Tồn tại kéo dài đến lúc phải quyết liệt giải quyết

Ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện thẳng thắn nhìn nhận, những nội dung Báo Thanh tra phản ánh đúng là thực trạng hiện nay trên địa bàn huyện, là vấn đề lớn được tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện quan tâm, ưu tiên để chỉ đạo giải quyết.

Thời gian qua, UBND huyện Qùy Hợp đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, rà soát và chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn, yêu cầu các tổ chức, hộ cá thể hoàn thành hồ sơ thuê đất theo quy định. Đặc biệt, trong năm 2022, UBND huyện đã có Thông báo số 199/TB-KL ngày 9/6/2022 sau khi lãnh đạo UBND huyện chủ trì buổi làm việc để giải quyết tồn tại, vướng mắc liên quan đến các tổ chức, cá nhân hoạt động chế biến khoáng sản chưa hoàn thành thủ thục thuê đất.

Sau nhiều cuộc họp, làm việc trong năm 2023, lãnh đạo UBND huyện tiếp tục chủ trì làm việc để bàn phương án xử lý đối với các xưởng chế biến khoáng sản chưa thuê đất. Tại Thông báo 192/TB-UBND ngày 15/5/2023, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ xử lý lên cấp trên nếu vượt thẩm quyền và yêu cầu các tổ chức, hộ cá thể hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với các hộ cá thể, giao các phòng liên quan và các xã, thị trấn hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục thuê đất trình các cấp có thẩm quyền. Đối với số xưởng chưa có hồ sơ thuê đất, giao chủ tịch UBND cấp xã lập biên bản hiện trường, biên bản vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động, quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền và đề nghị xử phạt theo thẩm quyền, buộc tháo dở công trình xây dựng nhà xưởng và áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu không chấp hành.

Riêng với các xưởng đã có hồ sơ xin thuê đất và đã có văn bản xin ý kiến chủ trương đầu tư của Sở hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) để thực hiện dự án, giao chủ tịch UBND cấp xã lập biên bản hiện trường, biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền (nếu vượt thẩm quyền đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt theo quy định), đình chỉ hoạt động trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày lập biên bản để hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định. Sau 6 tháng, nếu không có thuê đất thì buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng nhà xưởng và áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu không chấp hành.

“Trong thời gian này, UBND huyện cũng đã có báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát, báo cáo tình hình sử dụng đất các xưởng chế biến đá trên địa bàn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Sở TN&MT cũng đã có văn bản đề nghị các sở: Tư pháp, KH&ĐT, Xây dựng, Cục Thuế tỉnh cho ý kiến, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về chủ trương xử lý đối với các xưởng chế biến đá trên địa bàn. Mới đây, ngày 6/6, tại cuộc kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện giữa phó chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành, căn cứ quy định hiện hành và tình hình thực tế, UBND huyện Qùy Hợp đã có các đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”, ông Trần Đức Lợi cho biết thêm.

leftcenterrightdel
Trao đổi với PV, ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, các sở, ngành phối hợp tốt với huyện để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: Văn Thanh

Trước thực trạng các xưởng đã tồn tại và hoạt động từ lâu, trách nhiệm quản lý của chính quyền đang ở đâu, Phó Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp khẳng định: Qua rà soát thì các xưởng đã xây dựng nhà xưởng, nhà kho để hoạt động rất lâu. Vào giai đoạn 2014- 2015 cấp trên đã có chủ trương cấp mỏ đồng loạt. Khách quan thời điểm đó là yêu cầu cấp mỏ mới có xưởng, sau đó mỏ được thuê đất, còn xưởng thì không được thuê đất, có thời điểm cấp 70- 80 mỏ. Những tồn tại giai đoạn trước cũng đã được Thanh tra Chính phủ đình chỉ vào năm 2015 (53 mỏ), vừa cấp xong thì thời gian ngắn lại đình chỉ, khi đó nguyên liệu không có nên các xưởng phải dừng hoạt động. Sau này, những tác động khách quan từ thế giới, xăng dầu, vận tải và gần đây là dịch bệnh khiến các mỏ cũng như các xưởng hoạt động cầm chừng, khó khăn, số còn lại phải dịch chuyển nghề nghiệp. Đến các năm 2019 - 2021, nhiều hộ mở xưởng nhưng đại dịch Covid-19 khiến thiếu nguyên liệu, không có đơn hàng buộc phải dừng.

Khi khôi phục sau dịch, doanh nghiệp hoạt động trở lại, huyện đã cho rà soát có trên 40 xưởng, trong số đó có rất nhiều xưởng không làm, nghỉ đã lâu nhưng do thủ tục thuê đất nên họ cũng phải thuê. Thời điểm này huyện tổ chức nhiều cuộc họp và đưa ra chủ trương, kết luận đây là lần cuối cùng huyện cho rà soát sau đó huyện sẽ xin tỉnh, nếu không làm đợt này thì về sau không giải quyết cho bất kỳ doanh nghiệp hay hộ cá thể nào nữa và sẽ cho đình chỉ.

Hiện tại, qua rà soát có 43 xưởng, huyện đã xin ý kiến các sở, ngành trên cơ sở phân loại rất rõ từng đối tượng, nguồn gốc đất từng trường hợp cụ thể… để được hướng dẫn. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, các xã phối hợp để giải quyết đối với từng tổ chức, cá nhân để báo cáo xin ý kiến tỉnh. Qúa trình giải quyết, xử lý thì ngoài khó khăn ra còn có những vướng mắc như bài báo đã phản ánh.

“Trực tiếp làm việc mới thấy rõ doanh nghiệp rất khó khăn, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ, do vậy huyện đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, các sở, ngành phối hợp tốt với huyện để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp địa phương, để doanh nghiệp được lập hồ sơ thuê đất theo đúng hiện trạng đã sử dụng để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, tránh tình trạng thất thu thuế”, ông Trần Đức Lợi kiến nghị.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước từ cơ sở

Những bất cập, tồn tại và cả những vướng mắc xung quanh phương án xử lý đối với các xưởng chế biến khoáng sản chưa thuê đất trên địa bàn huyện Qùy Hợp đang được huyện, các phòng ban chủ động, chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan giải quyết. Để có cơ sở tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về thực trạng cũng như đề xuất hướng giải quyết, ngày 19/7, lãnh đạo chủ chốt của UBND huyện cũng đã tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến từ Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Qùy Hợp và một số doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc.

Tiếp xúc các doanh nghiệp đều cho rằng, những khó khăn của họ đang được địa phương quyết liệt và đồng hành tháo gỡ. Về phía doanh nghiệp, một trong những vướng mắc hiện nay đó là thủ tục tiến hành xin chủ trương chấp thuận đầu tư và việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Để được cấp chủ trương đầu tư, khu vực thực hiện dự án phải có trong đề án quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, quy hoạch nông thôn mới… Trong khi đó các doanh nghiệp hiện nay, có một số xưởng chế biến, khu phụ trợ mỏ (không thuộc đất khai thác khoáng sản đã được cấp phép) đang vướng mắc không triển khai thủ tục thuê đất được do các quy hoạch đã được duyệt theo thời kỳ 10 năm (đến 2020) đã hết, thời kỳ mới 2021-2030 chưa được phê duyệt (cụ thể là quy hoạch nông thôn mới). UBND huyện đang chỉ đạo để bổ sung quy hoạch vì vậy các doanh nghiệp cần có thời gian để hoàn thiện.

Bên cạnh đó, sau khi được cấp chủ trương chấp thuận đầu tư, các dự án đã được cấp chủ trương chấp thuận đầu tư (quyết định chấp thuận dự án đầu tư và nhà đầu tư) có thời hạn. Để hoàn thiện các thủ tục cấp phép khai thác và dự án chế biến khoáng sản thường nhiều thủ tục hành chính, tốn nhiều thời gian để thực hiện, doanh nghiệp thường bị chậm trễ tiến độ thực hiện dự án do vị trí thực hiện dự án chưa nằm trong kế hoạch sử dụng đất của năm đó mà phải chờ để được bổ sung theo từng năm.

“Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang có vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ loại đất lâm nghiệp sang đất phục vụ cho khai thác khoáng sản. Một số điểm mỏ được cấp phép khai thác trước khi Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 12/1/2017 về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được thủ tục thuê đất để tiến hành khai thác trong khi đó các doanh nghiệp trên vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính liên quan cụ thể: Tiền cấp quyền khai thác hàng năm, tiền ký quỹ bảo vệ môi trường và các thuế phí khác”, một doanh nghiệp cho biết.

leftcenterrightdel
 Xã Thọ Hợp là địa phương có nhiều xưởng chế biến chưa hoàn thành thủ tục thuê đất. Ảnh: Xuân Thống

Đối với trách nhiệm địa phương cấp xã, thị trấn, sau khi UBND huyện yêu cầu rà soát tất cả các xưởng chế biến khoáng sản đang hoạt động mà chưa hoàn thành thủ tục thuê đất và kiên quyết lập biên bản đình chỉ hoạt động.

Ông Lang Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp, địa phương có số xưởng vi phạm nhiều nhất toàn huyện cho hay: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, hiện nay ngoài việc rà soát, thống kê bóc tách phân loại các xưởng (phù hợp với quy hoạch cụm công nghiệp (CCN), quy hoạch sử dụng đất, giấy tờ về đất, nguồn gốc sử dụng đất…) và xử lý vi phạm, đình chỉ hoạt động thì địa phương đang chủ trì phối hợp các phòng, ban liên quan tổ chức các cuộc họp để thông tin, tuyên truyền cho các doanh nghiệp, hộ cá thể có xưởng chưa thuê đất được biết để doanh nghiệp, hộ cá thể có điều kiện thuê đất hay không theo các phương án mà huyện đưa ra.

Quá trình kiểm tra rà soát đến tháng 6/2023, trên địa bàn huyện Qùy Hợp có 43 xưởng (trong đó 22 tổ chức và 21 hộ cá thể) chế biến đá chưa có thủ tục thuê đất theo quy định. Trong đó, xã Thọ Hợp 17 xưởng, Minh Hợp 1, Đồng Hợp 9, Châu Lộc 4, Châu Quang 1, Châu Tiến 1, Liên Hợp 3, Tam Hợp 5, Châu Hồng 1 và thị trấn Qùy Hợp 1 xưởng.

Trong số đó có 25 xưởng nằm trong các CCN và khu chế biến đá tập trung gồm: CCN Thọ Sơn 1 có 5 xưởng, CCN Thọ Sơn 2 có 7 xưởng, CCN Thung Khuộc có 3 xưởng, CCN Châu Quang có 1 xưởng, CCN Châu Lộc có 2 xưởng; khu chế biến đá tập trung xã Đồng Hợp có 7 xưởng.

Trong 25 xưởng nằm trong CCN thì có 3 xưởng có 1 phần thuộc CCN và một phần nằm ngoài quy hoạch CCN và 18 xưởng nằm ngoài quy hoạch các CCN, khu chế biến đá tập trung. 

Hiện trạng sử dụng đất hiện nay là các xưởng đã xây dựng nhà xưởng, nhà công nhân, bãi tập kết đá các loại, hố lắng chất thải và các công trình phục vụ sản xuất khác.

Xuân Thống - Văn Thanh