Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 3: Để người dân “sống khổ” gần 30 năm, trách nhiệm thuộc về ai?

Nhóm phóng viên

Thứ tư, 17/07/2024 - 17:35

(Thanh tra) - Việc để dự án khu trung tâm Chí Linh - Vũng Tàu kéo dài hàng chục năm vẫn chưa hoàn thành cho thấy sự phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ, thiếu sự thống nhất trong phương án giải quyết vướng mắc về mặt bằng thi công. Điều này đã khiến cho người dân phải hứng chịu những tác động vô cùng xấu trong gần 30 năm từ việc chậm tiến độ hoàn thành dự án.

Trụ sở UBND TP Vũng Tàu. Ảnh: Nhóm PV

Dự án chậm tiến độ, cơ quan quản lý nói gì?

Dự án khu trung tâm Chí Linh có hơn 99,7ha (nằm trên địa bàn 3 phường: Nguyễn An Ninh, Thắng Nhất và phường 10 của TP Vũng Tàu) với tổng mức đầu tư ban đầu là gần 888 tỉ đồng, quy mô dân số khoảng 15.000 người, trong đó 10.000 dân và 5.000 khách vãng lai, với thời gian thực hiện khoảng 10 năm (từ 1996 - 2005).

Sau 7 lần điều chỉnh, 3 lần gia hạn, lần phê duyệt điều chỉnh gần đây nhất vào ngày 19/12/2016 cho kéo dài dự án đến hết năm 2023. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được chính quyền gia hạn, vẫn còn ngổn ngang, nhiều khu, hạng mục chưa được triển khai.

Theo tìm hiểu của PV Báo Thanh tra, tại Báo cáo số 1060/UBND-TCKH ngày 1/2/2024 của UBND TP Vũng Tàu gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc xác định nguyên nhân chậm tiến độ thực hiện dự án là do: “Các trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuộc khu vực dự án có quyết định thu hồi đất của Thủ tướng Chính phủ nên không thực hiện được các quyền sử dụng đất: Cấp giấy chứng nhận, tách thửa, chuyển nhượng, tặng cho, không được đóng thuế nhà, đất... Hồ sơ địa chính năm 1993 không phù hợp với hiện trạng sử dụng đất; năm 2002 không được đo vẽ bản đồ địa chính; đa số các hộ gia đình, cá nhân không hợp tác thực hiện kiểm đếm, không cung cấp hồ sơ cá nhân, dẫn đến kéo dài thời gian thu thập hồ sơ, khó khăn công tác xét duyệt nguồn gốc tại UBND các phường nơi có đất thu hồi”.

“Chủ đầu tư chưa kịp thời bố trí quỹ đất tái định cư cho các trường hợp đủ điều kiện”.

“Ngoài ra, quá trình mỗi lần điều chỉnh quy hoạch xây dựng phải thực hiện trình tự thủ tục với khoảng thời gian nhất định theo quy định nên cũng có phần ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, song không đáng kể vì chủ đầu tư vẫn tiến hành triển khai đồng thời những công việc liên quan khác của tổng thể dự án…”.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên nhân dẫn đến việc dự án chậm tiến độ là “do chậm được giao đất trên thực địa phần diện tích 223.920,53m²/99.726.000m² đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho công ty tại Quyết định số 907/TTg ngày 30/11/1996, thuộc trách nhiệm của UBND TP Vũng Tàu.

Tại Kết luận số 03/KL-TTr ngày 9/1/2023 của Thanh tra Bộ Xây dựng nhận xét, chủ đầu tư thực hiện dự án chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt tại khoản 1.3, Điều 2 Quyết định số 1330/QĐ-BXD ngày 19/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc phê duyệt điều chỉnh dự án, vi phạm khoản 2, Điều 15 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.

Như vậy, Thanh tra Bộ Xây dựng xác định dự án chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt, trách nhiệm thuộc D.I.C Corp.

Việc các cơ quan quản lý liên tục đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, cho thấy sự lúng túng trong việc xử lý công việc mà không đưa ra hướng giải quyết thỏa đáng, phù hợp để cuộc sống người dân nằm trong vùng dự án đi vào ổn định. Từ đó cho thấy năng lực quản lý của chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang có “vấn đề” khi để xảy ra tình trạng kéo dài gần 30 năm dự án khu trung tâm đô thị đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hàng chục ha đất vẫn còn hoang hóa trong khu trung tâm Chí Linh - Vũng Tàu. Ảnh: Nhóm PV

Quả bóng “trách nhiệm” còn lăn, người dân còn khổ

Người dân cho biết, khi trao đổi tiếp xúc, lãnh đạo D.I.C Corp cho rằng luôn chủ động chuẩn bị đầy đủ về tài chính và nhân lực để phối hợp làm việc và chi trả kịp thời, mạnh dạn đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, nhưng do chính quyền chưa quyết liệt trong quá trình thực hiện việc giải phóng mặt bằng. Vì vậy công tác giải phóng mặt bằng diễn ra chậm trễ không phải do D.I.C.

PV Báo Thanh tra đặt câu hỏi đến đại diện D.I.C Corp: Trong Thông báo số 1589-TB/TU của Thành ủy Vũng Tàu gửi ngày 18/12/2023 có đề nghị Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng D.I.C Corp khi nhận bàn giao mặt bằng đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh, yêu cầu khẩn trương thi công, hoàn thiện, thông tuyến trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đến nay D.I.C Corp đã thực hiện đề nghị của Thành ủy Vũng Tàu chưa?

Ông Trần Văn Đạt - Phó Tổng Giám đốc D.I.C Corp cho biết: “Chủ trương của Thành ủy là như thế, nhưng mà quan trọng nhất là không có mặt bằng để thi công. D.I.C chỉ mong có đất để làm, trách nhiệm giải phóng mặt bằng là của chính quyền”.

Đường hai chiều Nguyễn Hữu Cảnh vẫn còn nhếch nhác, nham nhở, một bên đường trở thành chợ tạm. Ảnh: Nhóm PV

Quả bóng trách nhiệm liên tục được chuyền qua đá lại, tỉnh đá về thành phố, thành phố đá cho D.I.C, D.I.C chuyền lại cho tỉnh. Điều này như một vòng lặp khiến cho cuộc sống của người dân trong dự án điêu đứng, khổ sở trong gần 30 năm.

Để thông tin được đa chiều, khách quan, PV Báo Thanh tra đã đặt nhiều câu hỏi đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND TP Vũng Tàu cung cấp thông tin. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa phản hồi lại những vấn đề mà PV nêu ra.

Luật Báo chí 2016 quy định: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.”

Dù lên tiếng cho người dân theo đúng quy định pháp luật, nhưng kỳ lạ thay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn im lặng khó hiểu, không có động thái giải quyết những bất cập đã xảy ra trên địa bàn. liệu Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu có chỉ đạo, đánh giá đầy đủ vai trò, trách nhiệm, của lãnh đạo UBND tỉnh này?

Chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu né tránh báo chí, thờ ơ với nỗi “thống khổ” của người dân. Ảnh: Nhóm PV

Dự án khu trung tâm Chí Linh - Vũng Tàu được xem là dự án trung tâm đô thị đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt từ năm 1996. Khi dự án được công bố, Nhân dân rất phấn khởi và ủng hộ. Thế nhưng, đến nay người dân có đất trong dự án vẫn phải sống cuộc sống nhếch nhác, tạm bợ. Người mua đất thì chưa được bàn giao, mất gần 30 năm “trường kỳ” đi đòi đất.

Dù là trách nhiệm thuộc về ai thì chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương nên sớm giải quyết dứt điểm để khắc phục những hậu quả vô cùng lớn mà người dân đã gánh phải trong một thời gian dài.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm