Trong thời gian ông Quyết làm cán bộ phụ trách mảng xây dựng cho đến thời điểm hiện tại làm Chủ tịch UBND xã Thọ An, lợi dụng chức vụ thi công các công trình xây dựng đã bớt xén chất lượng cũng như nhiều hạng mục công trình trong thiết kế đã được duyệt, thẩm định như: Công trình kè ao Đình Nguyên Xá, xã Thọ An; dự án xây dựng trường mầm non xã Thọ An; công trình làm đường bê tông tại nghĩa trang xã Thọ An.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Thọ An cho biết: Đơn thư tố cáo nặc danh có gửi tới một số cán bộ chủ chốt của xã, xã đã tập hợp các đơn thư này và làm báo cáo gửi lên huyện. Hiện tại, huyện đang tiến hành giải quyết theo thẩm quyền.

Ông Thanh cho biết, huyện đã yêu cầu tập thể Đảng ủy xã kiểm điểm, rút kinh nghiệm; cá nhân ông Nguyễn Trần Quyết kiểm điểm báo cáo về huyện, đồng thời yêu cầu khắc phục ngay tình trạng yếu kém về công tác quản lý đất đai, công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa phương.

Còn việc xét chuyển đảng viên chính thức cho ông Quyết khi chưa đủ 12 tháng đảng viên dự bị là do sơ xuất trách nhiệm của Chi bộ khi đó bị thúc ép làm sớm chứ không hề có động cơ vụ lợi gì cả. 

Ông Nguyễn Trần Quyết, Chủ tịch UBND xã Thọ An cho biết, việc này thẩm quyền là do Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng quản lý nên xin không thông báo và đề nghị PV liên hệ với Huyện ủy để tìm hiểu.

Còn công trình xây dựng nghĩa trang xã, hiện Thanh tra Hà Nội đã kết luận là không có sai phạm. Phần làm đường bao quanh nghĩa trang đã xong và đảm bảo chất lượng. Lý do chưa nghiệm thu được là còn một số hạng mục chưa hoàn thiện.

Đối với công trình xây dựng trường mầm non xã Thọ An, ông Quyết cho biết, đây là công trình do Ban Quản lý Dự án huyện làm chủ đầu tư ông không biết!

PV đã đến liên hệ với Huyện ủy Đan Phượng để làm rõ hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm.

Người dân còn cho biết, đến năm 2016, ông Quyết được bầu làm Chủ tịch UBND xã Thọ An đã ra lệnh cưỡng chế đập phá nhà cửa của một gia đình thương binh.   

Theo phản ánh của bà Lê Thị Sâm ở cụm 4, xã Thọ An: Năm 1954, bố đẻ bà là thương binh Lê Văn Nhân từ miền Nam tập kết ra Bắc, được UBND xã Thọ An và nhân dân đón tiếp về để chăm sóc, và cấp cho một ngôi nhà 5 gian gắn liền với đất của địa chủ (ông Tổng Bảo). Cụ Nhân có 2 người con là bà Lê Thị Sâm và người em trai là Lê Chung Quy.

Đến 1966, UBND xã Thọ An vận động gia đình cụ Nhân chuyển đi nơi khác để lấy đất làm trường cấp 1 cho xã. Bù lại, xã chuyển gia đình cụ Nhân vào cụm 4, cấp đổi một mảnh đất diện tích 890m2. Đồng thời, xã để cụ Nhân trông coi, hương khói nghĩa trang liệt sĩ của hai xã Thọ An và Thọ Xuân.

Bà Sâm cho hay: "Năm 1987, bố tôi mất không để lại di chúc. Hai chị em tôi tự phân chia tài sản. Phần lớn mảnh đất em trai tôi sử dụng, giờ đã bán hết. Còn phần của tôi chỉ có 220m2 (trên tổng số 890m2). Đất theo sổ địa chính vẫn đứng tên bố tôi".

Khi bà Sâm tiến hành xây dựng ngôi nhà để thờ cúng gia tiên, ngày 3/11/2016, xã thông báo cưỡng chế trên loa truyền thanh. Ngày 5/11/2016, xã đưa lực lượng đến cưỡng chế, thu giữ toàn bộ đồ đạc, tài sản và cả bàn thờ, bài vị bố tôi về trụ sở xã. Sau khi phá dỡ xong căn nhà mới xây dựng, xã chở vật liệu xây dựng vứt xuống sông Hồng, còn sắt thép thu về trụ sở xã.

Cũng theo bà Sâm, đến ngày 13/1/2017, ông Nguyễn Văn Cao, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ An ký Thông báo số 03/TB-UBND: “Nếu gia đình có nguyện vọng nhận lại đồ vật của gia đình thì liên hệ với UBND xã để giải quyết”. Lý do công trình của bà Sâm bị cưỡng chế phá dỡ là vi phạm quy định về sử dụng đất đai, xây dựng trên đất nông nghiệp.

Bà Sâm khẳng định nguồn gốc thửa đất rất rõ ràng: Năm 1954, bố bà Sâm được giao đất ở, là ngôi nhà 5 gian gắn liền với đất của địa chủ, chứ không phải được chia ruộng. "Sau khi bố mất, hai chị em tự chia nhau, tôi nhận thửa đất nằm ở giữa, còn em trai tôi nhận các thửa đất liền kề hai bên. Hiện, phần đất của em trai tôi đã chuyển nhượng cho 3 hộ gia đình khác và đều đã xây dựng nhà ở từ nhiều năm nay. Do đó, tôi khẳng định không thể có chuyện vô lý trên cùng một thửa đất, cùng loại đất mà chỗ đất lọt thỏm ở giữa lại là đất nông nghiệp không được xây dựng trong khi xung quanh lại là đất ở được phép xây dựng", bà Sâm bức xúc.

Bên cạnh đó, còn có thông tin, người dân xây dựng thì ngay lập tức xã cưỡng chế rất nghiêm, nhưng công trình xây dựng trên đất nông nghiệp của mẹ đẻ ông Nguyễn Trần Quyết lại được ưu ái cho tồn tại. Cho đến khi có khiếu kiện của người dân thì công trình này vẫn tồn tại.  (Ngày 23/5/2018, PV làm việc với lãnh đạo xã Thọ An thì vẫn chưa thấy xử lý).

Về việc này, ông Quyết cho biết, mẹ đẻ ông đã mua khoảng hơn 6 sào đất nông nghiệp từ cuối năm 2016, đầu năm 2017, xa khu dân cư để chăn nuôi nhưng sau đó có cho người khác thuê lại và họ đã xây dựng chuồng trại để chăn nuôi khi chưa được cấp phép. Khi được phát hiện, ông đã cho nhắc nhở và yêu cầu tự tháo gỡ.  

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Dũng