia đình thực hiện đời sống văn hóa, văn minh, xây dựng nông thôn mới, trong đó yêu cầu xây dựng chuồng trại, nhà vệ sinh phải cách xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh, tránh các bệnh truyền nhiễm. Nay BQL dự án thành phố áp dụng cứng nhắc các quy định được tỉnh đưa ra, chỉ phù hợp với thành thị, không phù hợp với nông thôn mà không bồi thường cho người dân khiến người dân và dư luận hoài nghi về năng lực quản lý và tính nhân văn của đơn vị này!

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Đại Dương