Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vì sao công dân vẫn tiếp khiếu đòi quyền lợi đất khai hoang?

Thứ sáu, 08/06/2018 - 09:32

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về đất đai tại 3 đặc khu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định phải có cơ chế nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân có quá trình khai hoang đất. Nhưng thực tế tại huyện đảo Phú Quốc, quyền lợi hợp pháp của người dân có quá trình khai hoang đất vẫn chưa được bảo đảm, trong khi lợi nhuận vẫn chảy vào túi doanh nghiệp và giới đầu cơ.

Đất có nguồn gốc của dân khai hoang được giao cho các dự án du lịch biển là nguyên nhân phát sinh khiếu nại của người dân ấp Đường Bào, xã Dương Tơ. Ảnh: GT

Vô cảm, sai thẩm quyền

Lịch sử biến động đất đai tại Phú Quốc là một câu chuyện dài với nhiều gam màu loang lổ mà nếu không có giải pháp nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết thì hiện tượng tiếp khiếu, tiếp tố của công dân vẫn là bài toán không có lời giải. Lý do chính là từ tháng 6/1998, một diện tích đất lâm nghiệp 33.307ha đã được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Phú Quốc quản lý, nhưng trước đó hàng ngàn hộ dân đã khai hoang, canh tác trong diện tích này. Đáng lẽ trước khi ban hành quyết định này, các cơ quan chức năng địa phương phải thống kê đầy đủ các hộ dân đang canh tác, thậm chí đã xây dựng nhà ở kiên cố trong diện tích lâm phần này, sau đó tiến hành hỗ trợ, di dời người dân đến nơi ở mới, kèm theo chính sách cấp đất sản xuất nông nghiệp theo hạn mức mỗi hộ là 3ha.

Thế nhưng việc này đã không được thực hiện mà thay vào đó, ngày 16/8/1998, ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ký Quyết định số 2163/QĐ-UB về giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 33.307ha đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Phú Quốc. Từ thời điểm này, nhà ở, đất khai hoang của người dân huyện Phú Quốc đã trở thành đất lâm nghiệp dù thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang không được phép ký quyết định giao và cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp với diện tích 33.307ha. Ngay sau đó, việc xảy ra tranh chấp giữa người dân và cơ quan quản lý lâm nghiệp đã trở thành hàng trăm đơn khiếu nại, tố cáo, cũng như hàng loạt án hành chính liên quan đến các quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi phần đất tranh chấp này được thu hồi để giao cho các dự án du lịch, dự án sân golf, biệt thự biển… tại Bãi Trường, tại Gành Dầu, tại An Thới, tại Bãi Thơm.

Điều đáng ngại là, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 33.307ha đất để bảo vệ diện tích rừng trên đảo Phú Quốc thì việc cắm mốc rừng trong thực tế được triển khai rất chậm, còn người dân vẫn tiếp tục sử dụng đất làm nhà ở, trồng tiêu, trồng sen, nuôi cá. Hay nói khác, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Phú Quốc, sau này được tách ra là Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Vườn Quốc gia Phú Quốc trực thuộc UBND tỉnh Kiên Giang, chỉ quản lý quyền sử dụng đất trên sổ sách, còn người dân vẫn trực tiếp sử dụng đất theo kiểu da beo trong 33.307ha đất lâm nghiệp.

Trong khi người dân và cơ quan quản lý rừng vẫn tiếp tục tranh cãi về quyền sử dụng đất thì huyện Phú Quốc được chọn để phát triển mô hình đặc khu với quy mô phát triển du lịch chất lượng cao, đi kèm là hàng trăm dự án với quy mô thu hồi đất hàng ngàn ha. Để có quỹ đất cho sự phát triển này, thời điểm 2012 cũng đã có 4.600ha đất rừng được lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang quyết định đưa ra khỏi lâm phần dù phần lớn diện tích đất này đang được người dân sử dụng.

Đường Dương Đông - An Thới chẻ đôi đất của người dân, phần trên thì cấp sổ, còn phần dưới thì được xem là đất rừng phòng hộ và không bồi thường. Ảnh: GT

Dân thiệt thòi còn doanh nghiệp hưởng lợi

Với tư duy đất lâm nghiệp, người dân sử dụng đất sau tháng 6/1998 là lấn chiếm đất Nhà nước nên tại khu vực An Thới đã có hàng trăm trường hợp người dân không được bồi thường về quyền sử dụng đất dù thực tế người dân đã sử dụng đất trước ngày 15/10/1993. Tại khu vực xã Dương Tơ lại có tình trạng bất thường là trước khi chưa có tuyến đường Dương Đông - An Thới thì đất của hàng trăm hộ dân khai hoang là một diện tích ổn định kéo dài từ phía núi đến sát biển. Đến khi tuyến đường được thi công thì người dân được nhận bồi thường phần đất trong ranh tuyến đường, còn đất bị chia thành 2 phần nằm dọc theo đường Dương Đông - An Thới.

Nhưng ngay sau đó, người dân chỉ được cấp quyền sử dụng đất cho diện tích phía trên tuyến đường, còn toàn bộ diện tích phía bên kia tuyến đường, nằm trong ranh các dự án du lịch biển lại được xem là đất rừng nên không bồi thường(?). Khi người dân đề nghị làm rõ sự việc này thì cơ quan chuyên môn của UBND huyện Phú Quốc lại không giải quyết mà ban hành các văn bản trả lời là không có cơ sở giải quyết. Ngay cả đến khi công dân khởi kiện hành chính và TAND các cấp đã tuyên hủy các quyết định thu hồi đất, quyết định giải quyết khiếu nại thì trách nhiệm thi hành án vẫn không được cơ quan chức năng huyện Phú Quốc thực hiện nghiêm túc.

Hơn 6 năm qua nhờ có văn bản chuyển đơn của Thanh tra Chính phủ nên ông Võ Hoàng Sơn, cán bộ lão thành cách mạng tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, vẫn giữ được phần đất trồng tràm bông vàng có nguồn gốc là đất khai hoang từ năm 1976. Dù phần đất này trên giấy tờ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao đất cho Tập đoàn CEO triển khai dự án du lịch biệt thự biển nhưng gia đình ông Sơn vẫn canh giữ đất vì nằm đối diện với nhà ông tại phía bên kia đường Dương Đông - An Thới. Là cán bộ kháng chiến đã có mặt tại vùng đất này từ năm 1972, ông Sơn là người hiểu rõ về lịch sử đất đai của xã Dương Tơ, trong đó có ấp Đường Bào, nên ông rất bức xúc khi đất dân khai hoang bỗng nhiên biến thành đất rừng sau khi con đường mới mở cắt đôi đất của hàng chục hộ dân lân cận.

Nói thẳng về nỗi bất bình mà người dân đã phải chịu đựng do chính sách không minh bạch, ông Sơn cho rằng: Người dân ấp Đường Bào đề nghị Thanh tra Chính phủ làm rõ quá trình quy hoạch đất lâm nghiệp đã được thực hiện đúng pháp luật hay không khi nhà đất của nhân dân có nguồn gốc, có quá trình khai hoang theo chủ trương của UBND huyện Phú Quốc từ những năm 1992 lại bị “biến” thành đất lâm nghiệp vào tháng 6/1998. Tại sao 30 dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Bãi Trường thuộc ấp Đường Bào lại được ưu ái giao cấp đất, xây dựng biệt thự biển để bán với giá hàng chục tỷ, trong khi cơ quan chức năng chưa giải quyết dứt điểm khiếu nại của nhân dân về quyền sử dụng đất dù thực tế là nhân dân đủ điều kiện cấp quyền sử dụng đất, nếu không bị quy hoạch cho hàng chục dự án có nguồn vốn tư nhân.

Cơ quan chức năng chỉ quản lý trên sổ sách còn người dân vẫn trực tiếp sử dụng đất theo kiểu da beo trong 33.307ha đất lâm nghiệp. Ảnh: GT

Nhận định hiện tượng công dân huyện Phú Quốc tiếp khiếu đối với đất khai hoang, nguyên Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng, người đã có 25 năm theo dõi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tại khu vực phía Nam, khuyến cáo rằng đặc thù của huyện Phú Quốc là chưa hoàn chỉnh lưới địa chính nên việc quản lý đất đai còn nhiều bất cập. Nội dung tranh chấp, khiếu nại thậm chí biến thành tố cáo của công dân huyện Phú Quốc đối với diện tích đất khai hoang phải được cơ quan quản lý Nhà nước nhìn nhận một cách sòng phẳng, đúng pháp luật. Ngay cả khi Nhà nước có ban hành các quyết định quản lý nhưng thực tế người dân vẫn tiếp tục sử dụng đất với thời điểm trước 15/10/1993, và 1/7/2004 thì khi giải quyết khiếu nại phải xem xét toàn diện để có phương án đúng thẩm quyền, hạn chế tiếp khiếu, tiếp tố.

Ngoài ra, cũng phải tính toán đến vấn đề nếu đất khai hoang đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tiếp đó, phải xác định tính chất của dự án là sử dụng vốn ngân sách với mục tiêu công ích thì UBND huyện Phú Quốc được phép ban hành quyết định thu hồi đất, còn các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, có mục đích kinh doanh biệt thự, sân golf thì chủ đầu tư phải thỏa thuận với người sử dụng đất về giá trị quyền sử dụng đất.

Về trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc trong thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, luật sư Phan Văn Hải, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng: Hội đồng xét xử đã xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ để tuyên xử một cách công tâm, khách quan, đã làm rõ hàng loạt hành vi sai pháp luật của các quyết định thu hồi đất, bồi thường, quyết định giải quyết khiếu nại đối với nhiều dự án du lịch biển tại huyện Phú Quốc. Hiến pháp 2013, cùng quy định pháp luật về thi hành án, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp UBND tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc không thể thi hành án thì phải có văn bản kiến nghị giám đốc thẩm hoặc đề nghị giải thích án chứ không thể tiếp tục chọn giải pháp im lặng, không thi hành án theo kiểu “để lâu cứt trâu hóa bùn”.

Ngọc Giang - Chu Tuấn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình sửa chữa, bảo dưỡng đường trục tiểu khu Đông Đoài đi A27, kết nối vào đường gom thị trấn Phú Xuyên đi Vân Từ - Phú Yên, có tổng chiều dài chỉ 1.039m với tổng vốn đầu tư là 14,989 tỷ đồng và đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kết luận có nhiều sai phạm.

Nam Dũng

16:00 14/12/2024
Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…

Ngọc Tuấn

08:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm