Văn bản chỉ đạo của Ban 389 đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có kết quả Kế hoạch số 540 ngày 18/12/2020 của Ban 389 quốc gia về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước và sau Tết Nguyên đán Tân sửu 2021; trong đó tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ....

Một doanh nghiệp bị phát hiện nhiều lần buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu trong năm nhưng chỉ bị xử lý… hành chính

Theo phản ánh của Công ty TNHH Totalgaz (Cty Totalgaz) Việt Nam: Ngay từ thời điểm Công ty TNHH MTV Út Tuyết Mai (địa chỉ ấp 3, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) đi vào hoạt động trạm chiết nạp (tháng 5/2018) thì đơn vị này đã bắt đầu thực hiện việc chiết nạp khí gas trái phép vào vỏ chai gas mang nhãn hiệu Elf gaz của Cty Totalgaz để mang đi tiêu thụ ngoài thị trường.

Việc Cty Út Tuyết Mai chiết nạp khí gas để bán ngoài thị trường đã làm ảnh hưởng đến uy tín, kinh tế của Cty Totalgaz cũng như lừa dối người tiêu dùng tại một số tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…

Từ tháng 7/2018, Cty Totalgaz đã liên tục có đơn gửi Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường (QLTT), UBND các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau để kiến nghị xử lý Cty Út Tuyết Mai nhưng không có kết quả.

Cực chẳng đã, Cty Totalgaz đã gửi đơn tới Bộ trưởng Bộ Công an để đề nghị xử lý.

Ngày 27/12/2019, Thanh tra Bộ Công an đã có văn bản chuyển đơn cho biết là Bộ trưởng Tô Lâm đã chỉ đạo Thanh tra Bộ Công an chuyển nội dung vụ việc tới Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bạc Liêu để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo phía Cty Totalgaz cho biết, họ chưa nhận được phản hồi từ phía Công an tỉnh Bạc Liêu.

PV Báo Thanh tra liên hệ với Công an tỉnh Bạc Liêu và Cục QLTT tỉnh Bạc Liêu nhưng chưa nhận được hồi âm.

Tại tỉnh Cà Mau, ngày 8/4/2020, UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty Út Tuyết Mai dựa trên đề nghị của Cục QLTT tỉnh Cà Mau số tiền 70 triệu đồng về hành vi “buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” (155 chai LPG loại 12,5kg Elfgaz giả mạo nhãn hiệu với tổng trị giá 40.159.090 đồng). Hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm một tháng.

Quyết định chưa ráo mực, 2 ngày sau, 10/4/2020, Cục QLTT Cà Mau tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty Út Tuyết Mai vẫn với hành vi “buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” với 70 chai LPG các loại với số tiền phạt là 24 triệu đồng; áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm một tháng kể từ ngày 10/4/2020.

Khó hiểu là, trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng QLTT Cà Mau trong phần tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã ghi cho Cty Út Tuyết Mai: “Vi phạm lần đầu, thành thật hối lỗi”!

Tưởng rằng 2 lần xử phạt gần 100 triệu và đình chỉ hoạt động thì Cty Út Tuyết Mai kinh doanh nghiêm chỉnh, đàng hoàng, nhưng không, doanh nghiệp này tiếp tục chiết nạp gaz lậu, gas giả và bị Công an huyện Trần Văn Thời phát hiện và xử lý thêm 2 lần nữa.

Theo Văn bản số 232 ngày 6/7/2020 của Công an huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau gửi Cty Totalgaz cho biết: Ngày 5/5/2020, Công an huyện này đã kiểm tra, phát hiện ô tô tải biển kiểm soát 94C - 035.82 (các lần trước đó vẫn chiếc xe ô tô này chở gas và bị QLTT bắt giữ) của Cty Út Tuyết Mai đang chở 191 chai LPG trong đó có 31 chai LPG có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu (niêm màng co) Elfgaz của Cty Totalgaz và 36 bình gas mang nhãn hiệu khác không rõ nguồn gốc xuất xứ và Công an huyện đang tiến hành điều tra, xác minh.

2 ngày sau, 7/5/2020, Công an huyện Trần Văn Thời tiếp tục phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 94C - 024.27 của Cty Út Tuyết Mai đang chở 60 bình gas các nhãn hiệu Tuyết Mai và Vimexco.

Ngày 18/5/2020, Công an huyện Trần Văn Thời ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty Út Tuyết Mai với số tiền 10 triệu đồng về hành vi “tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động” và phạt gấp 2 lần đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nói về vụ việc bắt giữ ngày 5/5/2020 thu 67 bình gas không có nguồn gốc xuất xứ, trong đó có 31 bình mang nhãn hiệu Elfgaz của Cty Totalgaz sau giám định hàng giả mạo cũng như định giá số tiền là 39.620.000 đồng (đủ để xử lý hình sự theo Điều 192), Công an huyện Trần Văn Thời cho biết: Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ không đủ căn cứ kết luận Cty Út Tuyết Mai vi phạm, bởi vì Cty Út Tuyết Mai xuất hàng (gas) giao cho tài xế Lý Bá Hộ vận chuyển đi giao cho các đại lý (có phiếu xuất kho và hóa đơn đầy đủ). Còn 67 bình gas không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ là do Lý Bá Hộ tự mua của người khác chở đi bán lại lấy lãi, việc này Cty Út Tuyết Mai hoàn toàn không biết. Việc vi phạm của Lý Bá Hộ không đủ căn cứ để xử lý hình sự về hành vi buôn bán hàng giả nên Công an huyện Trần Văn Thời xử phạt vi phạm hành chính đối với Lý Bá Hộ số tiền 22 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Ngày 30/1/2021 chiếc xe ô tô tải BKS 94C - 035.82 lại xuất hiện tại một cửa hàng tại TP Cà Mau và sau đó Công an tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm tra và đang tạm giữ 156 bình gas mang nhãn hiệu Elf gaz nghi bị làm giả niêm mang co. Ảnh: ND

Có mấy vấn đề cần bàn là: Vẫn chiếc xe mang biển kiểm soát 94C - 035.82 chuyên chở gas lậu đã bị bắt nhiều lần nhưng đến Công an Trần Văn Thời nói là Cty Út Tuyết Mai không biết, không liên quan là hơi “vô lý”, thêm nữa hàng giả, hàng lậu thì làm gì có hóa đơn để mà xuất nên cơ quan công an huyện nói thật “buồn cười”.

Cty Totalgaz vẫn tiếp tục bị làm giả nhãn hiệu và cầu cứu các cơ quan chức năng tiếp. Mới nhất, ngày 30/1/2021, sau một thời gian tìm hiểu thu thập thông tin đã phát hiện chiếc xe ô tô biển kiểm soát 94C - 035.82 của Cty Út Tuyết Mai tiếp tục đổ hàng giả mạo Elfgaz của Cty Totalgaz, PV Báo Thanh tra đã báo Công an tỉnh Cà Mau. Ngay sau đó, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau - Đại tá Phạm Thành Sỹ đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) đã ngay lập tức kiểm tra Kho Minh Phong (địa chỉ ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP Cà Mau) ngay khi chiếc xe tải kia vừa từ kho này rời đi.

Qua kiểm tra, PC03, Công an tỉnh Cà Mau đã phát hiện và thu giữ 156 bình gas mang nhãn hiệu Elfgaz của Cty Totalgaz có dấu hiệu làm giả niêm màng co để tiến hành xác minh làm rõ.

Đơn kiến nghị của Cty Totalgaz đã viết: “Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh gas, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng và an toàn xã hội, ngày 10/5/2010 Hiệp hội Gas Việt Nam và Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an đã ký kết văn bản thỏa thuận “kế hoạch hợp tác đấu tranh phòng, chống tham tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh gas”.

“Do vậy, để phát huy đúng tinh thần, mục đích của thỏa thuận nêu trên, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và quyền lợi ích hợp pháp của các công ty gas làm ăn chân chính cũng như lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh gas tại khu vực, công ty chúng tôi mong PC03, Công an tỉnh Cà Mau sớm có kế hoạch kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm của doanh nghiệp nêu trên” - Đơn của Cty Totalgaz nhấn mạnh.

Những bất cập của ngành Gas hiện nay

Thị trường gas hiện nay, theo các đơn vị kinh doanh gas cho biết thì có hai vấn đề cần quan tâm: Quá nhiều cơ quan Nhà nước tham gia quản lý vỏ bình gas nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý chính. Cùng đó là nhức nhối nạn sang chiết nạp lậu gas dễ dẫn đến chất lượng không bảo đảm, gây cháy nổ.

Còn theo số liệu của Bộ Công Thương cho biết: Lượng gas tiêu thụ trên thị trường năm sau luôn cao hơn năm trước với mức độ tăng bình quân là 10%. Thế nhưng sau gần 30 năm phát triển thị trường gas, đến nay chúng ta mới chỉ có Thông tư 15/1999/TT-BTM của Bộ Thương mại về kinh doanh khí đốt hoá lỏng. Đến năm 2007, Bộ Công thương mới có Quyết định 36 quy định về việc chiết nạp gas và mới nhất là Nghị định 99/2020 ngày 26/8/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Nghịch lý nữa là hiện có nhiều cơ quan Nhà nước tham gia quản lý vỏ bình gas như: Bộ Tài chính thu thuế vỏ bình; Bộ Công an và Cục Phòng cháy - Chữa cháy quản lý an toàn cháy nổ; Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý đăng ký nhãn hiệu; Bộ Công thương quản lý kinh doanh… nhưng không cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý chính.

Tại Hội thảo “Những vấn đề cấp bách trong kinh doanh gas hiện nay” được tổ chức mới đây, ông Trần Trọng Hữu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết về thực trạng xử lý bình gas bị chiếm dụng, chiếm đoạt, san chiết trái pháp luật của các cơ quan kiểm tra. Cụ thể, có vụ đem bán đấu giá, có vụ bình bị tiêu hủy, bán phế liệu, có vụ trả lại bình cho ngay đối tượng vi phạm, có vụ trả cho chủ sở hữu, có vụ truy cứu trách nhiệm hình sự...

Theo ông Hữu, việc xử lý khác nhau như trên đối với cùng hành vi vi phạm đã làm giảm hiệu lực của pháp luật, gây thiệt hại về kinh tế và uy tín của chủ sở hữu bình gas. Nguyên nhân của việc xử lý khác nhau là do hiểu và áp dụng quy định pháp luật không đầy đủ. Vì vậy, cần thống nhất về xác định hành vi và áp dụng chế tài xử lý

Nhiều doanh nghiệp tại hội thảo cũng cho rằng, các lực lượng chức năng không thực hiện đầy đủ các bước cần phải làm, chưa thực hiện quy định tại Điều 126 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh gas, nhất là hành vi chiếm dụng, san chiết trái phép, giả nhãn hiệu, chiếm đoạt, hoán cải vỏ bình gas... đã đạt nhiều kết quả, góp phần bình ổn thị trường. Tuy nhiên, việc xác định hành vi vi phạm và áp dụng chế tài xử lý của mỗi lực lượng, mỗi địa phương vẫn đang có sự khác nhau, gây không ít khó khăn cho chính doanh nghiệp.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Nam Dũng - Thành Nam