Theo dõi Báo Thanh tra trên
Xuân Thống - Văn Thanh
Thứ năm, 17/08/2023 - 15:23
(Thanh tra) - Quỳ Hợp, Nghệ An từ lâu được mệnh danh là “thủ phủ” của vàng trắng được thiên nhiên ban tặng lượng lớn tài nguyên khoáng sản các loại. Thế nhưng, một thực tế đang diễn ra, sở hữu loại tài nguyên không thể phục hồi, có giá trị kinh tế cao nhưng hiện nay, từ công tác quản lý đến cơ chế, chính sách có một nghịch lý: Huyện giàu khoáng sản mà nghèo nguồn lực với nhiều hệ lụy để lại.
Nhiều quả đồi có khoáng sản bị khai thác làm biến dạng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường ở huyện Qùy Hợp. Ảnh: Xuân Thống
Nhiều hệ lụy từ “rốn” khoáng sản
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nghệ An cho biết: Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Qùy Hợp nói riêng đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế chung, góp phần xây dựng nông thôn mới, cũng như tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho địa phương. Tuy nhiên, còn tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản, gây mất an toàn lao động, khai thác vượt công suất, gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Gần 15 năm trước, tuyến đường liên xã Châu Lộc - Liên Hợp - Châu Tiến nối Tỉnh lộ 532 lên thị trấn Qùy Hợp được khởi động, thi công trong niềm vui khôn xiết của chính quyền và người dân nơi đây. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã xóa thế độc đạo khi con đường cũ toàn đất đá, bên vực, bên núi.
Thế nhưng niềm vui chẳng tay gang, đi vào khai thác chẳng được bao lâu, tình trạng các phương tiện quá khổ, quá tải trọng đã khiến con đường được đầu tư hàng chục tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, bỗng chốc “nát như tương”.
Không chỉ xuống cấp, hư hỏng nặng, để đối phó với lực lượng chức năng, nhiều phương tiện vận tải lớn từ các doanh nghiệp khai thác đá đi qua các xã là vùng trọng điểm về khoáng sản, đá, quặng, thiếc chạy với tốc độ nhanh đã trở thành nỗi khiếp đảm của bà con dân bản.
Ông Lang Văn Hanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến nói: “Tuyến đường được bà con kỳ vọng trở thành cung đường kết nối giao thương, phát triển kinh tế- xã hội chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều phương tiện vận tải chở tải trọng lớn đi qua tuyến đường gây ra sụt lún, hư hỏng, hình thành nên ổ trâu, ổ gà khiến nền đường bong tróc, trợ trọi lớp đất đá gây bụi mù mịt vào mùa khô và mùa mưa bùn lầy lội, như những luống khoai làm ô nhiễm cả môi trường. Chính quyền các xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và cả những cuộc tiếp xúc cử tri cấp tỉnh, Trung ương nhưng đến nay chưa được giải quyết".
Ông Kim Thành Xuyên, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết, sau khi tuyến đường được bàn giao cho tỉnh quản lý, trực tiếp là Sở Giao thông vận tải. Về mặt quản lý Nhà nước, huyện đã phối hợp để kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải chở khoáng sản. Trước sự xuống cấp của tuyến đường do tải trọng và không được duy tu, bảo dưỡng, từ năm 2020 đến nay huyện kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ vật liệu đất, đá, sỏi phối hợp công ty cầu đường bộ để rải lên, san gạt, lu lèn để đi lại tạm thời được thuận tiện hơn.
Ông Vi Văn Qúy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An đã kiến nghị vấn đề này qua nhiều kỳ họp. Theo ông Qúy, giao thông đóng vai trò rất quan trọng, là động lực cho sự phát triển. Song với thực trạng hư hỏng của tuyến đường do phương tiện quá tải trọng từ hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản đã làm Tỉnh lộ 532 đi qua địa bàn 5 xã của huyện xuống cấp, trở thành một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của các địa phương này.
Tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng còn gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến tâm lý và an toàn của người dân khi đi lại trên tuyến. Trong khi đó, các xã có tuyến đường này đi qua là “rốn” của thủ phủ khoáng sản, với chiều dài gần 29 km thì nếu chỉ trích kinh phí từ nguồn duy tu bảo dưỡng thì bảo dưỡng đến điểm cuối thì điểm đầu đã hư hỏng.
Không chỉ hệ lụy trực tiếp từ hạ tầng giao thông, hoạt động khoáng sản với những khó khăn trong quản lý Nhà nước, cùng sự thiếu quan tâm của các chủ đầu tư là doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận, không chú trọng quản lý sản xuất an toàn và bảo vệ môi trường đã gây ra tình trạng vỡ đập thải, tràn bùn thải (xã Châu Hồng năm 2019), sụt lún, nứt gãy nhà dân, công trình nhà ở (xã Châu Hồng năm 2022), rồi ô nhiễm nguồn nước kéo dài từ đầu nguồn dòng Nậm Tôn chảy qua nhiều xã trong nhiều năm nay...
Thiếu nhân lực, yếu nguồn lực
Báo cáo mới nhất từ của Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp cho thấy, trên địa bàn huyện hiện có 82 mỏ khoáng sản được cấp phép còn hạn, trong đó có hơn 30 mỏ khai thác đá hoa trắng, 29 mỏ khai thác đá xây dựng, còn lại là mỏ quặng, thiếc; có 78 mỏ hết hạn, trong đó có 50 mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ của UBND tỉnh phải bảo vệ; nhiều vị trí tiềm ẩn nguy cơ khai thác trái phép và gần 160 xưởng chế biến khoáng sản…
Từ một vùng đất được xem là trù phú với tỷ lệ bao phủ rừng khá cao trong các huyện miền núi phía Tây của tỉnh từ vài chục năm trước, đến nay những quả đồi, sườn núi nhuốm một màu xanh mướt của cây, rừng thì nay đã bị thế chỗ bởi những vết trắng loang lỗ, uốn lượn theo tầng vỉa khai thác cùng đủ phương tiện, máy cóc cỡ lớn án ngữ trên công trường, khiến bức tranh luôn trong cảnh “rỉ máu” bởi hoạt động khai thác khoáng sản.
Thời gian qua, mặc dù công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực khoáng sản được cấp ủy, chính quyền huyện Quỳ Hợp quan tâm thực hiện từ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ công chức nơi có khoáng sản đến tập huấn, lồng ghép các hoạt động truyền thông đến tận doanh nghiệp, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm... song hoạt động khai thác khoảng sản, nhất là bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn còn diễn biến phức tạp.
Theo ông Lê Sỹ Hào, Phó Trưởng Phụ trách Phòng TN&MT huyện Qùy Hợp, từ thực tế quản lý khoáng sản chưa cấp phép của xã và huyện cho thấy, các khu vực khoáng sản thường tập trung ở các vùng núi cao, giao thông đi lại khó khăn; các đối tượng khai thác trái phép thường manh động, liều lĩnh, thủ đoạn tinh vi (lợi dụng lúc ban đêm, ngày nghỉ để khai thác trái phép, khi khai thác thường cử người canh gác từ xa, khi đoàn kiểm tra vào kiểm tra thường bị phát hiện trước nên các đối tượng đã kịp tẩu tán phương tiện vi phạm; có lúc còn chống đối, đe dọa các thành viên của đoàn kiểm tra…).
Trong khi đó, đoàn kiểm tra của chính quyền địa phương không được trang bị công cụ, phương tiện hỗ trợ, không có thẩm quyền và nghiệp vụ điều tra, xét hỏi, tạm dừng phương tiện vận chuyển nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm các đối tượng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép của các cấp địa phương, nhất là cấp xã gặp rất nhiều khó khăn, không thể xử lý triệt để, chưa đủ sức răn đe.
“Nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TN&MT của UBND huyện rất lớn, nhiều lĩnh vực phức tạp, như đất đai, khoáng sản, môi trường, nước, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp đất đai, đơn thư khiếu nại… Trong khi đó, biên chế của Phòng TN&MT của huyện cũng như các huyện khác hoặc ít hơn (chỉ 5 biên chế); kinh phí cấp cho công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường còn hạn hẹp”, đại diện Phòng TN&MT huyện Qùy Hợp nói.
Theo UBND huyện Qùy Hợp, từ năm 2010 đến nay, huyện chưa được cấp trên hỗ trợ kinh phí cho hoạt động quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường (kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm).
Từ năm 2013, sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 153/TT-BTC ngày 31/10/2013 thì tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản và bảo vệ môi trường phải nộp vào ngân sách Nhà nước không được trích trở lại để chi cho hoạt động quản lý nhà nước.
Liên quan những kiến nghị, đề xuất của địa phương, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp cho hay, từ thực tiễn ở địa phương huyện đề nghị UBND tỉnh xem huyện Qùy Hợp là huyện đặc thù về khoáng sản, từ đó có chính sách hỗ trợ kinh phí, phương tiện và con người, trước mắt là bổ sung cho UBND huyện 2-3 biên chế so với tổng biên chế được phê duyệt bổ sung cho Phòng TN&MT trực tiếp phụ trách công tác khoáng sản, môi trường theo hình thức chuyên quản.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Với số lao động đăng ký vỏn vẹn có 5 người, tuy nhiên ít ai biết rằng, trong khoảng 2 năm qua, Thương mại Nhật Anh là nhà thầu quen mặt tại Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, khi doanh nghiệp chỉ tham gia các gói thầu do Ban Duy ty mời thầu.
Thanh Giang
(Thanh tra) - Một đối tượng vận chuyển 34 cây gỗ giáng hương bất hợp pháp, nhưng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp đã tắc trách, không xử lý đúng quy định. Thậm chí, còn trả lại 26 cây giáng hương bất hợp pháp này.
Nhóm Phóng viên
Quang Dân
Trọng Tài
TC
Trọng Tài
TKBT
PV
Hương Trà
Trần Quý
Trần Quý
Nam Dũng
T.Vân
Hải Hiếu
PV