Trong đơn gửi đến các cơ quan chức năng, 5 cán bộ chủ chốt của Cục Trồng trọt đều khẳng định mình bị kỷ luật oan. Toàn bộ qui trình tiến hành kỷ luật cán bộ không được thực hiện đúng qui định của luật, có dấu hiệu trù dập cán bộ không “ăn rơ” với lãnh đạo.Cách chức… 1 nămTháng 3/2014, tập thể cán bộ công tác tại Cục Trồng trọt xao xác khi ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục ban hành 7 quyết định kỷ luật cán bộ. 5 trong số đó là các cán bộ chủ chốt, “nhỏ” nhất là phó trưởng phòng, “to” nhất là Phó Giám đốc Trung tâm. Điều đáng nói là, người thực sự sai phạm thì không bị kỷ luật. Ngược lại, những cán bộ không trực tiếp vi phạm thì bị… cách chức.Ngày 13/3/2014, Cục Trồng trọt ban hành 3 quyết định kỷ luật cách chức 3 cán bộ. Quyết định số 59/QĐ-TT-VP thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó trưởng Phòng Khảo nghiệm phân bón thuộc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia đối với bà Phan Thị Quỳnh Hương do đã có các sai phạm liên quan đến Kết luận thanh tra số 4513/KL-BNN-TTr ngày 19/12/2013. Quyết định số 60 thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Vũ Tuấn Linh, Phó trưởng Phòng Khảo nghiệm phân bón, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia vì có các tồn tại, sai phạm theo Kết luận thanh tra số 4513. Quyết định số 64 kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia do đã có các sai phạm liên quan đến Kết luận thanh tra số 4513. Tiếp đó, ngày 24/3, ông Quảng ban hành tiếp 3 quyết định kỷ luật cán bộ. Quyết định số 90 thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Dương Văn Dũng, công chức Phòng Sử dụng đất, phân bón vì đã có các sai phạm liên quan đến Kết luận thanh tra số 4513. Quyết định số 94 thi hành kỷ luật bằng hình thức giáng chức đối với ông Trương Hợp Tác, Trưởng phòng Sử dụng đất, phân bón vì đã có các sai phạm liên quan đến Kết luận thanh tra số 4513. Quyết định số 95 thi hành kỷ luật bằng hình thức giáng chức đối với ông Cao Việt Hưng vì đã có các sai phạm liên quan đến Kết luận thanh tra số 4513.Cả 7 quyết định này giống y chang nhau ở Điều 2: Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Sau 12 tháng kể từ ngày ký quyết định, các ông/bà bị kỷ luật không tái phạm hoặc không có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì được chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật!Kỷ luật bất chấp luật?Ngay khi nhận được các quyết định kỷ luật, 6/7 cán bộ của Cục Trồng trọt đã khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan chức năng. Bà Phan Thị Quỳnh Hương khẳng định: Cục Trồng trọt tiến hành xem xét kỷ luật đối với tôi đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nghị định số 27/2012-NĐ-CP ngày 6/4/2012 của Chính phủ. Tôi không thuộc các trường hợp xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP, do vậy không thể bị xem xét kỷ luật. Về thời hiệu xử lý kỷ luật, giả sử tôi có vi phạm các qui định nêu tại Kết luận thanh tra số 4513, theo qui định tại Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP thì thời hạn xử lý kỷ luật cũng đã hết. Thời hạn để xem xét, kiểm điểm cán bộ theo yêu cầu của Kết luận thanh tra số 4513 đã hết trước đó hơn 2 tháng! Khoản 3.1 mục 3 trang 21 của kết luận yêu cầu Cục Trồng trọt kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan báo cáo Bộ NN&PTNT trước ngày 20/1/2014!Bà Hương bức xúc: Theo quy định của Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP, khi phát hiện hành vi vi phạm của viên chức, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 14 Nghị định này phải ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Thông báo phải nêu rõ thời điểm viên chức có hành vi vi phạm pháp luật, thời điểm phát hiện viên chức có hành vi vi phạm pháp luật và thời hạn xử lý kỷ luật. Đến nay, cá nhân tôi và 6 cán bộ cùng bị kỷ luật chưa hề nhận được Công văn số 22/TTr ngày 14/1/2014 của Thanh tra Bộ thông báo về các tồn tại, sai phạm liên quan đến cá nhân người bị kỷ luật. Do vậy, việc ban hành quyết định kỷ luật là trái qui định.Anh Vũ Tuấn Linh cho biết: Chúng tôi đã rà soát rất kỹ các văn bản qui phạm pháp luật về việc kỷ luật cán bộ và nhận thấy việc kỷ luật cán bộ của Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt là trái các quy định. Thứ nhất, qui định về việc áp dụng hình thức kỷ luật tại Điều 10, Điều 11; Điều 12, Mục 3 của Nghị định số 27/2012/NĐ-CP, chúng tôi đều không có các hành vi vi phạm pháp luật tương ứng. Do vậy, việc kỷ luật chúng tôi là không đúng. Thứ 2, toàn bộ qui trình tiến hành kỷ luật cán bộ của Cục Trồng trọt trái với qui định tại Điều 15 Nghị định số 27. Điểm b, Khoản 1, Điều 15 qui định: “Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức có đơn vị cấu thành thì tổ chức cuộc họp kiểm điểm với thành phần dự họp là toàn thể viên chức của đơn vị cấu thành mà viên chức đang công tác. Biên bản cuộc họp kiểm điểm ở đơn vị cấu thành được gửi tới người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức. Cuộc họp kiểm điểm của đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức có hành vi vi phạm pháp luật được tổ chức với thành phần dự họp là đại diện lãnh đạo chính quyền, cấp ủy và công đoàn của đơn vị”. Như vậy, việc kiểm điểm cán bộ vi phạm như tôi, chị Hương phải được tiến hành ở cấp phòng làm việc là Phòng Khảo nghiệm phân bón. Đối với anh Hòa, phải tiến hành từ Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia. Đối với ông Dương Văn Dũng, ông Trương Hợp Tác phải từ Phòng Sử dụng đất. Việc tổ chức kiểm điểm của Cục Trồng trọt họp ngày 19/2/2014 để tiến hành kiểm điểm các cán bộ cùng với 8 nhóm đối tượng: Tập thể lãnh đạo của các đơn vị thuộc Cục, tập thể lãnh đạo của 2 Trung tâm thuộc Cục, 6 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, 5 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, 6 viên chức quản lý, 1 viên chức không giữ chức vụ quản lý, 1 cán bộ hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, 3 cán bộ hợp đồng tại đơn vị sự nghiệp là việc làm sai nghiêm trọng so với các qui định.Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia bức xúc: Ngoài các điểm vô lý trên, tất cả các cán bộ cùng bị kỷ luật chúng tôi còn khẳng định, thành phần Hội đồng Kỷ luật của Cục Trồng trọt không đúng với qui định tại Khoản 3, Điều 17 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP; không đảm bảo khách quan. Hội đồng Kỷ luật có ông Trần Xuân Định, người liên quan đến sai phạm trong việc xây dựng Thông thư 38 là không khách quan, vi phạm quy định. (Ông Trần Xuân Định là người ký trình Thông tư số 38 mà không kiểm tra, rà soát và cũng là đối tượng phải kiểm điểm của Cục. Điều 17 Nghị định số 27 qui định về thành phần hội đồng kỷ luật nêu rõ: Không được cử người có quan hệ gia đình như cha, mẹ, con được pháp luật thừa nhận và vợ, chồng, anh, chị, em ruột, dâu (rể) hoặc người có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của viên chức bị xem xét xử lý kỷ luật tham gia thành viên hội đồng kỷ luật - PV).Trong đơn gửi đến Báo Thanh tra, những cán bộ chủ chốt của Cục Trồng trọt còn khẳng định: Việc căn cứ Kết luận thanh tra số 4513 để kỷ luật cán bộ là yếu về pháp lý. Bởi lẽ, bản thân Kết luận thanh tra số 4513 là bất thường và không tuân thủ chặt chẽ các qui định của Luật Thanh tra. Do vậy, việc “mượn” kết luận này để xử lý kỷ luật cán bộ ở các vị trí công tác khác nhau còn thể hiện một quyết tâm triệt phá hết những người không “ăn rơ” với ông Phạm Đồng Quảng. Chúng tôi sẽ trở lại Kết luận thanh tra số 4513 và những bằng chứng cho thấy nhóm cán bộ nói trên không phải chịu trách nhiệm chính khi Thông tư 38 “có vết”.Đan Quế - Ban MaiBài 2: Kỷ luật căn cứ kết luận thanh tra có đúng?