Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 23/11/2015 - 15:16
(Thanh tra) - Trong khi đối thoại còn chưa xác định chính xác được nguồn gốc đất thì quận Hoàng Mai vẫn “đòi” cưỡng chế giải phóng mặt bằng (GPMB) vào ngày 24/11/2015.
Hội trường phường Vĩnh Hưng - nơi diễn ra đối thoại của quận Hoàng Mai với dân ngày 20/11/2015
Quá trình GPMB thực hiện Dự án “Thoát nước nhằm cải thiện môi trường TP Hà Nội” - Dự án II (sau đây gọi tắt là dự án) thực hiện tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, do vấp phải nhiều khiếu nại của người dân nên quận Hoàng Mai vừa tổ chức đối thoại với dân.
Theo Quyết định 223/QĐ-UBND ngày 15/1/2008, UBND TP Hà Nội quyết định thu hồi 43.927 m2 đất tại các phường: Vĩnh Tuy, Minh Khai thuộc quận Hai Bà Trưng và các phường Vĩnh Hưng, Mai Động, Hoàng Văn Thụ, thuộc quận Hoàng Mai giao cho Ban Quản lý dự án công trình giao thông công chính để thực hiện hạng mục cải tạo hai tuyến mương K5B và A2A3 Hải Hà Hưng Ký thuộc Dự án (2005 - 2010).
Khi nghe thông tin về việc thực hiện cải tạo tuyến mương, nhiều người dân thuộc khu vực có dự án triển khai thuộc tổ 50 phường Vĩnh Hưng vui mừng vì sắp được cải tạo mương “thối” lâu nay rất ô nhiễm và ủng hộ việc GPMB để làm dự án. Tuy nhiên, dự án sau đó đã kéo dài từ khi có quyết định thu hồi đất của TP - năm 2008 đến năm 2015 vẫn chưa thực hiện.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ, kéo dài thực hiện dự án là sự lúng túng của chính quyền địa phương từ phường Vĩnh Hưng đến quận Hoàng Mai trong công tác chuyên môn về xác định nguồn gốc đất đối với các hộ dân. Chính việc xác định nguồn gốc đất là cái gốc của vấn đề trong việc xác định, triển khai các phương án hỗ trợ đền bù đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi chưa xác định chính xác cái gốc này thì quận Hoàng Mai đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất, GPMB.
Bằng chứng là trong vòng từ tháng 4/2015 đến tháng 6/2015, quận Hoàng Mai đã 3 lần thay đổi phương án bồi thường, hỗ trợ: Số 416 (14/4/2015); số 991 (1/6/2015) và số 1126 (26/6/2015) do Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Hoàng Mai lập. Đi kèm với đó, mỗi hộ bị thu hồi đất GPMB trong dự án nhận được 3 quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đơn cử trường hợp của bà Lại Thị Ngọc số 83, ngách 107/3B tổ 50, phường Vĩnh Hưng nhận được Qquyết định với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 140 triệu đồng (làm tròn) ngày 20/4; sang đến ngày 11/6, bà Ngọc lại nhận được quyết định hỗ trợ chỉ gần 35, 5 triệu đồng; đến ngày 26/6 quyết định lại được điều chỉnh lên hơn 181 triệu đồng.
Nhiều ý kiến hộ dân đặt câu hỏi: Tại sao chỉ trong vòng 2 tháng, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tập trung đầy đủ các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ lại thay đổi tới 3 lần quyết định?
Nhiều bức xúc, đơn khiếu nại về việc bất nhất trong quá trình xác minh hồ sơ nguồn gốc đất để làm cơ sở đền bù, hỗ trợ GPMB được gửi lên các cấp có thẩm quyền.
Mới đây, sáng ngày 20/11/2015, quận Hoàng Mai đã tổ chức đối thoại với các hộ dân tại phường Vĩnh Hưng. Nhiều đại diện phòng ban chuyên môn của quận từ Ban Bồi thường, GPMB, chủ đầu tư... cho đến Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hưng khẳng định việc thực hiện phương án đề bù, hỗ trợ, GPMB đều được làm đúng quy trình và theo hướng tăng tiền hỗ trợ cho dân lên. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cơ sở hỗ trợ đền bù là nguồn gốc đất chính xác thì lại chưa được làm rõ.
Đại diện Ban Bồi thường, GPMB quận Hoàng Mai cho rằng hầu hết nguồn gốc đất của các hộ dân thuộc dự án là đất sông và đất tăng gia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến hộ dân khẳng định phần lớn diện tích đất của các hộ dân, đặc biệt là các hộ dân thuộc tổ 50, phường Vĩnh Hưng là đất thổ cư có nguồn gốc đất từ trước năm 1993. Nhiều giao dịch mua bán có chứng nhận của chính quyền địa phương. Hơn nữa việc ở, sinh sống, lâu dài không có tranh chấp và được đóng thuế đất từ thời điểm trước năm 1993 đến nay là được Luật Đất đai công nhận nguồn gốc đất ở hợp pháp.
Theo quy định hiện hành, trong trường hợp khó xác định được nguồn gốc đất thì phải tổ chức họp dân, đặc biệt là những hộ dân sống lâu năm, thổ cư tại khu vực đó để lấy ý kiến. Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hưng thừa nhận các lần họp dân trước đó cũng chưa mời các thành phần này và đây là thiếu sót của các bộ phận tham mưu.
Ngay trong chiều 20/11/2015, phường Vĩnh Hưng cũng tiếp tục tổ chức họp dân để lấy ý kiến người dân sống lâu năm tại khu vực có dự án và liền kế với các hộ bị thu hồi đất để xác minh thêm nguồn gốc đất. Kết thúc cuộc họp, nhiều ý kiến khác nhau và việc xác định nguồn gốc đất chính xác vẫn chưa thực hiện được.
Tuy nhiên, theo Văn bản 1193 của Ban Thực hiện cưỡng chế, UBND quận Hoàng Mai thông báo việc cưỡng chế GPMB với 17 hộ dân tại tổ 30, tổ 50 phường Vĩnh Hưng vẫn được thực hiện từ 8h sáng 24/11/2015. Điều cần biết thêm là trong Văn bản số 8063 ngày 29/10/2015, quận Hoàng Mai đã quyết định gia hạn lần 3 thời gian thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất đến 30/12/2015.
Nhiều hộ dân bức xúc: Tại một số cuộc họp với phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai đề nghị về việc bàn giao mốc giới, chỉ giới GPMB, các quyết định thu hồi đất của dự án với các hộ dân thuộc diện GPMB, tuy nhiên, chính quyền địa phương không công khai những thông tin này với các hộ dân.
Đặc biệt, "khi các nội dung đơn khiếu nại gửi các cấp có thẩm quyền còn chưa giải quyết, xử lý xong thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất ngày 24/11/2015 là một quyết định vội vàng, thiếu cân nhắc" - một số hộ dân thắc mắc.
Không "bôi trơn", đất ở thành đất sông?
Trong một diễn biến liên quan tới vụ việc, theo Tổ trưởng Tổ dân phố số 50 phường Vĩnh Hưng Nguyễn Thị Thu Lan, trước các phương án đền bù, hỗ trợ GPMB có 1 người đàn ông xưng là có quan hệ với các cấp chính quyền quận Hoàng Mai và TP Hà Nội đến “thỏa thuận” với các hộ dân về việc đóng góp “chi phí” để xác định lại nguồn gốc đất để được hưởng đến bù cao hơn. Người này đề xuất mỗi hộ đóng tiền trước 1 triệu đồng. Điều trùng hợp đáng chú ý là, tuyên bố của người đàn ông này nếu không chi phí thì việc xác định nguồn gốc đất cuả các hộ chỉ là đất sông đã trở thành hiện thực sau khi các hộ không đồng ý nộp 1 triệu đồng.
PV
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Công ty TNHH Dược phẩm Gia Nguyên (Đắk Lắk) vừa bị Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấm thầu 3 năm. Đáng nói, bệnh viện này lại là nơi công ty dự và trúng thầu nhiều nhất.
(Thanh tra) - Báo Thanh tra nhận được đơn của ông Cao Văn Phương phản ánh việc gia đình ông có mảnh đất sử dụng ổn định từ nhiều năm trước ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, nguồn gốc thửa đất gia đình ông Phương nhận chuyển nhượng của gia đình ông Vũ Thế Tịnh và gia đình bà Nguyễn Thị Loan, bỗng dưng năm 2022, có đối tượng lạ mặt đến quây tôn, chiếm đất của gia đình ông suốt từ đó đến nay nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm.
Chính Bình
Văn Thanh
Văn Thanh
Hải Hà
Thu Huyền
Phương Anh
Trọng Tài
PV
Nguyễn Điểm
Hoàng Nam
Hoàng Hiệp
N. Phó - L. Bình
Trần Kiên