Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

TP Hồ Chí Minh: Nhiều khó khăn trong lĩnh vực đầu tư

Thu Huyền

Chủ nhật, 02/06/2024 - 08:00

(Thanh tra) - Số liệu thống kê từ đầu năm 2024 đến nay cho thấy, nhiều chỉ tiêu trong lĩnh vực đầu tư tại TP Hồ Chí Minh (gồm cả đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài) không đạt được như kỳ vọng.

Dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên vẫn chưa hoàn thành để đưa vào vận hành, khai thác. Ảnh: Thu Huyền

Giải ngân vốn đầu tư công chậm

Theo thông tin từ Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 24/5/2024, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân là 6.705 tỷ đồng, đạt 8,5% so với kế hoạch vốn năm 2024. Từ tháng 4/2024 đến 24/5/2024, thành phố chỉ giải ngân 1,5% kế hoạch vốn, cho thấy tiến độ giải ngân khá chậm so với mục tiêu đề ra.

Tại phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 5/2024 vào ngày 31/5, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu các cơ quan, đơn vị, ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần tập trung cao, trách nhiệm cao. Trong đó, đề nghị trong tháng 6 phải rà soát hết các hồ sơ đủ điều kiện quyết toán để có khối lượng. Đối với khối các dự án đang thi công, đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo để cho nhà thầu gia tăng khối lượng. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan hết sức tập trung trong công tác quy hoạch, bồi thường đối với khối các dự án chuẩn bị đầu tư.

Hiện nay, một số công trình trọng điểm ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cụ thể: Dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành 98% khối lượng, trong đó ga ngầm Bến Thành đã cơ bản hoàn thiện, chờ bàn giao trước khi vận hành; Dự án đường sắt Bến Thành - Tham Lương đã bàn giao mặt bằng đạt 90%; Dự án Thành phần 1 (Vành đai 3 Thành phố) đã triển khai 10/14 gói thầu xây lắp và 4 gói thầu đã được khởi công; Dự án Thành phần 2 (Vành đai 3 Thành phố) bồi thường mặt bằng đạt 99,8%.

Đối với Dự án mở rộng Quốc lộ 50, có 4/7 gói xây lắp làm đường song hành Quốc lộ 50 đạt khoảng 53% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong năm 2024 và 3/7 gói thầu mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Tuy nhiên, dự án này đang gặp vướng mắc trong công tác bồi thường cho 11 hộ dân (3 hộ dân tại gói XL1 và 8 hộ dân lại gói XL2) gây nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, dự kiến bàn giao kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án cũng như ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Ảnh: Thu Huyền

Trong 5 tháng đầu năm 2024, TP Hồ Chí Minh có 27.781 doanh nghiệp tham gia vào thị trường nhưng cũng có đến 20.516 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (cứ 10 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì tương ứng có 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài giảm 17,1%

Cũng theo số liệu từ Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 20/5/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đạt 948,9 triệu USD (bao gồm các dự án cấp mới; các dự án điều chỉnh vốn đăng ký; các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với góp vốn), giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, cấp mới có 464 dự án, tăng 24,1% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 153,9 triệu USD, giảm 23,0%. Trong đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 234 dự án, vốn đăng ký là 100,8 triệu USD, chiếm 65,5% vốn đăng ký cấp mới; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 98 dự án, vốn đăng ký 26,6 triệu USD, chiếm 17,3%; hoạt động thông tin và truyền thông có 70 dự án, vốn đăng ký là 15,3 triệu USD, chiếm 9,9%.

Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về vốn đăng ký dự án cấp phép mới tại TP Hồ Chí Minh trong 5 tháng đầu năm 2024 với 51 dự án, vốn đăng ký đạt 51,4 triệu USD, chiếm 33,4% tổng vốn cấp phép mới. Tiếp đến là Nhật Bản với 46 dự án, vốn đăng ký đạt 26,5 triệu USD, chiếm 17,2%; Singapore với 65 dự án, vốn đăng ký đạt 24,7 triệu USD, chiếm 16,1%.

Điều chỉnh vốn đăng ký có 72 dự án, giảm 40,5% so với cùng kỳ và vốn điều chỉnh đạt 87,7 triệu USD, bằng 21,7%. Trong đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 23 dự án, vốn đăng ký là 27,1 triệu USD, chiếm 30,9% vốn đăng ký điều chỉnh; hoạt động thông tin và truyền thông có 13 dự án, vốn đăng ký là 16,6 triệu USD, chiếm 18,9%. Singapore là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất đạt 22,6 triệu USD, chiếm 25,7% vốn đăng ký điều chỉnh.

Bên cạnh đó, có 823 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với góp vốn với 707,3 triệu USD, tăng 30,7% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 244,3 triệu USD, chiếm 34,5%; hoạt động vận tải kho bãi đạt 193,6 triệu USD, chiếm 27,4% tổng vốn góp; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đạt 127,3 triệu USD, chiếm 18,0%.

Hàn Quốc và Singapore là hai quốc gia có tỷ trọng vốn góp của nhà đầu tư vào TP Hồ Chí Minh cao nhất, lần lượt chiếm 36,4% và 31,1%.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm