Theo đơn khởi kiện, bà Đào tố cáo Chủ tịch UBND phường Vĩnh Bảo áp dụng pháp luật một cách khiên cưỡng, không đúng.

Trong đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan báo chí, bà Đào cho biết, trước đây UBND TP Rạch Giá quy hoạch phân lô tách thửa khu đất tọa lạc tại ví trí góc đường Chi Lăng và Ngô Quyền gồm các khu A, B, C, D, E để bán cho cán bộ, trong đó lô D thể hiện hẻm cùng đường nội bộ có chiều ngang 4.5m, dài 36m (nay là hẻm 1D đường Chi Lăng).

Từ năm 2007 - 2013, bà Đào mua các lô đất 1/11D, 1/13D, 1/15D, 1/17D, 1/14D, 1/16D, 1/18D nằm liền kề, đối xứng nhau ở cuối hẻm. Năm 2007, bà cho sửa chữa xây dựng nhà giáp với bức tường của kho công sản (Sở Tài chính Kiên Giang quản lý).

Tháng 3/2012, bà Đào thuê một phần kho công sản do ông Bùi Văn Phụng quản lý để chứa vật liệu xây dựng với giá 2 triệu đồng/tháng, thời hạn 25 tháng. Tại thời điểm này, hẻm 1D giáp kho công sản là vách tường liền không có cửa mở ra hẻm 1D, bà được ông Phụng đồng ý cho đập vách tường giáp với hẻm 1D để mở cửa, thuận tiện cho việc vận chuyển vật tư và chứa vật tư xây dựng. Hai bên cam kết khi nào xây dựng xong công trình, bà Đào trả lại hiện trạng như cũ.

Tháng 4/2014, bà Đào xây trả lại nguyên hiện trạng cho kho công sản, nhưng ông Phụng bảo cứ để cửa lại. Vì có cửa thông sang kho công sản, trộm cắp tài sản thường xuyên xảy ra đối với công ty của bà Đào nên ngày 16/12/2014, bức tường được xây áp với bức tường cũ của kho công sản. Việc xây bức tường này không làm ảnh hưởng đến ai trong hẻm, đây là hẻm cùng, không có người đi qua, người dân trong hẻm cũng không có ý kiến gì đối với việc xây bức tường này.

Đến năm 2010, bà Đào dựng rào chắn ngang hẻm được làm bằng sắt để bảo vệ tài sản và an ninh trật tự trong khu nhà, đồng thời không làm ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của các hộ dân trong hẻm. Năm 2014, con hẻm xuống cấp, ngập úng ở cuối hẻm, bà đã nâng cấp phần cuối hẻm trong khu vực trước cửa nhà bằng xi măng, lát gạch để giữ gìn vệ sinh, việc nâng cấp con hẻm cũng không làm ảnh hưởng gì đến người dân sống quanh đây, hơn nữa các lô đất đối xứng nhau đều thuộc quyền sở hữu của bà.

Không rõ vì nguyên nhân gì, ngày 22/12/2014, cán bộ phường Vĩnh Bảo xuống lập biên bản cho rằng bà Đào xây bờ tường áp sát với tường của kho công sản là sai. 

Ngày 27/12/2014, bà Đào tiếp tục nhận được Quyết định xử phạt hành chính số 356/QĐ-XPVPHC do ông Vũ Quang Hậu, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Bảo ký cho rằng bà đã vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Quyết định này áp dụng điểm a, khoản 6, Điều 13, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ, phạt bà 2 triệu đồng. Tuy nhiên bà Đào cho rằng: “Việc làm của tôi là phù hợp với thực tế, không ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng và xã hội”.

Chưa ngừng ở đây, chính quyền địa phương tiếp tục “hành” bà Đào bằng những thông báo, quyết định mà theo các luật sư, là chồng chéo, tiền hậu bất nhất.

Luật sư Phạm Hồng Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Sơn bày tỏ quan điểm: Việc áp dụng pháp luật tại địa phương này cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tế, làm cho người dân, cụ thể là bà Đào bị tổn hại về tinh thần, gây ra nghi ngờ cho xã hội về sự trù dập doanh nghiệp vì lý do nào đó. Khoảng diện tích đất làm đường bà Đào đang sử dụng (theo quy hoạch gọi là hẻm cụt) thực tế coi như sân, vì ngoài cán bộ công nhân công ty ra, không có người dân nào đi vào đường này. Tại sao UBND tỉnh Kiên Giang, TP Rạch Giá không điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện để bà Đào thuê, hoặc đấu giá khoảng đất này? Áp dụng pháp luật có lý, có tình người dân, doanh nghiệp được tạo điều kiện sống, Nhà nước tăng nguồn thu ngân sách, không tốn thời gian, giấy mực của cơ quan chức năng, góp phần cho xã hội tốt đẹp văn minh.

Vân Nam