Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dự án hơn nghìn tỷ đồng, 3 lần gia hạn vẫn chưa biết bao giờ xong

Nguyên Phê

Thứ năm, 16/02/2023 - 06:30

(Thanh tra)- Dự án (DA) đường vành đai phía Tây Đà Nẵng khởi công vào tháng 10/2018, đến tháng 10/2020 phải hoàn thành. Do nhiều nguyên nhân, UBND TP Đà Nẵng chấp thuận gia hạn đến cuối tháng 6/2022, sau đó đến tháng 9/2022 và nhấn mạnh cuối năm 2022 phải thông tuyến, hoàn thành. Sau 3 lần gia hạn, DA vẫn ì ạch thi công và chưa biết bao giờ mới xong.

Nhiều đoạn tuyến đường vành đai phía Tây Đà Nẵng chưa thi công xong mặt bằng nền, cốt đường. Ảnh: N.P

DA xuất phát từ điểm đầu tại Quốc lộ 14B (xã Hòa Khương, Hòa Vang), điểm cuối tại Km19+177,3 nối trục đường chính của Khu Công nghệ thông tin tập trung (xã Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng), có chiều dài 19,3km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 1.134 tỷ đồng.

Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là liên danh nhà thầu Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn và Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1).

Sau 3 lần gia hạn, nhà thầu thi công DA vẫn đủng đỉnh, buộc chủ đầu tư quyết định “trảm” Cienco1 ngừng thực hiện hợp đồng, chuyển phần việc của gói thầu dang dở còn lại cho liên danh nhà thầu Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn tiếp tục đảm nhận thi công từ đầu năm 2023.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện trên toàn tuyến đường vành đai phía Tây Đà Nẵng, ngoài một số ít đoạn được thảm nhựa, nhiều đoạn, tuyến đi qua xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Khương… vẫn còn ngổn ngang nhiều hạng mục; có vị trí chưa thi công xong cốt mặt bằng nền đường.

Sau Tết Quý Mão, thời tiết tại Đà Nẵng khá khô ráo, thuận lợi cho việc thi công đường sá và lãnh đạo TP đã phát động đợt ra quân rầm rộ để triển khai các DA mới và hoàn thành DA cũ, nhưng trên toàn tuyến của DA này, tất cả các thiết bị thi công đều "án binh" trong bãi tập kết, ngoài hiện trường chỉ lác đác một vài phương tiện đào, chở đất, đá, tưới nước đường hoạt động.

Do thi công chậm tiến độ, đầu năm 2022, Thanh tra TP Đà Nẵng đã tiến hành thanh tra và công bố kết luận thanh tra việc thực hiện DA này.

DA còn một số hạn chế, thiếu sót, bất cập dẫn đến chậm tiến độ như: Tại thời điểm lập DA, đơn vị tư vấn chỉ xác định khoảng 117 hộ dân bị ảnh hưởng mặt bằng, trong đó có 95 hộ cần di dời, tái định cư và có 5ha đất để bố trí tái định cư cho các hộ bị giải tỏa, di dời; nên không đề xuất xây dựng khu tái định cư.

Khi triển khai thực tế, số hồ sơ đất cần phải thu hồi là 369 hồ sơ, số lô đất để bố trí tái định cư là 625 lô và quỹ đất dành bố trí tái định cư xung quanh DA không đáp ứng nhu cầu.

Khi lập DA chỉ xác định có 128 ngôi mộ, không đề cập phương án di dời mộ, nhưng khi triển khai kiểm đếm có tới 1.192 ngôi mộ cần di dời.

Đây là những nguyên nhân làm ảnh hưởng tiến độ giải phóng mặt bằng DA.

Công tác tư vấn thiết kế sai thực tế, dẫn đến cống thoát nước gây xói lở hàng nghìn m2 đất của người dân xã Hòa Ninh. Ảnh: N.P

Thanh tra TP Đà Nẵng đã đánh giá phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư chưa sát với yêu cầu thực tế. Cơ quan chức năng thẩm định DA chưa phù hợp với thực tế, tham mưu UBND TP phê duyệt DA nhưng không thể hiện phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Theo ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, quá trình thi công tuyến đường qua địa bàn xã quá chậm và gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, cuộc sống của nhiều hộ dân.

Đặc biệt, trong trận lũ lụt lịch sử tháng 10/2022 vừa qua, một số điểm bố trí hệ thống mương, cống thoát nước không phù hợp dẫn đến ngập lụt phía thượng lưu, thiệt hại về nhà ở, tài sản của người dân và xói lở, trôi đất sản xuất phía hạ lưu với diện tích hàng chục nghìn m2 đất.

Ông Lê Văn Cừ, cán bộ địa chính xã cho hay, tại vị trí cống Km14+624, miệng cống thu gom nước thượng lưu và miệng xả hạ lưu không khớp nối với dòng chảy tự nhiên của khe chính, gây ngập úng thượng lưu, xói lở, trôi đất sản xuất của các hộ dân vùng hạ lưu.

Ngoài ra, trên tuyến đường DA thuộc địa bàn Hoà Ninh còn có một số cống thoát nước xả thẳng vào nhà dân phía hạ lưu gây ngập lụt, thiệt hại tài sản trong các trận mưa lũ, nhất là tại các thôn Hòa Trung, Trung Nghĩa, khiến 14 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Từ thực tế khảo sát, UBND xã Hoà Ninh đã có văn bản gửi tới chủ đầu tư, đề nghị rà soát, kiểm tra để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, nhất là điều chỉnh các tuyến cống tại các vị trí trên tuyến đường DA.

DA đường vành đai phía Tây là công trình trọng điểm của TP Đà Nẵng, nhưng trong thời gian qua đã nổi lên nhiều vướng mắc, phức tạp khi triển khai thi công.

Trong đó, nguyên nhân quan trọng là do năng lực nhà thầu kém, vì theo báo cáo của UBND huyện Hòa Vang, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành gần như 100%, nhưng tiến độ thi công DA vẫn chậm chạp và tiếp tục kéo dài vượt kế hoạch hoàn thành đến hiện nay…

Đề nghị UBND TP Đà Nẵng tập trung chỉ đạo và có biện pháp mạnh tay với các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công DA, sớm hoàn thành và đi vào phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Tây TP.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đông Anh, Hà Nội: Ai “đạo diễn” chiếm đất nhà ông Cao Văn Phương?

Đông Anh, Hà Nội: Ai “đạo diễn” chiếm đất nhà ông Cao Văn Phương?

(Thanh tra) - Báo Thanh tra nhận được đơn của ông Cao Văn Phương phản ánh việc gia đình ông có mảnh đất sử dụng ổn định từ nhiều năm trước ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, nguồn gốc thửa đất gia đình ông Phương nhận chuyển nhượng của gia đình ông Vũ Thế Tịnh và gia đình bà Nguyễn Thị Loan, bỗng dưng năm 2022, có đối tượng lạ mặt đến quây tôn, chiếm đất của gia đình ông suốt từ đó đến nay nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm.

Chính Bình

10:42 04/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm