Lấy đất làm đường không có quyết định thu hồi!

Bà Nguyễn Thị Chơn, trú xóm Trung Thắng, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, có đơn thư gửi đến các cấp, ngành tỉnh Nghệ An khiếu nại (KN) việc UBND xã Nghi Tiến thực hiện thu hồi đất của bà tại thửa đất 336, tờ bản đổ số 17 ở xóm 12 (nay là xóm Nam Thắng), xã Nghi Tiến để làm đường giao thông nông thôn nhưng không có quyết định thu hồi đất, tự ý phá bờ bao, cây trồng, công trình trên đất và không thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) theo quy định, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình.

Qua tìm hiểu của phóng viên, năm 2018, thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt công trình đường giao thông nông thôn xóm 9, 10, 11, 12, xã Nghi Tiến. Quy mô tuyến đường dài 2.000m, tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại A với tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng, trong đó nguồn hỗ trợ từ chủ trương là 2 tỷ đồng, ngân sách xã, đóng góp của người dân và từ nguồn hợp pháp 5 tỷ đồng.

Năm 2019, để thực hiện chủ trương làm đường giao thông nông thôn, xã Nghi Tiến đã tổ chức khảo sát và thi công tuyến đường giao thông từ xóm 10 đến xóm 12. Trên tuyến đường này đi qua một phần diện tích đất ở, đất vườn của hộ bà Nguyễn Thị Chơn với diện tích bị ảnh hưởng là 165m2/tổng 414m2, thuộc thửa đất số 273, tờ bản đổ số 17.

Bà Nguyễn Thị Chơn cho biết: Gia đình rất bức xúc khi quyền lợi gia đình mình lâu nay chưa được giải quyết, xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm và làm việc không tuân thủ quy định của chính quyền thời điểm xây dựng đường giao thông.

“Theo quy định khi GPMB phải lập hồ sơ đền bù thiệt hại và được sự đồng thuận của gia đình mới thi công, nhưng đằng này, UBND xã Nghi Tiến chưa thực hiện việc lập hồ sơ đền bù GPMB thì đã thi công đường đi qua đất, làm ảnh hưởng quyền lợi của bà. Qua nhiều năm, xã chỉ hứa giải quyết nhưng đến hiện tại thì chưa có động thái gì đảm bảo cho gia đình. Chúng tôi yêu cầu thu hồi toàn bộ diện tích đất của gia đình và cấp đổi cho gia đình một lô đất với diện tích tương ứng tại vị trí khác”, bà Chơn phản ánh và đề nghị.

Xác minh từ cơ sở cho thấy, để đảm bảo quyền lợi cho công dân, UBND xã lúc bấy giờ do ông Trần Công Oanh làm Chủ tịch đã thu hồi thửa đất 255, tờ bản đồ số 17 ở xóm 12 của gia đinh khác với diện tích 329m2 đất nông nghiệp để đổi đất liền kề cho gia đình bà Chơn đủ diện tích 414m2. Việc làm này đã được thống nhất từ gia đình bà Chơn.

Sau này, khi nhân sự của địa phương có thay đổi. Tại buổi làm việc “về việc đổi đất ở, đất vườn làm đường giao thông xóm 12, xã Nghi Tiến”, đại diện cấp ủy, chính quyền gồm ông Lưu Đình Nghị, Bí thư Đảng ủy và ông Nguyễn Bằng Phi, Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến, cùng các thành viên xã, xóm và bà Chơn đã đồng ý để đổi đất làm đường giao thông. Tuy nhiên đến nay, sự thống nhất đó vẫn chưa được giải quyết một cách đảm bảo, đúng thời hạn.

Xã làm sai, bao giờ giải quyết dứt điểm?

Không đồng ý với cách làm của địa phương cũng như ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của gia đình, bà Chơn làm đơn đến chính quyền 3 cấp.

Gần đây nhất, giải quyết KN (lần đầu), ông Nguyễn Bằng Phi, Chủ tịch UBND xã đã ký Quyết định 2329/QĐ-UBND ngày 24/5/2022, trong đó trả lời rõ: Việc UBND xã Nghi Tiến thực hiện thu hồi đất của bà Chơn thuộc thửa số 336, tờ bản đồ số 17, ở xóm 12 (cũ) để làm đường giao thông nông thôn nhưng không có quyết định thu hồi đất, tự ý phá bờ bao, cây trồng, công trình trên đất và không thực hiện việc đền bù, GPMB theo quy định, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân như đơn trình bày, là đúng.

“Việc gia đình bà Chơn làm đơn KN UBND xã chưa lập hồ sơ đền bù GPMB đã triển khai thi công tuyến đường qua đất của gia đình bà, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Chơn, là đúng quy định của Luật KN”, quyết định nêu rõ.

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thị Chơn bức xúc trước cách giải quyết của chính quyền khiến quyền lợi bị ảnh hưởng trong thời gian dài. Ảnh: ĐA 

Ông Nguyễn Bằng Phi cho biết: Căn cứ quy định của tỉnh về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, xã sẽ lập tờ trình đề nghị huyện cho phương án xử lý. Cụ thể, thu hồi đền bù, GPMB diện tích bị ảnh hưởng 114m2, hoặc thu hồi toàn bộ diện tích của gia đình bà Chơn theo như kiến nghị. Giá đất, công trình trên đất, cây cối hoa màu bị ảnh hưởng thì đền bù theo giá quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Phi, việc yêu cầu thu hồi toàn bộ diện tích đất bị ảnh hưởng và cấp đổi đất với diện tích tương ứng tại vị trí khác của bà Chơn theo quy định của pháp luật hiện hành thì không thực hiện được. Xã đang giao bộ phận tham mưu phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện và hội đồng GPMB huyện thực hiện quy trình, thủ tục đề nghị thu hồi, lập hồ sơ bồi thường cho bà Chơn đối với phần diện tích đất và tài sản bị ảnh hưởng.

liên quan sự việc này, Ban Tiếp công dân tỉnh đã chuyển đơn, UBND huyện Nghi Lộc đã tiến hành nhiều cuộc làm việc, nhưng đến nay, quyền lợi của bà Chơn chưa được giải quyết.

Ông Phùng Ngọc Tú, Phó Trưởng phòng TNMT huyện Nghi Lộc nêu quan điểm: Thời điểm làm dự án đường giao thông có ảnh hưởng phần đất bà Chơn, khi đó, cán bộ chuyên môn xã không tham mưu cho huyện mà tự thỏa thuận không bồi thường (xã lấy bao nhiêu thì bù cho bà bấy nhiêu, kiểu đất đổi đất).

Qua xem xét thì phần diện tích đất bồi thường của bà Chơn trên đất không có công trình không phải đất ở, về nguyên tắc bồi thường thì diện tích trên đó có công trình là phục vụ mục đích đất ở thì đương nhiên phần diện tích đó là đất ở, nhưng ở đây không có các công trình phục vụ đất ở trên diện tích bồi thường nên chỉ bồi thường vào mục đích cấp giấy chứng nhận. Do đó, căn cứ vào giấy chứng nhận để bồi thường.

Mặt khác, diện tích của công dân lớn nhưng chỉ bồi thường một phần, còn lại Nhà nước không bồi thường hết mà giữ lại dùng để tái định cư tại chỗ, bà Chơn tiếp tục sử dụng diện tích còn lại. Phần diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án đường thì giới hạn mức giao đất của xã, không đủ cấp đất tái định cư, theo quy định không đủ điều kiện xem xét và cấp đất tái định cư. Do vậy, những lời hứa của xã trước kia hứa cho bà Chơn không thực hiện được, mà phương án bà Chơn sẽ được bồi thường bằng tiền đối với phần diện tích bị ảnh hưởng.

“Hiện nay, để lập hồ sơ, chi trả phần diện tích bị ảnh hưởng phải phụ thuộc đăng ký kế hoạch sử dụng đất theo nghị quyết HĐND tỉnh. Sau đăng ký xong, xã đã thuê đơn vị đo đạc, đơn vị tư vấn để cắm mốc phạm vi ảnh hưởng của đường theo thiết kế và đo lại phần diện tích đất bị ảnh hưởng chính thức để trình phê duyệt bản đồ, sau đó mới lập hồ sơ bồi thường, trình giá đất và phê duyệt phương án bồi thường và sẽ bằng tiền chứ không thể áp dụng “đất đổi đất”, ông Tú thông tin.

 Báo Thanh tra tiếp tục thông tin.

Đức Anh