Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 06/09/2016 - 09:36
(Thanh tra) - Vụ tranh chấp đất đai giữa người dân xóm Hồng, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy với người dân xóm Lộc Thành, xã An Lạc, huyện Lạc Thủy diễn ra từ năm 2003. Bảo Hiệu đã trở thành điểm “nóng” về khiếu nại, tố cáo của tỉnh Hòa Bình.
Những người đại diện đứng đơn khiếu nại ở xóm Hồng trước tấm bản đồ. Ảnh: HB
Điểm nóng Bảo Hiệu
Có thời điểm người dân xóm Hồng và dân xóm Lộc Thành dùng nỏ, dao, gậy để “giải quyết” vụ việc với nhau. Thậm chí, vì quá bức xúc, người dân xóm Hồng đã tổ chức chặt phá hơn 8,6ha rừng keo của 6 hộ dân xóm Lộc Thành trồng trên khu đất tranh chấp với mục đích đòi lại đất.
UBND huyện Yên Thủy đã nhiều lần tổ chức đối thoại với dân. UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều quyết định, văn bản chỉ đạo UBND huyện Yên Thủy và huyện Lạc Thủy và các sở, ngành của tỉnh giải quyết dứt điểm việc tranh chấp đất đai giữa 2 xóm, nhưng chưa được người dân đồng thuận, chấp hành. Các hộ dân xóm Hồng đã kéo lên tỉnh, lên Trung ương khiếu kiện.
Vì sao người dân xóm Hồng lại tổ chức khiếu kiện đông người, vượt cấp?
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, bà Bùi Thị Thạo, người đại diện đứng đơn khiếu nại, cho biết: 36 hộ dân xóm Hồng đã khai phá, sử dụng khu đất để sản xuất nông, lâm nghiệp từ trước năm 1984. Trong thời gian sử dụng không có tranh chấp với tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nào ở xã Bảo Hiệu, huyện Lạc Thủy. Năm 1995, thực hiện Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/1/1994 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lâm nghiệp Hòa Bình và cán bộ huyện Yên Thủy đã về kiểm tra, xác minh nguồn gốc đất để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ. Ngày 15/10/1997, UBND huyện Yên Thủy đã tiến hành giao đất và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho 36 hộ được sử dụng đất lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, với diện tích khoảng 79ha.
Sau khi có “bìa đỏ”, 36 hộ dân yên tâm, tiếp tục trồng cây lâm nghiệp, sử dụng đất đúng mục đích được giao. Năm 2000, cán bộ huyện Yên Thủy về thu hồi lại đất của 36 hộ để giao cho Lâm trường Lạc Thủy mà không cho biết nguyên nhân thu hồi.
Năm 2003, người dân xóm Hồng lại thấy người dân xóm Lộc Thành, xã An Lạc, huyện Lạc Thủy trồng cây keo trên đất của mình đã được cấp GCNQSDĐ. Việc tranh chấp đất, khiếu nại bắt đầu nảy sinh.
Khiếu nại của người dân xóm Hồng chưa được chính quyền các cấp giải quyết thỏa đáng thì năm 2010, UBND tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Yên Thủy lại ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ của 36 hộ. Dân xóm Hồng không chấp hành, không nộp GCNQSDĐ cho chính quyền. "Người dân xóm Hồng chúng tôi phải giữ đất của mình chứ" - bà Thạo bức xúc nói.
Bà Bùi Thị Xứ, là 1 trong 36 hộ dân xóm Hồng cho biết: Nếu chính quyền Yên Thủy cấp GCNQSDĐ sai thì khi chính quyền tỉnh ra quyết định thu hồi, cán bộ phải họp dân, giải thích cho dân biết, dân thông thì mới thực hiện. Trong khi trên đất còn có cây do các hộ trồng, Lâm trường lấy đất rồi chặt, phá cây của dân mà không bồi thường, đền bù cho dân? Tại sao Lâm trường Lạc Thủy không giao khoán cho dân xóm Hồng trồng cây mà giao đất cho các hộ dân xóm Lộc Thành trồng? Người dân xóm Hồng chỉ đòi hỏi sự công bằng và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình. Vì thế mới phải “ôm đơn” đi khiếu nại suốt hơn 10 năm nay.
Thu hồi GCNQSDĐ là đúng
Làm việc với bà Bùi Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy, được biết: Ngày 2/2/2000, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 07/QĐ-UBND về việc bàn giao rừng và đất lâm nghiệp cho Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý, sử dụng. Theo ranh giới hành chính được xác lập theo Chị thị 364/CT ngày 6/11/1991 của Thủ tướng Chính phủ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì toàn bộ diện tích đất khu giáp ranh mà 36 hộ dân xóm Hồng đang sử dụng và đã được UBND huyện Yên Thủy cấp CNQSDĐ nằm trong địa giới hành chính quản lý của huyện Lạc Thủy và phải thu hồi giao cho Cty Lâm nghiệp Hòa Bình.
Sau khi nhận bàn giao đất, Cty Lâm nghiệp Hòa Bình giao khu đất trên cho Lâm trường Lạc Thủy quản lý, sử dụng. Năm 2003, Lâm trường Lạc Thủy đã ký hợp đồng giao đất cho 14 hộ dân xóm Lộc Thành, xã An Lạc trồng cây theo chương trình, dự án với hình thức giao khoán. Từ đây nảy sinh tranh chấp đất đai và phát sinh khiếu nại đòi lại đất của 36 hộ dân xóm Hồng, xã Bảo Hiệu.
Ông Nguyễn Văn Tỵ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Kết quả kiểm tra xem xét trên thực địa khu vực tranh chấp đúng theo mô tả trong hồ sơ và bản đồ địa giới hành chính theo Chỉ thị số 364-CT đã được xác lập. Như vậy, khu đất mà 36 hộ dân xóm Hồng, xã Bảo Hiệu canh tác thuộc địa giới hành chính của huyện Lạc Thủy quản lý. Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 29/1/2010 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ dân trú tại xóm Hồng và xóm Lộc Thành, trong đó có nội dung: “Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho 36 hộ dân xóm Hồng, xã Bảo Hiệu với diện tích khoảng 79ha do cấp sai, vượt phạm vi quản lý địa giới hành chính của UBND huyện Yên Thủy”, là đúng.
Tấm bản đồ, “cái gậy” để người dân xóm Hồng khiếu nại. Ảnh: HB
Nội dung người dân xóm Hồng khiếu nại cho rằng, diện tích đất mà 36 hộ được UBND huyện Yên Thủy giao, cấp GCNQSDĐ nằm trong đường ranh giới hành chính theo Chỉ thị 364-CT, thuộc quản lý của UBND huyện Yên Thủy là không có cơ sở pháp lý.
Một quyết định thấu tình, đạt lý
Ngày 14/1/2016, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 76/QĐ-UBND sửa đổi bổ sung Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 29/1/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh. Quyết định nêu: “Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy tiếp nhận và quản lý đất đai theo địa giới hành chính. Trên cơ sở kết quả rà soát, đo đạc thực tế của các cơ quan có thẩm quyền để xem xét cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân xóm Hồng, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy do UBND huyện Yên Thủy thu hồi GCNQSDĐ do cấp sai, vượt phạm vi quản lý địa giới hành chính”. Đây là quyết định thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân xóm Hồng.
Các hộ dân xóm Hồng vẫn không đồng thuận, không thực hiện lập hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định. Theo quan điểm của bà Bùi Thị Thạo và bà Bùi Thị Xứ cùng một số người dân xóm Hồng, không đồng ý với đường phân vạch địa giới hành chính theo Chỉ thị 364-CP đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt giữa xóm Hồng và xóm Lộc Thành.
Bà Thạo, bà Xứ, ông Bùi Đức Văn (nguyên trưởng xóm Hồng) đã đưa ra một tấm bản đồ mới toanh, mang tiêu đề: “Bản đồ khảo sát khu đất xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy; xã An Lạc, huyện Lạc Thủy”. Bản đồ này đã phủ nhận đường ranh giới địa giới hành chính 364-CP giữa xóm Hồng và xóm Lộc Thành. Đồng thời, tạo dựng một đường ranh giới 364-CP khác ôm trọn khu đất tranh chấp. Đường ranh giới này phản ánh, khu đất 36 hộ dân xóm Hồng đã được UBND huyện Yên Thủy cấp GCNQSDĐ thuộc địa phận hành chính huyện Yên Thủy quản lý. Tấm bản đồ này chính là cái “gậy” để người dân xóm Hồng tổ chức khiếu nại, đòi chính quyền tỉnh Hòa Bình điều chỉnh lại đường ranh giới địa giới hành chính giữa xóm Hồng, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy và xóm Lộc Thành, xã An Lạc, huyện Lạc Thủy.
Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình làm rõ, tấm bản đồ mà người dân xóm Hồng đang lưu giữ có đủ tính pháp lý và có phản ánh đúng thực trạng địa giới hành chính theo Chỉ thị 364-CP?
Làm rõ được vấn đề trên, sẽ chấm dứt được tình trạng khiếu kiện kéo dài, đông người ở xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy.
Hồng Bài
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai nhân sự Nguyễn Quốc Huy có bằng tốt nghiệp đại học do Trường Đại học Xây dựng cấp. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, đã phát hiện ông Nguyễn Quốc Huy không có tên trong hồ sơ gốc cấp bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Xây dựng.
Ngọc Tuấn
19:00 13/12/2024(Thanh tra) - Thua lỗ tới mức âm vốn chủ sở hữu khiến Công ty TNHH Giáp Bình chứng kiến nợ vượt xa vốn và gia tăng nguy cơ phá sản.
Thanh Giang
16:10 13/12/2024Chu Tuấn
15:37 13/12/2024Trung Hà
19:00 11/12/2024Thùy Dương
08:00 11/12/2024Thành Nam
07:25 11/12/2024Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên