Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

UBND quận Ninh Kiều cần xem xét lại phương án đền bù, tái định cư để người dân đồng thuận

Chu Tuấn

Thứ năm, 28/03/2024 - 06:35

(Thanh tra) - Cùng một dự án, hồ sơ pháp lý có nhiều điểm tương đồng, có hộ được UBND quận Ninh Kiều duyệt bố trí tái định cư (TĐC) nhưng có hộ lại không được. Điều này đã dẫn tới việc so sánh, bức xúc, bất bình của người bị thu hồi đất, khiến cho công tác giải tỏa để thực hiện dự án của thành phố Cần Thơ (TP) gặp khó khăn, phát sinh đơn thư…

UBND quận Ninh Kiều cần xem xét lại phương án đền bù, tái định cư để người dân đồng thuận... Ảnh: C.T

Không đúng khung chính sách TĐC vẫn được TĐC…

Tại Dự án Phát triển TP và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3), có 02 trường hợp không đủ điều kiện bố trí TĐC nhưng vẫn được UBND quận Ninh Kiều phê duyệt chính sách TĐC. Cụ thể:

Tại Thông báo số 28/TB-UBND ngày 26/03/2021 về kết quả giải quyết tố cáo, UBND TP đã kết luận đối với việc bố trí TĐC cho ông Trịnh Hoàng Thám và bà Trịnh thị Mỹ Lệ như sau:

Căn cứ khung chính sách TĐC của dự án thì trường hợp ông Thám và bà Lệ không đủ điều kiện để được bố trí TĐC, vì theo Mục 3.5 và Phụ lục 1 Khung chính sách TĐC được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 163/QĐ-UBND, Mục 5.3 Kế hoạch TĐC được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-UBND, thì chỉ có những trường hợp có đất ở hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở bị thu hồi, phải di dời và không còn đất ở, nhà ở nào khác trên cùng địa bàn phường nơi có đất bị thu hồi thì được bố trí TĐC, các trường hợp còn lại không được bố trí TĐC. Trường hợp của ông Thám và bà Lệ là xây nhà trên đất nông nghiệp, không phải đất ở, nên không đủ điều kiện bố trí TĐC và xét bán nền TĐC.

“Như vậy, việc UBND quận Ninh Kiều phê duyệt chính sách TĐC cho ông Thám và bà Lệ theo đề xuất của Hội đồng Bồi thường dự án là không đúng Khung chính sách TĐC do UBND TP phê duyệt”, Thông báo số 28/TB-UBND cho biết.

Thông báo số 28/TB-UBND còn cho biết, “thực tế đối với các dự án có sự tham gia và hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới nói chung và Dự án 3 nói riêng, đều được áp dụng theo nguyên tắc chung là thực hiện hài hòa giữa khung chính sách của Chính phủ Việt Nam và khung chính sách của Ngân hàng Thế giới, nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân khi bị ảnh hưởng bởi dự án. Đồng thời, theo Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND ngày 13/11/2014 của UBND TP quy định về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP, thì các trường hợp ở nhờ, ở đậu trên đất người khác, mà đất đủ điều kiện bồi thường, nếu có hộ khẩu thường trú tại vị trí đang ở, nếu không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi và nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thì được xét cho mua 1 suất đất TĐC tối thiểu (60m2). Việc Hội đồng Bồi thường dự án xem xét, hỗ trợ bán 01 suất TĐC tối thiểu cho ông Thám và bà Lệ, tuy không đúng theo khung chính sách nhưng phù hợp với quy định của địa phương, đảm bảo quyền lợi cho người bị ảnh hưởng bởi dự án…”

Theo hồ sơ, phần nhà đất bị thu hồi của ông Thám và bà Lệ đều có chung một địa chỉ cư ngụ với ông Trịnh Hoàng Cảnh tại số 349/3, khu vực 6, phường An Khánh, quận Ninh Kiều.

Bà Phương Mai cùng con gái hiện đang sống trong căn nhà được xây dựng trên phần đất bà Tư cho ở nhờ từ năm 2015 và làm giấy tay cho, tặng vào năm 2017. Ảnh: C.T

Nhưng có trường hợp lại không được TĐC, gây bức xúc vì không công bằng

Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Phương Mai (bà Trần Thị Tư - mẹ của bà Phương Mai là đại diện ủy quyền) đang sinh sống, ở tại phần đất (được bà Tư cho, tặng và có hộ khẩu thường trú tại địa chỉ số 350G2/3, khu vực 6, phường An Khánh).

Theo bà Tư, phía sau nhà bà là phần đất chưa được Nhà nước công nhận, tiếp giáp với rạch Đầu Sấu. Bà Tư đã cho bà Phương Mai ở nhờ và xây dựng nhà trên phần đất phía sau vào năm 2015 và đến năm 2017 thì làm giấy tay cho, tặng con mình phần đất này…

Gói thầu CT3-PW-1.17: Cải tạo rạch Bà Bộ, Hàng Bàng, Đầu Sấu thuộc Dự án 3 ảnh hưởng trực tiếp đến phần đất và nhà của con bà Tư. Bà Tư cho biết: "Phần nhà con tôi bị mất trắng, phần đất bị ảnh hưởng là hơn 14m2. Tuy nhiên, con tôi chỉ được nhận bồi thường đối với tài sản trên đất là hơn 129 triệu đồng, còn phần đất đã được tôi làm giấy cho, tặng lại được cơ quan chức năng bồi thường cho tôi (hiện bà Tư đã làm đơn khiếu nại về việc này vì cho rằng quyết định thu hồi và bồi thường đất đối với bà là không đúng đối tượng, vì phần đất này bà đã cho con bà từ năm 2017…) và con tôi không được giải quyết chính sách TĐC".

Công văn số 893/UBND-BTCD ngày 04/03/2024 của UBND quận Ninh Kiều trả lời Báo Thanh tra cho biết, nhà của con bà Tư có kết cấu trệt và sàn được xây dựng trên phần đất thuộc rạch Đầu Sấu, nằm ngoài quyền sử dụng đất được cấp, bị ảnh hưởng một phần (diện tích 36,6m2) được bồi thường hết khung, cột. Đối với nội dung này, bà Tư cho rằng UBND quận thông tin chưa chính xác. Phần đất con bà làm nhà là phần đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Bà Tư cho biết: "Việc UBND quận Ninh Kiều cho rằng, con tôi đăng ký hộ khẩu thường trú ở nhờ tại căn nhà số 350G2/3, khu vực 6, phường An Khánh nên khi sau khi bị giải tỏa thì con tôi vẫn có chỗ ở nên không được bố trí TĐC là không đúng. Vì trên thực tế, phần nhà và đất mà tôi cho con tôi chưa được Nhà nước công nhận nên con tôi không thể đăng ký thường trú tại địa chỉ này. Do đó, con tôi phải đăng ký hộ khẩu tại địa chỉ nhà tôi. Giờ bị giải tỏa mất trắng nhà thì con tôi không còn chỗ ở nào khác…"

“Trường hợp ông Thám và bà Lệ cũng ngụ trên cùng một địa chỉ với ông Cảnh (ông Cảnh, ông Thám và bà Lệ đều bị ảnh hưởng bởi Dự án 3), sau khi bị thu hồi đất, ông Cảnh vẫn còn một phần đất. Nếu lập luận như UBND quận Ninh Kiều đối với trường hợp của con tôi thì ông Thám và bà Lệ tại sao lại vẫn đủ điều kiện để được bố trí TĐC? Việc UBND quận không xem xét TĐC cho con tôi là chưa công bằng…”, bà Tư bức xúc đặt vấn đề.

Từ những nội dung nêu trên, có thể thấy việc áp dụng, triển khai chính sách TĐC phục vụ Dự án 3 vẫn còn những vấn đề khiến người dân chưa thật sự đồng thuận giao đất, còn tình trạng người dân so sánh công bằng, thiệt hơn… Đề nghị UBND TP Cần Thơ sớm vào cuộc, chỉ đạo giải quyết triệt để vấn đề này đối với trường hợp của con bà Tư.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đền bù kéo dài 18 năm vì ngân sách hạn chế?

Đền bù kéo dài 18 năm vì ngân sách hạn chế?

(Thanh tra) - Tại văn bản trả lời Báo Thanh tra, UBND thành phố Thủ Đức cho biết đã thực hiện theo đúng phương án, chính sách và quy định của pháp luật khi thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ. Trong khi đó, người dân có đất bị thu hồi cho rằng bồi thường đất năm 2024 nhưng áp dụng đơn giá theo phương án năm 2006 là không thỏa đáng.

Minh Nghĩa - Đình Thanh

20:19 06/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm