Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 15/08/2014 - 14:02
(Thanh tra) - Bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi vào bệnh viện điều trị phải nộp các khoản tiền phí, lệ phí như: Điện, nước, dịch vụ mổ "kỹ thuật cao", dầu chạy máy phát điện, tiền taxi đón bác sỹ (BS), tiền cho BS "rửa tay", tiền "chỉ tốt"... Đây chỉ là vài trong rất nhiều chiêu "móc túi" bệnh nhân nghèo diễn ra tại Bệnh viện (BV) Đa khoa (BVĐK) Đà Bắc.
Các biên lai thu tiền phí, lệ phí. Ảnh: Hồng Bài
>>Kỳ I: Lạm dụng xét nghiệm chiếm dụng quỹ BHYT
Vượt chặng đường gần 200km, chúng tôi đến các xã: Đoàn Kết, Đồng Chum, Đồng Nghê, Tân Minh, Hào Lý... tận mắt nhìn gia cảnh và trực tiếp nghe bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nói về nỗi bức xúc khi phải nộp những khoản tiền hết sức vô lý cho BV.
Anh Lường Văn Long (dân tộc Tày), xã Đoàn Kết vừa đưa vợ là Lường Thị Thúy, đi viện mổ ruột thưà về cho biết, trước khi đi viện, hai vợ chồng chạy vạy vay mượn anh em họ hàng, nhà năm chục (50.000 đồng), nhà một trăm (100.000 đồng), tất cả được một triệu. Nghĩ rằng, mình có thẻ BHYT thì chừng đấy tiền là đủ.
Khi vào viện, khám xong, BS bảo: Phải mổ. Mổ nhanh thôi, có tiền thì nộp vào! Anh Long nộp 300.000 đồng tiền viện phí.
BS lại bảo nộp thêm 500.000 đồng tiền để khâu chỉ "tốt" và hỏi: Có tiền cho BS "rửa tay" không? Anh Long nói: Không có đồng nào nữa. "Không có tiền "rửa tay" thì khâu chỉ khác vào", BS nói.
Trong túi chỉ có một triệu đồng, còn thiếu 300.000 đồng, để vợ được khâu "chỉ tốt", thế là "cái khó ló cái khôn", anh Long bảo đứa em họ đi bán cái xe máy "Tàu" cũ (phương tiện vừa đưa chị Thúy xuống BV) được 500.000 đồng để đưa cho BS mổ "rửa tay".
Chị Lường Thị Thúy, gạt nước mắt, nói: Chúng em đã vào BV lần nào đâu mà biết thế nào là tiền "rửa tay", thế nào là chỉ tốt, chỉ xấu. Tính tất cả ca mổ vợ chồng em phải nộp hết 1,3 triệu đồng. Hết tiền, hai vợ chồng phải ra quán nói khó với nhà chủ cho ăn "cắm" đợi con ở nhà vay được tiền đem xuống mới trả nhà quán. Em mới mổ về, nhưng phải lên nương thu hoạch ngô về đắt, rẻ cũng bán lấy tiền trả nợ.
Còn, anh Bàn Văn Khôi (dân tộc Dao), bản Thầm Luông, xã Đòan Kết nói như khóc: Mình thấy đau bụng, xuống viện khám, BS bảo bị ruột thừa, phải mổ gấp. Mình đồng ý mổ. Trước khi mổ, BS bảo nộp 500.000 đồng tiền viện phí, 500.000 đồng tiền chỉ. Hôm đấy mất điện, BS bảo muốn mổ thì phải nộp vào 300.000 đồng nữa để BV mua dầu chạy máy phát điện. Tất cả là 1,3 triệu đồng, phải nộp xong mới mổ. Trong túi không có tiền, phải nhờ anh em đi vay cho đủ để mổ, nợ nần thì về đi làm thuê trả dần.
Khác với anh Bàn Văn Khôi, phải nộp tiền dầu, chị Hà Thị Thắm, xã Tân Minh, may mắn hơn là hôm đó không mất điện, nhưng phải nộp tiền để BV đi đón BS ở TP Hòa Bình vào mổ cho mẹ.
Chị Thắm ấm ức: BS khám bảo là mẹ cháu bị ruột thừa nên phải mổ, nhưng BV không có BS mổ nên gia đình phải nộp 300.000 đồng để BV đi đón BS ở TP Hòa Bình vào mổ. Một lúc gia đình phải nộp cho BV 500.000 đồng tiền chỉ, 300.000 đồng tiền xe đón BS. Đến lúc mổ thì không phải BS ngoài TP Hòa Bình mà vẫn là BS BVĐK Đà Bắc mổ. Chả hiểu thế nào, có phải bệnh viện lừa bệnh nhân?
Nghe ông Hà Văn Hùng, xã Hào Lý, kể lại chuyện đưa chị gái là Hà Thị Phúc từ xóm Hạt, xã Đồng Chum (cách BV gần 100km đường núi) về BV mổ ruột thừa mới thấy đau lòng.
Ông Hùng nói: Chưa lên bàn mổ, BS đã bảo nộp 500.000 đồng tiền chỉ. Nộp tiền xong, hai bác cháu ngồi ngoài đợi.
Khi đang mổ thì một BS ra hỏi: Có tiền không? Con chị Phúc hỏi lại: Tiền gì hả bác? BS bảo: Tiền động viên BS không? Đứa cháu trả lời: "Cháu có nhưng ít lắm chỉ đủ tiền ăn thôi". "Ít là bao nhiêu?". Cháu chỉ có 200.000 thôi". " Hai trăm thì đưa đây một trăm. Ít thế, mấy người mổ cơ mà". BS cầm 100.000 đồng rồi đi vào phòng mổ.
May mà nhà ông Hùng chỉ cách BV hơn 10km nên mẹ con chị Phúc không phải ăn "cắm" quán.
Gia đình ông Hà Văn Hùng trao đổi với PV. Ảnh: Hồng Bài
Kỷ lục về các khoản nộp phải nói đến trường hợp anh Triệu Văn Hải, xã Tu Lý đưa vợ là Bàn Thị Lan đi viện sinh con. Anh Hải cho biết, đưa vợ lên viện lúc 8 giờ, hơn 9 giờ thì lên bàn mổ. Trước khi mổ, BS bảo nộp 1,5 triệu đồng, trong đó 500.000 đồng viện phí, 1 triệu đồng tiền chỉ và 1 triệu đồng bồi dưỡng ca mổ. BS "tư vấn", chỉ bảo hiểm không tự hoại được, chỉ ngoài bảo hiểm mới tự hoại, không phải rút chỉ... Người nông dân vùng cao, một nắng hai sương trên nương trên ruộng, có biết thế nào là chỉ tốt, chỉ xấu. Thế nào là mổ kỹ thuật cao, kỹ thuật thấp. Vào viện thì BS bảo thế nào cũng phải nghe theo.
Theo BHXH tỉnh Hòa Bình, các khoản thu trên (tiền dầu, chỉ khâu...) đều nằm trong mục chi trả của BHYT. BVĐK Đà Bắc thu thêm của người bệnh có BHYT là trái quy định của Bộ Y tế và các quyết định của HĐND tỉnh Hòa Bình. Các khoản thu trên đã đẩy người có thẻ BHYT khi vào BV khám, chữa bệnh phải bỏ ra một khoản tiền như người không có thẻ BHYT. Như vậy, giá trị, ý nghĩa cao cả của tấm thẻ BHYT mà Đảng, Nhà nước ta dành cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách có còn đúng với mục đích đề ra?
Xác minh mở rộng theo đơn tố cáo, PV đã được cung cấp nhiều biên lai thu tiền phí, lệ phí mà BV đã sử dụng để thu tiền bệnh nhân. Cụ thể: Biên lai thu tiền phí, lệ phí sê ri AC/2012 số 0045732, ngày 2/8/2013, người nộp tiền là Bùi Thị Diên, địa chỉ xóm Ấm, xã Đồng Nghê. Lý do nộp: Thu phí dịch vụ tự nguyện BH không cùng chi trả/ca phẫu thuật 4824 số tiền 500.000 đồng. Tương tự, Biên lai thu tiền số 0044859 sêri AC/2012, ngày 21/6/2013, người nộp tiền: Bàn Thị Mai. Lý do thu: Thu dịch vụ mổ, số tiền 500.000 đồng. Biên lai thu số 0044717 sêri AC/2012. Người nộp tiền Bàn Thị Thu, xã Toàn Sơn. Lý do thu: Thu 5% BHYT + điện nước + dịch vụ mổ, số tiền 863.000 đồng... Có thật người bệnh đã viết đơn xin tự nguyện bỏ tiền túi ra để được thực hiện dịch vụ y tế, kỹ thuật chất lượng cao? Trong khi 41.987/52.000 thẻ BHYT trên địa bàn huyện Đà Bắc là thẻ BHYT thuộc diện đối tượng người nghèo. Có thật dịch vụ đó đảm bảo kỹ thuật, chất lượng cao?
Nhìn ra, 11 cơ sở BVĐK trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cho thấy, không có một BVĐK tuyến huyện nào, nhất là các huyện có nền kinh tế phát triển, thu nhập của người dân ở mức cao, như: TP Hòa Bình, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Cao Phong... cũng không có mấy đối tượng tự nguyện sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật chất lượng cao nhiều như ở Đà Bắc.
Chưa kể, một khoản thu khác đã gây bức xúc trong dư luận, đó là: "Biên lai thu tiền phí, lệ phí có mệnh giá", BV dùng loại biên lai này để thu tiền điện nước của bệnh nhân điều trị nội trú. Mỗi biên lai có mệnh giá 15.000 đồng. Trên biên lai không ghi ngày tháng, người nộp tiền. Số sê ri từ năm 2007. Theo tài liệu PV có được, chỉ tính từ ngày 1/1/2013 - 1/7/2013 (6 tháng), số tiền BV đã thu được từ khỏan thu này là 81.485.000 đồng. Tuy nhiên, trên thực tế BV thực hiện thu dịch vụ điện nước từ thời điểm nào? Số tiền đã thu là bao nhiêu? Khoản thu có đúng quy định của HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình không? PV sẽ tiếp tục thông tin.
Hồng Bài
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo UBND huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng, việc trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng giao thông miền Bắc cố tình vi phạm dù đã được nhắc nhở nhiều lần, có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và an toàn khu vực, có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật.
Trung Hà
19:00 11/12/2024(Thanh tra) - Tìm hiểu về lịch sử đấu thầu của Công ty CP Xây dựng U&I trong thời gian qua, PV Báo Thanh tra tiếp tục phát hiện nhà thầu này đã đề xuất nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tại gói thầu số 10: Xây lắp và thiết bị còn lại thuộc Dự án Trường THCS Hàn Thuyên, Phường 10, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ trong tháng 10/2024, Công ty CP Xây dựng U&I bị phát hiện nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tới 2 lần.
Thùy Dương
08:00 11/12/2024Thành Nam
07:25 11/12/2024Minh Tân
20:30 10/12/2024Nam Dũng
20:00 10/12/2024Hoàng Nam
06:53 09/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC