Măng vầu, thứ đặc sản chẳng sang trọng nhưng chứa đựng cả một trời ký ức tuổi thơ, một phần hồn quê không thể thay thế giữa phố thị ồn ào.
Quê tôi ở Phú Thọ, nơi những triền núi thoai thoải nối tiếp nhau, bao phủ bởi màu xanh ngắt của rừng vầu. Cây măng vầu (hay còn gọi là măng ngọt) thuộc họ tre, diễn, mai, thân nhỏ, không có gai.
Cây vầu mọc tự nhiên thành rặng, thành đồi, chẳng cần ai chăm bón. Ấy vậy mà cứ đến độ tháng 3 âm lịch, khi tiết trời bắt đầu oi nồng, măng non lại lấp ló dưới những tán lá khô, rụt rè nhú lên khỏi mặt đất.
Ngày còn nhỏ, tôi thường theo chân bà và mẹ vào rừng vầu. Những bụi vầu rậm rạp có khi dày đến mức cách nhau chỉ một gang tay mà đã không nhìn thấy mặt người. Mẹ tôi bảo: “Măng vầu ăn ngon hơn măng tre, nhưng phải biết chọn, biết nấu. Không thì đắng như mật!”.
Măng ngon là những búp còn non, chưa vươn khỏi mặt đất, phần đầu nhọn, phủ lớp lông tơ màu nâu đen. Mỗi khi thấy vết nứt đất dưới tán vầu, chỉ cần cào nhẹ là có thể nhặt được những ngọn măng tròn lẳn, có ngọn to bằng bắp chân người lớn.
Khi kiếm được măng về, mẹ thường ngồi bên hiên nhà, tay thoăn thoắt bóc bỏ lớp vỏ ngoài đen nhẻm của măng. Bên trong là lõi măng trắng ngà, giòn và thơm mát.
Măng vầu có vị ngọt đặc trưng của núi rừng, mẹ tôi hay nấu măng với thịt băm, có khi chỉ cần dầm chút mẻ, thêm tía tô, mùi tàu, củ kiệu là đã thành nồi canh thơm lừng. Cái nắng oi ả đầu hạ cũng dịu đi nhờ vị măng mộc mạc ấy.
Hồi ấy nhà nghèo, chỉ cần bát canh măng nấu xương hay nồi cá kho măng là đã thấy ấm lòng. Có hôm chẳng có gì ngoài đĩa măng luộc chấm muối vừng, cả nhà vẫn xuýt xoa khen ngon. Vị măng ngọt dịu, có mùi thơm bùi, càng ăn càng thấy… “nghiền”.
Không chỉ là thực phẩm, cây vầu còn là "tài nguyên sống" của người dân quê. Thân vầu dài, chắc, dẻo dai, từ lâu đã là vật liệu xây dựng nhà cửa, làm mái, làm đòn tay, làm chuồng trại. Đặc biệt, những chiếc thang, đòn gánh, hay cột rào đều làm từ vầu, vừa nhẹ lại vừa bền. Cả đến những chiếc nôi tre cho trẻ nhỏ hay ống đựng cơm lam cho người đi rừng cũng được đẽo gọt từ thân cây này.
Ngoài ra, khi cây vầu già, người dân chặt về, chẻ nhỏ phơi khô làm củi đun. Vầu cháy bén, giữ nhiệt lâu, than hồng rực đỏ, rất thích hợp cho việc nấu cơm niêu hay luộc bánh chưng. Đêm đông, chỉ cần một bếp lửa củi vầu là cả gian bếp sáng rực, ấm áp đến lạ.
Mùa măng không chỉ là mùa của rừng mà còn là mùa của chợ. Sáng sớm, các bà, các chị rủ nhau gánh măng ra chợ. Măng được xếp từng bó, có khi còn nguyên vỏ, có khi đã bóc sẵn, ngâm trong nước cho tươi.
Người mua quen tay chọn măng non, vỏ chưa mở, đầu còn nhọn. Mỗi bó măng bán được vài chục nghìn đồng, không nhiều nhưng đủ giúp bà con cải thiện bữa cơm, sắm sửa những thứ cần dùng trong gia đình.
Giờ đây, giữa chốn phố thị ồn ã, mỗi khi có cơn mưa rào đầu hạ, ở một góc chợ nhỏ giữa Thủ đô, thi thoảng bắt gặp bó măng vầu với lớp vỏ nhiều lông đặc trưng… mà sao không thấy thơm như bó măng mẹ từng bóc bên hiên nhà.
Hay như trong siêu thị, tôi vẫn không tìm thấy hương măng của tuổi thơ, thay vào đó là những ngọn măng được bày bán sạch sẽ, cắt gọn, nhưng thiếu hồn quê chân chất. Không còn tiếng dao lách cách, không còn mùi khói ám trên vạt áo cũ. Không còn cảnh mẹ cần mẫn bên chậu nước, bóc măng mỗi chiều...
Mỗi mùa măng đến, ký ức quê lại trỗi dậy như một mạch ngầm. Nhớ giọng mẹ gọi giữa vườn: “Vầu lên rồi, mai dậy sớm theo mẹ đi lấy măng nhé con!” Nhớ cái lạnh sáng sớm, bước chân nhỏ lần theo triền đồi, lòng háo hức mong một bữa cơm chiều có món canh măng mẹ nấu.
Những năm gần đây, việc thu mua măng vầu đã trở thành sinh kế cho nhiều hộ gia đình miền núi. Hợp tác xã tổ chức thu gom, sơ chế, đóng gói để tiêu thụ tại các đô thị lớn, thậm chí xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nhưng dù có đến tay bao nhiêu thực khách sành ăn, tôi tin rằng không ai thấy măng vầu ngon như người con Phú Thọ từng được ăn bát canh măng mẹ nấu bên bếp nhà.
Mùa măng nào cũng vậy, tôi thường tranh thủ trở về quê để được ngồi bên mẹ, được cảm nhận vị măng vầu tự tay mẹ nấu. Khi trở lại thành phố, hành trang mang theo là túi măng trắng ngần mẹ bóc sẵn. Mẹ xách túi ra tận cổng, xe lăn bánh khá xa, tôi ngoái lại, mẹ vẫn đứng đó nhìn theo, mái tóc bạc phơ lay trong gió.
Giờ đây, dù ở bất cứ nơi đâu, mỗi mùa măng vầu nở, trong tôi lại trào dâng nỗi nhớ. Nhớ đôi tay mẹ gầy guộc, đen thui vì bóc măng... Nhớ hương vị của bát canh đầu hạ.
Nhớ cả một miền quê chân chất, nơi có mái nhà vách vầu, có bếp lửa đỏ hồng, có người mẹ yêu thương chờ đợi con về. Nhớ một bầu trời tuổi thơ gian khó nhưng luôn đầy ắp những kỷ niệm yêu thương.