Khuất tất lùm xùm xung quanh dự án tại Bảo Lộc?

Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Đại Việt (Công ty Đại Việt) mới đây đã có đơn kiến nghị về kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu qua mạng đối với Gói thầu Thi công xây dựng tuyến số 2 (từ đường Phùng Hưng đến tuyến số 1) thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Nguyễn Tri Phương kéo dài tới đường Nguyễn An Ninh và đường Phùng Hưng, thành phố (TP) Bảo Lộc có trị giá 9,447 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Bảo Lộc làm chủ đầu tư tổ chức mời thầu, đóng thầu vào ngày 19/01/2021.

Gói thầu có 3 đơn vị đã tham gia đấu thầu bao gồm Công ty Đại Việt (đặt giá dự thầu là 8,957 tỷ đồng); Công ty Phú Lâm (giá dự thầu là 8,965 tỷ đồng); Công ty TNHH Xây dựng Vũ Hiệp (giá dự thầu 9,126 tỷ đồng).

Ngày 3/3/2021, Ban Quản lý dự án đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty Phú Lâm với giá 8,965 tỷ đồng, thời gian thực hiện gói thầu là 18 tháng.

Điều đáng nói là, đến ngày 16/3/2021 mới bắt đầu công bố kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. 

Ngay sau đó, Công ty Đại Việt đã có đơn kiến nghị, không đồng tình với kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu này. Lý do được Công ty Đại Việt đưa ra đó là đơn vị này cho rằng tổ chuyên gia đã đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu này không theo tiêu chuẩn của hồ sơ mời thầu được duyệt.

Theo đó, hồ sơ mời thầu phải có giải pháp kỹ thuật tổ chức mặt bằng công trường, không yêu cầu nhà thầu xác định rõ vị trí lán trại, tập kết vật tư, kết cấu đúc tại chỗ nhưng tổ chuyên gia đã loại nhà thầu vì lý do này.

Trả lời với báo chí, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Bảo Lộc cho biết, ngay sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu vài ngày, Ban đã ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu và công trình đã được khởi công.

Về phía hồ sơ của Công ty Đại Việt, Ban Quản lý dự án phản hồi, cho biết: Hồ sơ của Công ty Đại Việt có giá thấp nhất nhưng lại không đạt yêu cầu về kinh nghiệm và kỹ thuật thi công.

Công ty Phú Lâm từng vướng lùm xùm liên quan đấu thầu

Đây không phải là lần đầu tiên Công ty Phú Lâm dính phải lùm xùm liên quan tới việc đấu thầu dự án.

Trước đó, Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ có nhắc tới Công ty Phú Lâm trong gói thầu Dự án đường nối đường Chi Lăng đến đường Tố Hữu, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc và chỉ ra nhiều sai phạm.

Trong vụ việc này, Công ty CP Tư vấn SCOM (nhà thầu tư vấn) đã không có chứng nhận về điều kiện năng lực trong hoạt động đấu thầu, bên mời thầu chưa hề đăng thông tin công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng như kết quả lựa chọn nhà thầu.

Không chỉ vậy, hồ sơ dự thầu của cả 3 nhà thầu tham dự đều có bản tổng hợp giá trị dự thầu với nhiều điểm giống nhau. Trong đó 2 nhà thầu là: Công ty CP Xây dựng số 1 Lâm Đồng và Công ty Phú Lâm đều thể hiện có dấu hiệu cố tình làm hồ sơ dự thầu sơ sài, không đạt điều kiện năng lực và kinh nghiệm để bị loại nhằm tạo điều kiện cho Công ty Nguyên Thanh trúng thầu.

Công ty Phú Lâm liên tiếp trúng 20 gói thầu là ai?

Công ty Phú Lâm thành lập 10/4/2006 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng được thành lập bởi ông Phạm Ngọc Lâm sở hữu 70% và bà Đậu Thị Xuân sở hữu 30%. Ông Phạm Ngọc Lâm là Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Phú Lâm từ ngày thành lập.

Đến tháng 4 năm 2019, vị trí này được chuyển sang cho ông Phạm Thành Trung (sinh năm 1989).

Cả ông Trung và ông Lâm đều có địa chỉ thường trú tại Công ty Phú Lâm, tức thôn 1, xã Đam Bri, Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, Công ty Phú Lâm đã liên tiếp trúng tới 20 gói thầu xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó có 5 gói thầu do Trung tâm Tư vấn Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất Bảo Lộc mời thầu.

Mới đây nhất, vào tháng 2/2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Bảo Lộc đã chọn Công ty Phú Lâm là nhà thầu thực hiện Gói thầu số 5 thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Lai đến đường Phan Chu Trinh, phường Lộc Tiến; hệ thống thoát nước, vỉa hè đường Nguyễn Văn Cừ, phường Lộc Phát (giá trúng thầu 11,26 tỷ đồng). 

Trong giai đoạn từ 2016 đến 2018, doanh thu của Công ty Phú Lâm chỉ khoảng 29 - 32 tỷ đồng. Đến năm 2019, khi công ty này trúng thêm rất nhiều gói thầu, doanh thu công ty tăng lên gần 48 tỷ đồng.

Dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp này trong giai đoạn từ 2016 đến 2019 chưa năm vào vượt quá 400 triệu đồng. Thậm chí trong năm 2017 còn bị lỗ 114 triệu đồng.

Không chỉ doanh thu và lợi nhuận mà cấu trúc tài sản của Công ty Phú Lâm cũng khiêm tốn. Trong giai đoạn 2016 đến 2019, tổng tài sản của Công ty Phú Lâm tăng từ 32,45 tỷ đồng lên gần 69 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ loanh quanh gần 10 tỷ đồng. Phần còn lại là nợ phải trả lên tới gần 60 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019.

Gia Hân