Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyện một Liệt sĩ bị tước bỏ danh hiệu

Thứ sáu, 07/08/2015 - 06:51

(Thanh tra)- Tháng 7/2015, một trong nhiều hồ sơ khiếu nại chúng tôi nhận được đã khiến chúng tôi lưu tâm. Lưu tâm vì đó là lời kêu cứu của một gia đình Liệt sĩ. Lưu tâm là vì đó là việc xóa bỏ danh hiệu của một Liệt sĩ nhưng trình tự và bản chất vụ việc còn nhiều điểm không rõ ràng mà hơn 20 năm qua, lời kêu cứu của gia đình Liệt sĩ gần như là vô vọng…

Liệt sĩ bị xóa tên

Theo hồ sơ chúng tôi có được, Liệt sĩ Nguyễn On sinh năm 1941, quê tại thôn Xuân Hòa, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, tham gia lực lượng vũ trang ngày 20/10/1962 và được bổ sung về Tổng 21 Tỉnh đội Quảng Ngãi.

Tháng 7/1964, trong trận đánh tại Nà Cây Thị, xã Trà Tân, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn On đã hy sinh trước sự chứng kiến của nhiều đồng đội (hiện còn sống và làm chứng cho ông).

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, gia đình ông Nguyễn On nhận được Giấy báo tử, Huân chương, Huy chương và Giấy công nhận Liệt sĩ của ông Nguyễn On. Từ năm 1978, gia đình ông Nguyễn On được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước và vinh dự nhận Bằng Tổ quốc ghi công số 9U.520b theo Quyết định số 614-T.Tga do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 19/9/1980.

Thế nhưng, việc hưởng trợ cấp tuất Liệt sĩ của gia đình ông On chỉ được vỏn vẹn trong năm 1978. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1979, khi ông Đặng Ngọc Thạch, cán bộ thương binh xã hội xã Tịnh Hiệp, đến nhà gặp mẹ ông Nguyễn On là bà Ao Thị Lũy, hỏi mượn Sổ chứng nhận Liệt sĩ nói là để đổi sổ mới. Bà Lũy giao sổ cho ông Thạch mà không thắc mắc gì. Tuy nhiên, cuốn sổ ấy ra đi và không thấy trở lại gia đình bà Lũy nữa.

Sau nhiều năm lặn lội hỏi các cơ quan, mãi 13 năm sau, ngày 12/12/1992, gia đình bà Ao Thị Lũy mới nhận được Văn bản số 32/CV-BCH của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi với nội dung đề nghị xóa danh hiệu Liệt sĩ của ông Nguyễn On bởi nhiều lý do tày trời!

Không lâu sau đó, ngày 31/12/1992, gia đình bà Lũy lại nhận được Quyết định số 417/LĐTB&XH-QĐ của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, nội dung quyết định cắt chế độ tuất Liệt sĩ của gia đình ông Nguyễn On, lý do không đúng đối tượng chính sách.

Trong Văn bản 32/CV-BCH của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, lý do ông Nguyễn On bị tước bỏ danh hiệu Liệt sĩ vì không phải hy sinh trong trận đánh, mà vì trong dịp được cử đưa đồng đội đi trạm xá chữa bệnh, “trên đường đi ông On đã bóp cổ đồng đội mình và lấy quần áo vào bản đổi thức ăn và mật ong…”. Văn bản cũng nêu rõ, ông On còn mang tội danh “trước đó đã ra đầu hàng địch, sau đó chạy về gia nhập bộ đội ta”, do địch cài vào hàng ngũ của ta để chống phá cách mạng, ông On đã thú nhận hành vi phản bội của mình… Việc ông Nguyễn On được hưởng danh hiệu Liệt sĩ là do gia đình khai báo từ năm 1978… Tóm lại là “Nguyễn On đã làm tay sai cho địch, giết đồng đội nên bị cách mạng trừng trị, không phải là chiến sĩ quân đội nhân dân”.

Từ kết luận này, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi cắt hết chế độ của gia đình ông Nguyễn On.

Gia đình ông Nguyễn On đã gửi đơn trình bày, kêu cứu lên các cấp, chỉ để được biết “vì sao lại như vậy?”. Hàng chục năm trôi qua, không ai trả lời họ lý do thực sự khiến ông Nguyễn On bị tước bỏ danh hiệu Liệt sĩ.

Ẩn khuất về cái chết của ông Nguyễn On

May mắn cho gia đình bà Ao Thị Lũy, từ năm 2002, nhiều chỉ huy, đồng đội cũ của ông Nguyễn On còn sống rất bất bình trước việc tước bỏ danh hiệu Liệt sĩ của ông, đã lên tiếng.

Ông Đỗ Ngọc Trang, sinh ngày 19/8/1926, cán bộ tiền khởi nghĩa tại thôn Mỹ Danh, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh là người trực tiếp tuyển 25 chiến sĩ để bổ sung vào Tổng 21, trong đó có ông Nguyễn On. Ông cũng là chỉ huy cấp trên của ông Nguyễn On suốt thời gian tham gia quân ngũ đã xác nhận ông Nguyễn On hy sinh trong trận chống càn tại Nà Cây Thị “Sông Giang” thuộc xã Trà Tân, huyện Trà Bồng ngày 27/7/1964.

Ông Nguyễn Ngọc Lân, sinh năm 1946, từng là A trưởng của ông Nguyễn On, thương binh 3/4, ngụ tại xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh xác nhận: Ông Nguyễn On cùng ông và đơn vị tham gia chiến đấu chống càn trong trận Nà Cây Thị và hy sinh trong lúc chiến đấu. Ông cũng khẳng định suốt thời gian ông và ông Nguyễn On cùng đơn vị, không hề có quyết định kỷ luật hay xử bắn chiến sĩ nào của đơn vị cả.

Ông Đinh Văn Dứa, sinh năm 1932, khi ấy ở Đội công tác Liên xã, lực lượng trực tiếp kết hợp với Tổng 21 tham gia trận chống càn Nà Cây Thị năm 1964 xác nhận “trong lúc chiến đấu, đồng chí Nguyễn On là chiến sĩ Tổng 21 Tỉnh đội Quảng Ngãi đã hy sinh tại trận…”.

Ông Nguyễn Tấn Ninh, nguyên Đại đội Phó Tổng 21, thương binh 3/4, ngụ tại xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà mô tả: “Năm 1963, 1964, địch thực hiện Kế hoạch Stalây - Taylor dùng quân đội đánh lấn chiếm, bình định nông thôn. Ở khu vực Đồng Giang, Đồng Điền, Nà Cây Thị thuộc xã Trà Tân là nơi cuối cùng của phần đất huyện Sơn Tịnh, địch đã tổ chức càn quét liên tục, cụ thể như trận càn của Trung đoàn 21, thuộc Sư 2 ngụy đánh chiếm từ Tân An lên dốc Bình Minh vào các ngày 25, 26, 27 và 28/7/1964; đơn vị phải chống càn liên tục, có một số đồng chí bị hy sinh, trong đó có đồng chí Nguyễn On trong trận càn quét này…”.

Ông Hà Tấn Thương, sinh năm 1937 (thương binh 2/4, ngụ tại thôn Xuân Hòa, xã Tịnh Hiệp) và ông Nguyễn Thành Bin, sinh năm 1942 tại xã Tịnh Hiệp (thương binh 1/4, nay ngụ tại khối 9, thị trấn Krông Buk, Buôn Hồ, Đắk Lắk) là đồng đội thuộc Tổng 21 cùng ông Nguyễn On xác nhận: Vào ngày 27/7/1964, ông tham gia trận đánh tại Nà Cây Thị, xã Trà Tân cùng ông Nguyễn On. Địch càn quét ác liệt nhất lúc 9h. Sau một giờ chiến đấu ác liệt, đồng chí Nguyễn On hy sinh lúc 10h. Khi địch rút quân, đơn vị mai táng đồng chí Nguyễn On tại chỗ (Nà Cây Thị).

Các nhân chứng trên đều là thủ trưởng và đồng đội ông Nguyễn On. Họ đều xác nhận cùng kề vai sát cánh chiến đấu với ông Nguyễn On cho tới lúc hy sinh, lại trực tiếp mai táng ông tại nơi vừa xảy ra trận đánh. Nếu như vậy, ông Nguyễn On không thể “phân thân” vừa chiến đấu hy sinh vừa mang tội giết đồng đội và bị xử bắn cùng ngày 27/7/1964!

Tại cuộc họp gặp mặt gia đình chính sách thôn Xuân Hòa, xã Tịnh Hiệp ngày 7/2/2002, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ việc gia đình ông Nguyễn On bị cắt chế độ tuất Liệt sĩ.

Ngày 23/7/2003, Đảng ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc xã Tịnh Hiệp có Biên bản họp gửi Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Sơn Tịnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đề nghị làm rõ và phục hồi chế độ Liệt sĩ cho ông Nguyễn On, dù cha ông Nguyễn On đã mất năm 1980, mẹ ông Nguyễn On cũng qua đời ngày 12/8/2010…

Nhiều dấu hỏi đằng sau việc xóa danh hiệu một Liệt sĩ đang được phóng viên phân tích và gặp gỡ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi để làm rõ. Sự việc sẽ được chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Quốc Trung

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…

Ngọc Tuấn

08:00 14/12/2024
Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

(Thanh tra) - Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai nhân sự Nguyễn Quốc Huy có bằng tốt nghiệp đại học do Trường Đại học Xây dựng cấp. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, đã phát hiện ông Nguyễn Quốc Huy không có tên trong hồ sơ gốc cấp bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Xây dựng.

Ngọc Tuấn

19:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm