Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Vàng bạc SJC: Nhiều lần bị phạt, truy thu thuế, nợ bảo hiểm

Thanh Giang

Thứ năm, 30/05/2024 - 10:29

(Thanh tra)- Không chỉ chứng kiến doanh thu, lợi nhuận sụt giảm rất sâu so với năm 2012, Vàng bạc SJC còn liên tục bị phạt, truy thu thuế và nợ bảo hiểm, kinh phí Công đoàn.

So với năm bản lề 2012, doanh thu SJC năm 2023 chỉ bằng 39,4%, lợi nhuận sau thuế bằng 20,7%. Ảnh chụp màn hình

Năm 2012 là thời điểm quan trọng của thị trường vàng khi Nghị định 24 có hiệu lực (25/5/2012) nhằm ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Từ đó, Nhà nước được độc quyền tổ chức sản xuất vàng miếng; không tổ chức, cá nhân nào được quyền sản xuất vàng miếng.

Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (Công ty vàng bạc SJC) được tin là “hưởng lợi” nhờ chính sách độc quyền. Tuy nhiên, mới đây, bà Lê Thuý Hằng, Tổng Giám đốc Công ty SJC đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, bởi từ năm 2012 đến nay, doanh nghiệp không được sản xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu, nên không hưởng lợi từ việc vàng tăng giá mà còn bị mang tiếng trục lợi.

"Độc quyền vàng miếng không mang lại lợi ích cho SJC, thậm chí doanh nghiệp còn bị mang tiếng trục lợi", bà Hằng khẳng định.

Thực tế, sau khi Nghị định 24 có hiệu lực trong năm 2012, hoạt động kinh doanh của Vàng bạc SJC “lao dốc”. 11 năm trôi qua, doanh thu năm 2023 của SJC chỉ bằng 39,4% năm 2012, lợi nhuận chỉ bằng 20,7%. Cùng với đó, SJC liên tục bị phạt thuế và truy thu thuế cũng như nợ bảo hiểm.

Doanh thu 2023 bằng 39,4% năm 2012

Kể từ đó, doanh thu “anh cả” ngành vàng là SJC trượt dốc và chưa có dấu hiệu phục hồi. So với năm bản lề 2012, doanh thu SJC năm 2023 chỉ bằng 39,4%, lợi nhuận sau thuế bằng 20,7%.

Năm 2012, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của SJC đạt 72.087 tỷ đồng. Với con số này, SJC xứng đáng là “anh cả” ngành vàng. Cùng với doanh thu lớn, lợi nhuận sau thuế của SJC cũng khá cao, đạt 294 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là 19,3%.

Tuy nhiên, SJC “lao dốc” từ năm 2013 khi doanh thu giảm sốc, giảm 44.419 tỷ đồng, tương đương 61,6% so với năm 2012 xuống chỉ còn 27.668 tỷ đồng; lợi nhuận giảm 103 tỷ đồng, tương đương 35% xuống 191 tỷ đồng.

Sau đó, SJC tiếp tục trải qua nhiều thăng trầm. Dù đã phục hồi so với “đáy” được thiết lập trong năm 2014 nhưng SJC vẫn còn rất xa để tìm lại hoàng kim năm 2012.

Cụ thể, tới năm 2014, doanh thu SJC xuống “đáy” 16.308 tỷ đồng, rồi tăng lên 18.036 tỷ đồng (năm 2015), 21.594 tỷ đồng (năm 2016), 22.950 tỷ đồng (năm 2017), 20.871 tỷ đồng (năm 2018), 23.127 tỷ đồng (năm 2019), 23.491 tỷ đồng (năm 2020), 17.689 tỷ đồng (năm 2021), 27.153 tỷ đồng (năm 2022) và 28.408 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế cũng hao hụt đáng kể khi giảm từ 294 tỷ đồng năm 2012 xuống chỉ còn 191 tỷ đồng (năm 2013), 79,2 tỷ đồng (năm 2014), 66 tỷ đồng (năm 2015), 63,4 tỷ đồng (năm 2016), 81,3 tỷ đồng (năm 2017), 27,8 tỷ đồng (năm 2018), 52,5 tỷ đồng (năm 2019), 55,8 tỷ đồng (năm 2020), 43,2 tỷ đồng (năm 2021), 49,2 tỷ đồng (năm 2022) và 61 tỷ đồng (năm 2023).

Như vậy, so với năm 2012, nghĩa là sau 11 năm hoạt động, doanh thu năm 2023 của SJC giảm 43.679 tỷ đồng, tương đương 60,6%, lợi nhuận sau thuế năm 2023 giảm 233 tỷ đồng, tương đương 79,3%. Hay nói cách khác, doanh thu năm 2023 bằng 39,4% năm 2012, lợi nhuận sau thuế năm 2023 bằng 20,7% năm 2022.

Liên tục bị phạt, truy thu thuế

Doanh thu, lợi nhuận sụt giảm đồng nghĩa với việc đóng góp về thuế thu nhập doanh nghiệp của SJC cũng hao hụt nhiều.

Trong năm 2012, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của SJC là 94,8 tỷ đồng, sau đó giảm xuống 78,7 tỷ đồng (năm 2013), 10,9 tỷ đồng (năm 2014), 24,6 tỷ đồng (năm 2015), 16,8 tỷ đồng (năm 2016), 4,1 tỷ đồng (năm 2017), 8,5 tỷ đồng (năm 2018), 14,6 tỷ đồng (năm 2019), 19 tỷ đồng (năm 2020), 13,2 tỷ đồng (năm 2021), 19,7 tỷ đồng (năm 2022) và 26,6 tỷ đồng (năm 2023).

Có thể thấy thuế TNDN của Vàng bạc SJC rất thấp so với năm 2012 nhưng công ty lại có hành trình dài bị phạt, truy thu thuế.

Cuối năm 2023, SJC ghi nhận 22,4 triệu đồng thuế bị phạt, bị truy thu, tăng so với 7,2 triệu đồng năm 2022.

Trước đó, năm 2021, chỉ tiêu này là 287 triệu đồng, năm 2020 chỉ là 0 đồng, năm 2019, chỉ tiêu này đạt 27,6 triệu đồng, giảm so với con số 441 triệu đồng năm 2018.

Vàng bạc SJC còn ghi nhận 3,4 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu năm 2018. Thuế bị phạt và truy thu năm 2017 là 184 triệu đồng và năm 2016 là 0 đồng.

Trong năm 2015 và 2014, công ty không bị phạt thuế nhưng thuế bị truy thu là 164 triệu đồng và 722 triệu đồng.

Nợ bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn

Tại ngày 31/12/2023, Vàng bạc SJC ghi nhận 24,1 tỷ đồng phải trả người lao động, tăng mạnh so với 14,7 tỷ đồng hồi cuối năm 2022. Đây là tiền thưởng phải trả nhân viên.

Bên cạnh tiền thưởng phải trả, công ty còn nợ kinh phí Công đoàn và bảo hiểm trong nhiều năm liền.

Cụ thể, hồi cuối năm 2023, SJC khoản phải trả về kinh phí Công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 375.212 đồng, tăng mạnh so với 114.198 đồng năm 2022.

Năm 2021, phải trả về kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội là 2,1 triệu đồng và 12,9 triệu đồng.

Năm 2020 công ty không nợ.

Năm 2019, phải trả về kinh phí công đoàn và bảo hiểm xã hội là 1,4 triệu đồng và 11,3 triệu đồng.

Năm 2018 là 629.000 đồng và 0 đồng.

Năm 2017, phải trả về kinh phí công đoàn và bảo hiểm xã hội là 297 triệu đồng và 3,6 triệu đồng.

Năm 2016 là 143 triệu đồng và 1,7 triệu đồng.

Năm 2015, phải trả kinh phí công đoàn là 106 triệu đồng, năm 2014 là 42.287 đồng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm