Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Vì sao hàng loạt dự án "khu đất vàng" ở Hà Nội bị “treo”?

Hải Hà

Thứ ba, 12/07/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Siêu dự án (D.A) Sông Hồng City (quận Tây Hồ) được phê duyệt từ năm 1995 đến nay vẫn "quây tôn"; D.A 148 Giảng Võ (quận Ba Đình) sau nhiều năm phê duyệt vẫn để không. Đó chỉ là 2 trong hàng trăm D.A chậm triển khai ở Hà Nội. Nguyên nhân tại sao lại xảy ra tình trạng chậm trễ? Trách nhiệm của các đơn vị có liên quan như thế nào là câu hỏi được dư luận quan tâm.

D.A 148 Giảng Võ sau nhiều năm phê duyệt vẫn để không. Ảnh: Internet

Nhiều D.A "quây tôn", không triển khai

Theo UBND TP Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến việc các D.A chậm triển khai là do một số quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường còn có sự chồng chéo, chuyển tiếp qua nhiều luật, nghị định, nên công tác chuẩn bị đầu tư thường kéo dài hơn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các D.A, dẫn đến một số D.A chậm hoàn thiện được các thủ tục để được thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Ngoài ra, do một số địa phương, đơn vị triển khai lập và thực hiện D.A còn chậm, công tác chuẩn bị đầu tư như lập và trình phê duyệt quy hoạch khu đất đấu giá còn chưa đảm bảo khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến chậm trong các thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng…

Liên quan đến D.A 148 Giảng Võ, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Nguyễn Trúc Anh cho biết: D.A được phê duyệt quy hoạch từ năm 2016, đến năm 2019 có quyết định thu hồi chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đến năm 2021, Hà Nội phê duyệt phân khu nội đô. Theo đó, có thể tiếp tục nghiên cứu quy hoạch và trình duyệt D.A, nhưng phải giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh; giảm 2 tòa nhà, không có nhà ở, chỉ còn công trình dịch vụ thương mại; giữ nguyên chỉ tiêu cây xanh, trường học.

Nói rõ hơn về D.A này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, D.A đã có chủ trương chuyển đổi làm trung tâm dịch vụ thương mại, dịch vụ, văn hoá. Thời gian tới, UBND TP sẽ chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực này để đưa về đúng chức năng. Sau khi điều chỉnh lại quy hoạch, sẽ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Hiện, nhà đầu tư cam kết, sau khi các thủ tục trên hoàn thiện sẽ tiến hành đầu tư ngay. Các thủ tục sẽ được hoàn thành trong năm 2022, để năm 2023 D.A khởi công và hoàn thiện với thời gian kéo dài tối đa 3 năm.

Đối với D.A Sông Hồng City, D.A được phê duyệt từ năm 1995, đến nay sau 27 năm vẫn "quây tôn". UBND TP Hà Nội cho biết, việc ngừng triển khai do nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có sự thay đổi quy định pháp luật Nhà nước về quy hoạch đê điều, quy hoạch thoát lũ, quy hoạch phân khu qua các thời kỳ.

Thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, QHKT và đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát căn cứ quy định của pháp luật và thực tiễn triển khai D.A, đề xuất phương án giải quyết phù hợp.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn Thủ đô hiện có 379 D.A chậm tiến độ triển khai. Trong đó, 30 D.A được kiến nghị thu hồi thì nay mới thu hồi 10 D.A…

Để ngăn chăn việc chủ đầu tư “ôm đất” rồi bỏ hoang, theo đại diện Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cơ quan chức năng cần phải tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra. Việc này cần phải đưa vào nghị quyết của HĐND TP, định kỳ 6 - 12 tháng phải tổ chức rà soát, công bố tiến độ từng D.A, đồng thời công khai chủ đầu tư không đủ năng lực.

Những D.A không đủ năng lực triển khai phải kiên quyết thu hồi. D.A đủ điều kiện triển khai thì công khai thông tin để người dân nắm được, vừa để thực hiện việc giám sát, vừa giúp cơ quan quản lý kịp thời ngăn chặn nếu xảy ra tình trạng vi phạm.

Bên cạnh đó, cần quy trách nhiệm đến chính quyền cơ sở, đặc biệt là trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, quan trọng nhất là người đứng đầu để nâng cao năng lực quản lý, ngăn chặn những hành vi “tiếp tay” cho vi phạm để trục lợi.

Để xử lý các D.A "treo", UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 160. Trong đó, yêu cầu công khai, minh bạch rõ quy trình, xác định cụ thể thời hạn, biện pháp giải quyết và xử lý đối với các D.A vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai.

Xử lý nghiêm, dứt điểm các D.A chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng; các trường hợp cố ý chây ì, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi theo quy định. Cùng với đó, công khai các D.A chậm tiến độ để tăng cường giám sát của người dân, doanh nghiệp.

Trong quý II/2022, TP tập trung hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm D.A vi phạm. Theo kế hoạch, quý III/2022, TP tập trung xử lý các nhóm D.A để đẩy nhanh tiến độ và lập hồ sơ xử lý dứt điểm đối với vi phạm đã đủ căn cứ. Cơ bản đến hết quý IV/2022, tập trung xử lý nghiêm các D.A chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm.

Kế hoạch trên cho thấy sự quyết tâm cao của chính quyền Hà Nội đối với hàng loạt D.A “treo”. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, nếu việc xử lý vi phạm không đạt như kế hoạch sẽ xử lý thế nào? Ai phải chịu trách nhiệm?

Thiết nghĩ, trong mỗi khâu, Hà Nội cần quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu để xử lý triệt để các D.A chây ì, tránh tình trạng… “đầu voi đuôi chuột”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm