Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hòa Bình: Sở Y tế bao che sai phạm?

Thứ sáu, 15/04/2011 - 10:30

(Thanh tra) - Trong 6 tháng (từ tháng 1 - 6/2010), giữ chức vụ Phó Giám đốc, chủ tài khoản Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Đà Bắc (Hòa Bình), ông Hoàng Đại Tá đã ký nhiều khoản chi không đúng mục đích, không minh bạch. Hậu quả, phần chi âm lên tới 292.797.840 đồng. Sai phạm của ông Tá đã rõ, nhưng không hiểu vì sao đến nay, Sở Y tế Hòa Bình vẫn chưa xử lý kỷ luật.

BVĐK huyện Đà Bắc.

Ngày 11/9/2010, Ban Giám đốc BVĐK Đà Bắc tổ chức hội nghị cán bộ, công nhân viên chức (CBCNVC) “Công khai tài chính 6 tháng đầu năm 2010”. Phần tài chính thu, chi do ông Hoàng Đại Tá, Phó Giám đốc, chủ tài khoản; bà Xa Thị Xây làm kế toán thu, chi. Theo báo cáo, tổng thu 6 tháng đầu năm 2010 của BV là 2.102.774.000 đồng, tổng chi là 2.359.871.000 đồng. Đối trừ thu - chi cho thấy, phần chi âm là 292.797.000 đồng (lấy số chẵn). Đối với một BVĐK ở huyện miền núi, nghèo thì đó là con số khá lớn. Trả lời chất vấn của CBCNVC BV, ông Hoàng Đại Tá giải trình: “Do mua thuốc nhiều nên đã âm tiền”. Có điều, lời giải trình của ông Tá trái ngược với bản chất của sự việc.

Ngay sau hội nghị, 21 CNVC của BVĐK Đà Bắc đã ký đơn kiến nghị gửi ban lãnh đạo; Chi bộ; thanh tra nhân dân; tổ chức công đoàn BVĐK huyện Đà Bắc yêu cầu thanh tra, kiểm tra lại 6 khoản thu, chi tài chính của đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2010.

 Được sự đồng ý của Ban Giám đốc BV, ngày 20/9/2010, Chủ tịch Công đoàn Cơ sở BVĐK Đà Bắc đã ra Quyết định V/v thành lập đoàn kiểm tra. Chỉ trong 3 ngày, đoàn thanh tra nhân dân BV đã thanh tra, xác minh khá rõ 6 khoản thu, chi mà 21 CNVC BV kiến nghị.

Trong mục chi thanh toán tiền ấn phẩm, tổng chi là 100.648.000 đồng. Bà Xa Thị Xây, kế toán giải trình: Trả nợ cho năm 2009 số tiền là 11.705.000 đồng. 84.812.000 đồng chi in ấn ấn phẩm 6 tháng đầu năm 2010. Số ấn phẩm in là 400 quyển sổ phiếu cấp thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ông Hoàng Đại Tá giải trình là, in ấn để cấp cho các xã. Tuy nhiên, số sổ trên lại không đúng quy cách. Trên sổ không ghi tên “BVĐK huyện Đà Bắc” mà ghi là “BVĐK huyện Lạc Sơn”. Số sổ trên cũng không cấp cho xã nào trong huyện mà chỉ để… lưu trữ trong kho. Bà Xa Thị Lệ và bà Nguyễn Thị Huyền (Phòng Kế hoạch - Tổng hợp) đều nói là không được giao nhiệm vụ đi đặt in ấn và cũng không có trong dự trù, kế hoạch; không có ai ở Phòng Kế hoạch - Tổng hợp được đi nhận sổ; không ai được ký nhập sổ vào kho.

Theo ông Tá, tất cả công việc trên ông giao cho ông Lê Đình Hòa là… lái xe thực hiện. Vì thế, tiền thì mất mà sổ thì… nhập kho để lưu trữ!

Khoản chi mua máy photocopy tổng số tiền là 42.000.000 đồng, do ông Tá trực tiếp đi mua mà không có sự bàn bạc, thống nhất của Ban Giám đốc BV. Máy mua về sử dụng được 122 ngày thì “chết”. Ông Hoàng Đại Tá thừa nhận, mua máy cũ (máy bãi) nên không có bảo hành.

Khoản chi thanh toán tiền nhiên liệu, tổng số tiền là 47.560.000 đồng (chi xăng xe, chạy máy phát điện). Trong đó, chi cho chạy máy phát điện hết 9.185.000 đồng. Chi cho xe chuyên dùng 38.353.200 đồng. Ngoài một số chuyến đi chuyên chở vật tư y tế, mua thuốc còn có 49 lần xe đi công tác tại 2 phòng khám đa khoa khu vực (ĐKKV) Mường Chiềng và Yên Hòa. Mỗi lần xe đi “công tác” đến 2 phòng khám ĐKKV trên được ghi quyết toán 200 km tiền xăng.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Dinh, Trưởng Phòng khám ĐKKV Yên Hòa cho biết: Xe chuyên dùng của BV chỉ lên Phòng khám ĐKKV Yên Hòa có 3 lần gồm: Một lần xe lên chở bệnh nhân tử vong về BV; một lần lên đón bệnh nhân cấp cứu và một lần đưa đoàn lên mổ đình sản. Còn ông Bùi Duy Đường, Trưởng Phòng khám ĐKKV Mường Chiềng công nhận, xe chuyên dùng của BV chỉ lên Phòng khám ĐKKV Mường Chiềng có 6 lần. Như vậy, tổng số xe chuyên dùng BVĐK Đà Bắc chỉ đến công tác 9 lần chứ không phải 49 lần như phiếu chi thanh toán nhiên liệu của kế toán Xa Thị Xây ghi và ông Hoàng Đại Tá ký. Lái xe Lê Đình Hòa thừa nhận với đoàn thanh tra nhân dân: Thực tế không đi đến 2 phòng khám ĐKKV như vậy (49 lần), nhưng có những chuyến đi khác mà không thể xin dấu công lệnh được nên ông Tá chỉ đạo là lấy dấu công lệnh của 2 phòng khám để hợp lý hóa chứng từ.

Mục chi cho trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng tổng số tiền là 76.670.000 đồng. Theo bà Xây, số tiền trên dùng chi cho sửa chữa và thay thế các loại máy móc trong BV. Cụ thể: Thay linh kiện máy hấp sấy gồm: Bộ điều khiển nồi hấp 3 triệu đồng, bộ cảm biến nồi hấp 3,5 triệu đồng, van từ nồi hấp 2,5 triệu đồng. Máy chụp X-quang: Thay bảng mạch điều khiển KV 6 triệu đồng. Hóa đơn chứng từ thanh toán rất rõ ràng. Tuy nhiên, bà Đinh Thị Thảo Vân, người trực tiếp phụ trách, sử dụng máy hấp cho biết: Không hề thay thế linh kiện mới mà chỉ có tháo dỡ máy rồi chuyển linh kiện từ nồi hấp này sang nồi hấp kia. Ông Lường Văn Thứ, người phụ trách sử dụng máy X-quang cũng khẳng định: Có thay bảng mạch đâu, chỉ thay có 5 cái IC thôi. Vậy, 9 triệu đồng cho việc tháo lắp máy hấp sấy và 6 triệu đồng cho việc thay mới 5 IC máy X-quang, giá có quá cao không?

Theo đoàn thanh tra nhân dân, ngoài các hóa đơn thanh toán trên còn nhiều hóa đơn thanh toán khác chi cho việc sửa chữa, thay thế linh kiện máy khác. Tuy nhiên, số hóa đơn này chỉ có chữ ký phần duyệt chi của ông Tá và chữ ký của kế toán Xa Thị Xây. Còn người mua hàng thì… không có chữ ký.

Theo giải trình của ông Tá, “số tiền chi âm 292.797.000 đồng là do mua nhiều thuốc”. Ông Tá "nói có sách", nhưng “mách” lại không có chứng. Trong bảng đối chiếu công nợ với các Cty cung cấp thuốc và vật tư tổng hợp (VTTH), đến ngày 30/6/2010, tổng số tiền nợ mua thuốc là 860.823.806 đồng; thuốc + vật tư tồn kho còn đến thời điểm 30/6/2010 là 348.025.698 đồng. Tổng quyết toán 6 tháng đầu năm, tiền thuốc + VTTH là 950 triệu đồng (do bà Xây báo cáo). Như vậy, số tiền thuốc và VTTH sau quyết toán còn thiếu hụt tới 436.051.425 đồng. Số thuốc, VTTH “đã mua” để dẫn đến thiếu hụt thì không có ở BVĐK Đà Bắc. Vậy số thuốc và VTTH đã “đi” đâu? Ngoài các phần mục thanh quyết toán trên, còn nhiều mục chi khác không rõ ràng, không đúng nội dung chi mà đoàn thanh tra nhân dân đã xác minh.

Ngày 1/10/2010, đoàn thanh tra nhân dân đã có báo cáo kết quả thanh tra tài chính theo nội dung đơn đề nghị của 21 CNVC gửi Ban Giám đốc BVĐK Đà Bắc. Thay cho việc xem xét, xử lý những sai phạm của Phó Giám đốc Hoàng Đại Tá, tháng 9/2010, Sở Y tế Hòa Bình đã ra quyết định chuyển ông Tá về nhận công tác tại Văn phòng Sở Y tế; bổ nhiệm ông Lường Văn Thịnh giữ chức Phó Giám đốc BVĐK Đà Bắc thay ông Hoàng Đại Tá. Việc làm trên của Sở Y tế Hòa Bình đã gây bất bình trong CNVC BVĐK Đà Bắc.

Để làm "dịu" sự bất bình của CBCNVC trong cơ quan, tân Phó  Giám đốc Lường Văn Thịnh đã ra quyết định thu tiền của ông Hoàng Đại Tá 46 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền trên không thể hiện được nội dung thu nên một thời gian sau, Thanh tra Sở Y tế Hòa Bình đã thu về Sở và… trả lại cho ông Tá. Ông Lường Văn Thịnh cho PV Báo Thanh tra biết: Sau khi nhận chức Phó Giám đốc (không có Giám đốc), ông cùng tập thể BV phải nai lưng “kéo cày” để… trả nợ khoản “âm” do ông Tá “để” lại.    

 Tại sao sai phạm của ông Hoàng Đại Tá đã rõ mà Sở Y tế Hòa Bình không xử lý? Bạn đọc đang chờ câu trả lời của lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình.

 Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

(Thanh tra) - Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai nhân sự Nguyễn Quốc Huy có bằng tốt nghiệp đại học do Trường Đại học Xây dựng cấp. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, đã phát hiện ông Nguyễn Quốc Huy không có tên trong hồ sơ gốc cấp bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Xây dựng.

Ngọc Tuấn

19:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm