Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tái chế nhựa – Chìa khóa giảm ô nhiễm và hướng tới Net Zero

Hoàng Hiệp

Chủ nhật, 05/01/2025 - 11:26

(Thanh tra) - Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh các cam kết về bảo vệ môi trường, tái chế rác thải nhựa trở thành giải pháp thiết thực để giảm thiểu ô nhiễm và chống biến đổi khí hậu. Thạc sĩ Nguyễn Đức Vinh, Tổng Thư ký Mạng lưới Đối tác hành động về Nhựa và Sức khỏe (PHA), đã có những chia sẻ về tầm quan trọng của việc tái chế nhựa và các hành động thiết thực mà mỗi cá nhân có thể thực hiện.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Vinh, Tổng thư ký Mạng lưới Đối tác hành động về Nhựa và Sức khỏe (PHA). Ảnh: Hoàng Hiệp

Ô nhiễm rác thải nhựa đang là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất trên toàn cầu. Ở Việt Nam, mỗi năm hàng triệu tấn nhựa được thải ra môi trường, nhưng chỉ một phần nhỏ được tái chế đúng cách.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2019, cho thấy khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở đô thị là 35,6 nghìn tấn/ngày; ở nông thôn, con số này là 28,3 nghìn tấn/ngày. Điều này không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường mà còn tạo áp lực lớn lên các nỗ lực giảm phát thải carbon của quốc gia.

Theo thạc sĩ Nguyễn Đức Vinh, tái chế nhựa là một mắt xích quan trọng trong chuỗi hành động nhằm giải quyết vấn đề này.

"Tái chế rác thải nhựa giúp kéo dài vòng đời của vật liệu, giảm thiểu lượng nhựa thải ra môi trường và hạn chế phát sinh khí nhà kính từ việc sản xuất nhựa mới," ông Vinh khẳng định. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050, việc quản lý và tái chế rác thải nhựa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Những rào cản lớn trong hành trình tái chế

Mặc dù tái chế nhựa mang lại nhiều lợi ích rõ rệt, thạc sĩ Vinh cho rằng quá trình này tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những rào cản lớn nhất là hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa hiện nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào lực lượng phi chính thức như những người thu mua ve chai, đồng nát. Phần lớn rác thải nhựa được thu gom sẽ được chuyển về các làng nghề tái chế, nhưng những hoạt động này còn mang tính tự phát, thiếu sự kết nối với các công ty tái chế quy mô lớn và chuyên nghiệp.

Thêm vào đó, việc phân loại rác tại nguồn ở các hộ gia đình chưa được thực hiện đồng bộ, dẫn đến tình trạng rác thải nhựa bị lẫn lộn, khó tái chế. "Nhiều người vẫn chưa có thói quen phân loại rác, chưa hiểu được nhựa nào có thể tái chế và nhựa nào không thể. Điều này khiến cho quá trình thu gom và xử lý rác thải nhựa trở nên khó khăn hơn rất nhiều," ông Vinh chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, dù Việt Nam đã có những bước tiến trong công nghệ tái chế, nhưng các sản phẩm từ nhựa tái chế vẫn gặp khó khăn lớn trong việc đưa ra thị trường. Hiện tại, chưa có một cơ quan Nhà nước nào đứng ra chứng nhận rằng nhựa tái chế là an toàn cho sức khỏe, đặc biệt là khi sử dụng trong các sản phẩm liên quan đến thực phẩm. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp tái chế lâm vào tình trạng "bế tắc" khi không thể tiêu thụ sản phẩm của mình.

Ngoài ra, các loại rác thải phức tạp như hộp xốp hoặc bao bì thực phẩm dạng hỗn hợp (vừa nhựa, vừa kim loại) vẫn chưa có công nghệ tái chế hiệu quả. Những hạn chế này không chỉ làm giảm hiệu quả của hệ thống tái chế mà còn khiến rác thải nhựa tiếp tục là gánh nặng lớn đối với môi trường.

Hành động từ gia đình – Nền tảng của một xã hội xanh

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, để xây dựng một hệ thống tái chế hiệu quả, mỗi cá nhân và gia đình cần bắt đầu từ những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn.

"Điều đầu tiên chúng ta cần làm là giảm thiểu lượng nhựa sử dụng ngay từ đầu. Ví dụ, khi đi chợ, hãy hạn chế nhận túi ni lông và thay vào đó sử dụng túi vải hoặc các loại túi có thể tái sử dụng," ông Vinh khuyến nghị.

Sau khi giảm thiểu, các gia đình cần chú trọng phân loại rác thải nhựa. Việc đơn giản như để riêng rác nhựa tại một góc nhà, tráng sạch các vỏ hộp nhựa trước khi bỏ đi, không chỉ giúp quá trình tái chế trở nên dễ dàng hơn mà còn đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ phát sinh các vi sinh vật có hại.

Ông Vinh cũng nhấn mạnh rằng việc phân loại và vệ sinh rác thải nhựa không chỉ hỗ trợ các đơn vị thu gom mà còn giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp tái chế.

Câu chuyện của anh Phạm Minh Đức (43 tuổi, Hà Nội), thành viên xưởng tái chế Lighting, là một minh chứng sống động cho sự thay đổi từ gia đình. Nhận thức được tầm quan trọng của tái chế, anh Đức và vợ đã dạy hai con nhỏ cách phân loại rác ngay từ khi còn học tiểu học.

"Tôi dạy các con cách phân loại rác hữu cơ, rác tái chế và rác thải nguy hại. Điều này giúp các cháu hiểu rằng mỗi loại rác đều có cách xử lý riêng, nếu không sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường," anh Đức chia sẻ.

Hai bé nhà anh Đức không chỉ phân loại rác cơ bản mà còn biết kiểm tra các ký hiệu trên sản phẩm nhựa để xác định khả năng tái chế. Dưới đáy mỗi chai nhựa thường có ký hiệu số thể hiện loại nhựa, và các con của anh đã quen với việc kiểm tra trước khi quyết định bỏ vào thùng rác nào.

"Các con của tôi rất thích thú mỗi khi tìm được chai nhựa có số 1 hoặc 2, vì đây là những loại nhựa có thể dễ dàng tái sử dụng”, anh Đức chia sẻ. Ảnh: NVCC

Ông Vinh khuyến khích các cá nhân tìm hiểu thêm về các chương trình tái chế cộng đồng hoặc tham gia vào các sáng kiến bảo vệ môi trường.

"Hành động vì môi trường không nhất thiết phải là những việc lớn lao. Chỉ cần bắt đầu từ những việc nhỏ trong khả năng của mình, như giảm sử dụng đồ nhựa một lần hay hỗ trợ các dự án tái chế tại địa phương, bạn đã đóng góp rất nhiều vào mục tiêu chung", ông nhắn nhủ.

Tái chế rác thải nhựa không chỉ là một giải pháp môi trường mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Những chia sẻ từ thạc sĩ Nguyễn Đức Vinh không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những thách thức và cơ hội trong tái chế nhựa, mà còn thôi thúc mỗi người hành động vì một Việt Nam xanh và bền vững. Trong hành trình hướng tới Net Zero, mỗi hành động nhỏ từ cá nhân sẽ góp phần tạo nên những thay đổi lớn cho tương lai.

Net Zero (phát thải ròng bằng 0) là trạng thái mà tổng lượng khí thải nhà kính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là 0.

Đây là trạng thái mà tổng lượng khí thải nhà kính bao gồm Carbon Dioxide, Methane, Nitrous oxide, Hydrofluorocarbons bằng 0.

Khái niệm này được đề cập lần đầu trong Báo cáo đánh giá thứ 5 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và thỏa thuận Paris năm 2015. Kể từ đó, ngày càng nhiều quốc gia, thành phố, tập đoàn và nhà đầu tư đặt mục tiêu đạt được phát thải ròng bằng 0.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tái chế nhựa – Chìa khóa giảm ô nhiễm và hướng tới Net Zero

Tái chế nhựa – Chìa khóa giảm ô nhiễm và hướng tới Net Zero

(Thanh tra) - Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh các cam kết về bảo vệ môi trường, tái chế rác thải nhựa trở thành giải pháp thiết thực để giảm thiểu ô nhiễm và chống biến đổi khí hậu. Thạc sĩ Nguyễn Đức Vinh, Tổng Thư ký Mạng lưới Đối tác hành động về Nhựa và Sức khỏe (PHA), đã có những chia sẻ về tầm quan trọng của việc tái chế nhựa và các hành động thiết thực mà mỗi cá nhân có thể thực hiện.

Hoàng Hiệp

11:26 05/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm