Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 03/01/2025 - 13:53
(Thanh tra) - Từ năm 1999, Công ty Cổ phần Khoáng sản Đan Ka (Danka Minerals) đã đánh dấu bước chân đầu tiên trong lĩnh vực khai thác và kinh doanh khoáng sản. Với hơn một phần tư thế kỷ tồn tại và phát triển, Danka Minerals đã khẳng định uy tín, vươn mình trở thành một biểu tượng của ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam.
Biểu đồ: Thanh Giang
Hé mở về ông lớn khoáng sản
Một trong những tài sản quý giá nhất của Danka Minerals chính là mỏ mangan Tốc Tát, nằm tại xóm Bản Ga, xã Quang Trung, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Với trữ lượng ước tính trên 1,3 triệu tấn, lớn nhất cả nước, chiếm tới 30% tổng trữ lượng mangan quốc gia. Mỏ này được ví như “viên ngọc đen” của vùng đất Cao Bằng.
Khi xưa, Danka Minerals ra đời từ cái bắt tay của nhóm doanh nhân tiên phong, bao gồm: Bà Nguyễn Thị Mai Anh (SN 1963), bà Lê Thị Kim Thanh (SN 1962), ông Phạm Thanh Lượng (SN 1972), ông Vũ Văn Thành (SN 1978), ông Bùi Thọ Sang (SN 1980). Tuy nhiên, qua thời gian, doanh nghiệp đã chuyển mình, trở thành công ty gia đình dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Công Sử - một nhà quản trị tài ba, cùng phu nhân Lê Thị Kim Oanh.
Thực tế cho thấy, từ năm 2018, dưới sự quản lý và chi phối toàn diện của vợ chồng ông Nguyễn Công Sử, Danka Minerals đã bước vào giai đoạn tăng trưởng thần tốc. Kinh nghiệm dày dạn trên thương trường, biệt tài quản trị siêu việt và năng lực điều hành xuất chúng của ông Nguyễn Công Sử trở thành ngọn hải đăng dẫn lối cho sự lột xác ngoạn mục này.
Được biết, ông Nguyễn Công Sử có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, từng giữ vai trò Thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), đồng thời xây dựng mối quan hệ rộng rãi với các tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng Vietinbank.
Đơn cử, ngày 3/7/2020, vợ chồng ông Nguyễn Công Sử đã đem 90% cổ phần Danka Minerals, trị giá 45 tỷ đồng làm tài sản bảo đảm cho một khoản vay tín dụng có thời hạn khá dài năm tại Vietinbank. Đến tháng 1/2022, sau khi nâng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng, vợ chồng ông tiếp tục dùng số cổ phần mới phát hành, trị giá 45 tỷ đồng, làm tài sản thế chấp tại ngân hàng, duy trì tỷ lệ cầm cố lên tới 90% cổ phần doanh nghiệp.
Sự hậu thuẫn từ ngân hàng ngành công thương cung cấp dòng vốn ổn định cho Danka Minerals, mặt khác, các doanh nghiệp cùng ngành còn góp phần quan trọng, tạo chất xúc tác bứt phá, trao cho Danka Minerals cơ hội kinh doanh hiếm có thông qua những gói thầu trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.
Điển hình, Danka Minerals ghi dấu ấn với vai trò nhà thầu "ruột" trúng nhiều gói thầu cung cấp than quy mô lớn cho các nhà máy nhiệt điện trọng điểm, chẳng hạn như: Nhiệt điện Vũng Áng với giá trị các gói thầu gần 2.000 tỷ đồng, Nhiệt điện Sông Hậu 1 với gần 12.000 tỷ đồng, Nhiệt điện Hải Phòng với hơn 500 tỷ đồng, Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3)... Không dừng lại ở đó, Danka Minerals còn mở rộng tệp khách hàng của mình với nhóm doanh nghiệp quân đội, từ Xí nghiệp Khai thác khoáng sản 16 – một chi nhánh thuộc Công ty TNHH MTV 16 (Binh đoàn 16) cho tới Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả – đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội...
Bên cạnh việc phát triển thị trường trong nước, những năm qua, Danka Minerals tập trung thúc đẩy, tăng cường hợp tác với những doanh nghiệp nước ngoài. Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm 2023, Danka Minerals nhập khẩu lô hàng than xuất xứ Indonesia, Canada với khối lượng "khủng" thông qua ký kết hợp đồng ngoại thương với công ty HMS Bergbau AG.
Đến năm 2024, VDKGS consortium (liên danh giữa Danka Minerals và GS Global Corp) đã ký hợp đồng cung cấp than số 2404/2024/VT4TPP-VDKGS với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện bởi Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
Trước đó, ngày 6/4/2024, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mới phê duyệt danh sách nhà thầu đủ điều kiện kỹ thuật mua than nhập khẩu phục vụ vận hành thương mại cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, trong đó, VDKGS Consortium đáp ứng điều kiện kỹ thuật, giá gói thầu là 6.921 tỷ đồng. Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh - chi nhánh của Tập đoàn nhựa Formosa, Đài Loan, cũng là một đối tác thân thiết mà Danka Minerals gây dựng trong thời gian trở lại đây.
Lợi nhuận như cát chảy kẽ tay
Danka Minerals, chủ mỏ mangan Tốc Tát đã ghi nhận doanh thu ấn tượng trong giai đoạn 2019–2023. Với tổng doanh thu chạm ngưỡng 13.000 tỷ đồng, lần lượt đạt 1.928 tỷ đồng (2019), 1.092 tỷ đồng (2020), 884,5 tỷ đồng (2021), 3.801 tỷ đồng (2022) và 5.273 tỷ đồng (2023), Danka Minerals nổi bật so với các doanh nghiệp cùng ngành về nguồn thu dồi dào.
Tuy nhiên, đằng sau bức tranh doanh thu rực rỡ ấy, lợi nhuận của doanh nghiệp lại ở mức “tượng trưng”. Cụ thể, lợi nhuận doanh nghiệp này ghi nhận từng năm là 11,7 tỷ đồng (2019), 4,2 tỷ đồng (2020), 2,1 tỷ đồng (2021), 7,3 tỷ đồng (2022) và 13,6 tỷ đồng (2023). Như vậy, trong 5 năm vừa qua tổng lợi nhuận sau thuế mà Danka Minerals báo cáo chỉ đạt vỏn vẹn 39 tỷ đồng, tương ứng 0,3% doanh thu – con số cực khiêm tốn so với phần doanh thu ghi nhận về.
Điều này không chỉ đặt dấu hỏi lớn về hiệu quả quản lý chi phí mà còn khiến dư luận quan tâm đến đóng góp thực tế của doanh nghiệp đối với ngân sách Nhà nước. Trong suốt 5 năm, số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Danka Minerals nộp chỉ dừng ở mức khiêm tốn với khoảng 8,4 tỷ đồng – một con số chưa tương xứng với quy mô và tiềm lực của một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai khoáng.
Mặt khác, là đơn vị chịu trách nhiệm khai thác và quản lý mỏ mangan Tốc Tát, Công ty Cổ phần Công nghiệp Măng gan Cao Bằng được xem như cánh tay phải của Danka Minerals. Doanh nghiệp này do ông Nguyễn Công Sử đứng tên, cùng sự phối hợp với ông Đoàn Hiếu Minh (SN 1978), đại gia nổi tiếng "đốt đuốc" đưa những chiếc siêu xe Rolls-Royce về Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động của Măng gan Cao Bằng lại mang tính “cầm chừng”, với doanh thu khiêm tốn: 114,5 tỷ đồng (2019), 78,7 tỷ đồng (2020), 141 tỷ đồng (2021), 109,7 tỷ đồng (2022) và chỉ còn 46,5 tỷ đồng vào năm 2023. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng phản ánh những khó khăn, đạt 5,7 tỷ đồng (2019), 516 triệu đồng (2020), 6,1 tỷ đồng (2021), 4,7 tỷ đồng (2022) và lỗ 3,6 tỷ đồng trong năm 2023.
Nhìn chung, từ những chi tiết nêu trên, doanh nghiệp sở hữu mỏ mangan lớn nhất cả nước với doanh thu ấn tượng - Danka Minerals cùng các đơn vị liên quan đang phải đối mặt với bài toán khó về hiệu quả lợi nhuận và đóng góp ngân sách. Đây là thách thức đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ trong chiến lược vận hành, quản trị tài chính và tối ưu hóa giá trị tài nguyên để thực sự khẳng định vị thế doanh nghiệp đầu ngành.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Công ty TNHH Dược phẩm Gia Nguyên (Đắk Lắk) vừa bị Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấm thầu 3 năm. Đáng nói, bệnh viện này lại là nơi công ty dự và trúng thầu nhiều nhất.
(Thanh tra) - Báo Thanh tra nhận được đơn của ông Cao Văn Phương phản ánh việc gia đình ông có mảnh đất sử dụng ổn định từ nhiều năm trước ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, nguồn gốc thửa đất gia đình ông Phương nhận chuyển nhượng của gia đình ông Vũ Thế Tịnh và gia đình bà Nguyễn Thị Loan, bỗng dưng năm 2022, có đối tượng lạ mặt đến quây tôn, chiếm đất của gia đình ông suốt từ đó đến nay nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm.
Chính Bình
Văn Thanh
Văn Thanh
PV
Nguyễn Điểm
Hoàng Nam
Hoàng Hiệp
N. Phó - L. Bình
Trần Kiên
Hương Trà
Hoàng Long
Phương Anh
Chính Bình