Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kết luận thanh tra về việc cử người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinasport lỗi hệ thống

Hoàng Anh

Chủ nhật, 02/06/2024 - 13:55

(Thanh tra) - Kết luận thanh tra số 27/KL-TTCP ngày 1/2/2023 đã chỉ ra rằng, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cử và quản lý người đại diện phần vốn Nhà nước (người đại diện) tại Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport) tồn tại rất nhiều vấn đề. Thế nhưng, việc cử người đại diện để kiện toàn theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ cũng lại lặp lại những vấn đề tương tự.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (ngồi giữa), giữ vai trò chủ tọa Đại hội cổ đông bất thường năm 2024 của Vinasport. Ảnh: KL

Giai đoạn từ 1/1/2012 đến 31/3/2017, đã được Thanh tra Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra và ban hành Kết luận thanh tra số 677/KL-TTBNV ngày 19/10/2017, qua đó đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại: “Bộ VHTTDL chưa kịp thời ban hành quy chế hoạt động của người đại diện theo uỷ quyền, quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đại diện”; “hồ sơ cử ông Trịnh Quốc Toàn, Bùi Duy Nghĩa làm người đại diện (tháng 10/2012) không có tài liệu của Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc... theo quy định”; “chưa thể hiện đầy đủ việc nhân sự trình bày chương trình hành động và cam kết thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ đạo của chủ sở hữu và việc thực hiện vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của người đại diện” “chưa thực hiện đầy đủ việc phân loại, đánh giá nhận xét hàng năm đối với người được cử làm người đại diện; “Bộ VHTTDL chưa thống kê đầy đủ tài liệu, hồ sơ của người đại diện”.

Giai đoạn từ tháng 4/2017 đến thời điểm thanh tra, Bộ VHTTDL đã có một số thay đổi về người đại diện, đến thời điểm thanh tra người đại diện tại Vinasport, gồm các ông/bà: Ông Nguyễn Ngọc Thạch, đại diện 26,32% vốn điều lệ tại Vinasport, là người đại diện phụ trách chung; bà Dương Thị Thu Hường, đại diện 15% vốn điều lệ; ông Lê Hồng Nam, đại diện 10% vốn điều lệ. Việc cử, miễn nhiệm người đại diện được Bộ VHTTDL thực hiện thông qua các quyết định cử người đại diện, không có văn bản khác về việc uỷ quyền đối với người đại diện.

Cử lại người đại diện trái quy định

Tháng 11/2016, ông Thạch bị miễn nhiệm và Bộ VHTTDL có quyết định thu hồi phần vốn của ông Thạch, Báo cáo số 121/BC-BVHTTDL ngày 8/6/2017 của Bộ VHTTDL nêu lý do: “năng lực quản lý, điều hành về kinh doanh và tổ chức quản lý doanh nghiệp của ông Thạch rất hạn chế nên không thực hiện đúng các ý kiến chỉ đạo của Bộ, cách điều hành công ty là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ lãnh đạo công ty, cũng như giữa những người đại diện tại công ty”.

Tuy nhiên, ngày 19/10/2017, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 3878/QĐ- BVHTTDL cử lại ông Nguyễn Ngọc Thạch làm người đại diện 26,32% vốn Nhà nước tại Vinasport, được giao là người đại diện phụ trách chung và được giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Điểm b, khoản 3, Điều 20 của Nghị định 106/2015/NĐ-CP ngày 23/10/2015 của Chính phủ quy định về điều kiện cử lại người đại diện là “phải được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liên tiếp trước khi được cử lại làm đại diện”. Nên việc cử lại ông Nguyễn Ngọc Thạch làm đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty (thời gian chưa đầy 1 năm, tháng 11/2016 miễn đến tháng 10/2017 cử lại) là cố ý làm trái quy định của Nhà nước.

Việc lựa chọn nhân sự để cử làm người đại diện không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực, trình độ theo quy định tại Điều 3 Quy chế hoạt động của người đại diện ban hành theo Thông tư 21/2014/TT-BTC; cử người đại diện không đảm bảo các quy định của Nhà nước đã làm tình hình công ty bất ổn định trong thời gian dài, mất đoàn kết nội bộ, hiệu quả kinh doanh thấp, kéo theo việc mất vốn của Nhà nước; 3 người được cử làm người đại diện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không có sự phối hợp với nhau, đã được Bộ VHTTDL đánh giá “Không hoàn thành nhiệm vụ” - kết luận thanh tra nêu.

Người đại diện không tham gia các hoạt động tại đơn vị

Tại thời điểm thanh tra, 2 trong số 3 người đại diện tại Vinasport (ông Thạch, ông Nam) không tham gia các hoạt động của Vinasport, không được trả lương và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (từ tháng 11/2018). Trong Quyết định số 3878/QĐ-BVHTTDL ngày 19/10/2017 về việc cử người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty không có nội dung về việc “quyết định mức tiền lương, tiền thưởng, thù lao cho người đại diện theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao”, là chưa thực hiện theo đúng mục d khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 21/2014/TT-BTC ngày 14/2/2014 của Bộ Tài chính. Do vậy không có cơ sở để đại hội đồng cổ đông Vinasport biểu quyết thông qua việc trả lương cho người đại diện.

Mặt khác, tại mục b khoản 1 Điều 9 của Thông tư số 21/2014/TT-BTC ngày 14/2/2014 của Bộ Tài chính cũng nêu rõ: Chủ sở hữu phần vốn Nhà nước có trách nhiệm “miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật người đại diện; quyết định tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm (nếu có) và các lợi ích khác của người đại diện, đánh giá đối với người đại diện”. Việc để trong thời gian dài người đại diện không có lương là trách nhiệm thuộc Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ VHTTDL không quy định cụ thể mức lương trong quyết định cử người đại diện, không kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc trả lương cho người đại diện, để đơn thư, khiếu nại vượt cấp kéo dài.

Trên “bảo” dưới không nghe?

Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/BCS ngày 10/9/2019 và Nghị quyết số 20-NQ/BCS ngày 28/10/2019 về việc miễn nhiệm, kỷ luật đối với 2 người đại diện là các ông Nguyễn Ngọc Thạch và Lê Hồng Nam. Trong Nghị quyết số 20-NQ/BCS ngày 28/10/2019 của Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL nêu rõ: “Giao Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung sau: Thực hiện việc miễn nhiệm 2 người đại diện (ông Nguyễn Ngọc Thạch và ông Lê Hồng Nam) và kiện toàn người đại diện theo qui định”.

Từ đó đến thời điểm thanh tra (tháng 12/2021), 2 người đại diện là ông Thạch và ông Nam vẫn chưa bị miễn nhiệm và ông Thạch vẫn đang làm Chủ tịch HĐQT Vinasport. Những người đại diện vẫn là các ông/bà: Nguyễn Ngọc Thạch (đại diện 26,32% vốn điều lệ), bà Dương Thị Thu Hường (đại diện 15% vốn điều lệ) và ông Lê Hồng Nam (đại diện 10% vốn điều lệ).

Như vậy, việc lựa chọn, cử làm người đại diện tại Vinasport của Bộ VHTTDL là chưa đảm bảo điều kiện về năng lực dẫn đến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ 3/3 người đại diện không hoàn thành nhiệm vụ, không tổ chức thực hiện được các ý kiến chỉ đạo của Bộ VHTTDL trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại của Vinasport. 2/3 người đại diện (ông Thạch và ông Nam) không đến làm việc tại Vinasport từ tháng 11/2018. Người đại diện phụ trách chung (ông Thạch) không có năng lực, không tập hợp được nhóm người đại diện tại Vinasport (mất đoàn kết giữa những người đại diện) và không phối hợp được với Tổng Giám đốc Vinasport trong việc quản lý, điều hành hoạt động của Vinasport mặc dù người đại diện phụ trách chung (ông Thạch) giữ vị trí là Chủ tịch HĐQT.

Dù đã có 2 nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL nhưng đến thời điểm thanh tra (12/2021) vẫn chưa có giải pháp triệt để để xử lý, kiện toàn nhân sự, dẫn đến các chỉ đạo của Bộ VHTTDL trong việc giải quyết các vấn đề của Vinasport không triển khai thực hiện được.

Kiện toàn người đại diện… vẫn sai luật

Ngày 2/6/2023, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 1428/QĐ-BVHTTDL về việc cho thôi làm người đại diện tại Vinasport đối với các ông, bà Nguyễn Ngọc Thạch, Dương Thị Thu Hường và Lê Hồng Nam.

Đồng thời, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 1429/QĐ-BVHTTDL ngày 2/6/2023 về việc cử người đại diện tại Vinasport.

Đáng nói là, Bộ VHTTDL lấy Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện tại doanh nghiệp, làm một trong các căn cứ để ban hành Quyết định 1429/QĐ-BVHTTDL, nhưng quyết định lại có nội dung vi phạm chính quy định tại Nghị định này. Cụ thể, điểm d, khoản 3, Điều 7 Nghị định 159/2020/NĐ-CP quy định “người đại diện phần vốn Nhà nước không là cán bộ, công chức, viên chức”, nhưng Quyết định số 1429/QĐ-BVHTTDL lại cử ông Nguyễn Anh Tuấn, viên chức Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng được cử làm người đại diện tại công ty nắm giữ 329.010 cổ phần, chiếm 26,32% vốn điều lệ của công ty, người đại diện chịu trách nhiệm phụ trách chung.

Ngày 4/7/2023, Bộ VHTTDL tiếp tục có Văn bản số 2634/BVHTTDL-BĐMPTDN về việc thông báo kiện toàn nhân sự người đại diện tại Vinasport, trong đó có nội dung giới thiệu và đề cử 3 người đại diện mới là các ông Nguyễn Anh Tuấn, người đại diện chịu trách nhiệm phụ trách chung giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty, các bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Nguyễn Thị Tuyết Mai là thành viên HĐQT.

Theo các quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Viên chức, thì viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Nhưng Bộ VHTTDL lại cử viên chức làm người đại diện và giới thiệu, đề cử để bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinasport!

Ngày 24/5/2024, sau khi tổ chức đại hội cổ đông bất thường, HĐQT của Vinasport đã họp và bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn giữ chức Tổng Giám đốc Vinasport.

Theo phản ánh của một số cổ đông tham dự đại hội cổ đông bất thường năm 2024 của Vinasport, trong danh sách ứng viên để bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029, phần thông tin về chức vụ, đơn vị công tác hiện nay của ông Nguyễn Anh Tuấn là Phó trưởng Phòng Phụ trách Kỹ thuật thẩm định, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng, Bộ VHTTDL.

Vi phạm trong việc cử người đại diện tại Vinasport của Bộ VHTTDL chỉ đơn thuần là lỗi kỹ thuật hay là lỗi hệ thống? Báo Thanh tra chờ đợi câu trả lời từ phía Bộ BHTTDL và sẽ cung cấp thông tin kịp thời đến độc giả.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.

Thanh Giang - Trang Nhung

08:00 21/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm