Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thu Huyền
Thứ năm, 09/01/2025 - 22:00
(Thanh tra) - Năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 10%. Đây là một mục tiêu cao, đặt ra thách thức lớn và đòi hỏi thành phố phải nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để có thể đạt được.
Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng GRDP năm 2025 trên 10%. Ảnh: Thu Huyền
Mục tiêu và thách thức
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương vừa được tổ chức vào ngày 8/1/2025, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi một lần nữa khẳng định mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% (tăng trưởng 2 con số). Trước đó, mục tiêu tăng trưởng này đã được đưa ra tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 do UBND thành phố tổ chức vào ngày 26/12/2024.
Nếu so sánh với con số tăng trưởng 7,17% của năm 2024 thì mục tiêu tăng trưởng trên 10% mà Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra trong năm 2025 là một con số rất cao (quy mô GRDP của thành phố tính đến cuối năm 2024 khoảng 1,78 triệu tỷ đồng), một mục tiêu mang tính đột phá về tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Cần phải nói thêm rằng, để đạt được con số tăng trưởng GRDP 7,17% năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải nỗ lực hết mình với sự lãnh đạo, chỉ đạo, đốc thúc quyết liệt của Thành ủy và UBND thành phố. Tuy vậy, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt so với kế hoạch đề ra là năm 2024 tăng trưởng từ 7,5 - 8%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 10%, thành phố cần vượt qua không ít khó khăn, thách thức, bao gồm những thách thức về nguồn vốn, về việc thu hút doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng, về sắp xếp tổ chức bộ máy và cả những chính sách nhằm giải phóng các nguồn lực cho nền kinh tế.
Trong đó, về nguồn vốn đầu tư, theo tính toán của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 10% trong năm 2025, thành phố cần khoảng 620.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong khi vốn đầu tư công được phân bổ từ ngân sách khoảng 110.000 tỷ đồng thì con số 510.000 tỷ đồng còn lại phải huy động từ các nguồn ngoài ngân sách như từ hệ thống các ngân hàng, vốn FDI, kiều hối....
Việc huy động được nguồn vốn 510.000 tỷ đồng ngoài ngân sách nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế không phải là nhiệm vụ đơn giản. Thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế, chính sách phù hợp và linh hoạt nhằm huy động sự đồng hành, ủng hộ của các ngân hàng, tổ chức tài chính và các doanh nghiệp FDI để đáp ứng nhu cầu vốn.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đang trên đà phục hồi và sẽ là điểm tựa đóng góp tăng trưởng trong năm 2025 nhưng trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp công nghiệp quan trọng có xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh thành lân cận để tận dụng nhiều ưu đãi. Điều này đang đặt ra yêu cầu đối với thành phố trong việc thực hiện rà soát đánh giá, tái cơ cấu khu, cụm công nghiệp và có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt để tạo động lực và giữ chân doanh nghiệp.
Quyết tâm và các giải pháp
Mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% đang đặt Thành phố Hồ Chí Minh trước rất nhiều thách thức trong quá trình thực hiện; tuy nhiên, đây không phải là một mục tiêu “viển vông”. Nói cách khác, thành phố đã có kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hướng tới mục tiêu tăng trưởng này.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, trong năm 2025 thành phố sẽ triển khai 22 chỉ tiêu với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, có 5 nhiệm vụ cần tập trung gồm: Thực hiện tổ chức, sắp xếp bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương gắn với tái cơ cấu chức năng nhiệm vụ, tái cơ cấu đội ngũ công chức viên chức và chuyển đổi số mạnh mẽ; tập trung triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 137/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như Chỉ thị 19 của UBND thành phố; khẩn trương triển khai quy hoạch thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt; khẩn trương hoàn thiện và đưa vào khai thác Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của thành phố gắn với phát huy hoạt động của Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 trong mạng lưới của Diễn đàn Kinh tế thế giới; tập trung chuẩn bị và triển khai tốt các hoạt động kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, các ngày lễ lớn trong năm, đại hội Đảng các cấp.
Ngày 31/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND thành phố đang chỉ đạo khẩn trương triển khai quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai các dự án trọng điểm gắn với triển khai trung tâm tài chính quốc tế cũng như các dự án như Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đường Vành đai 4 và đường sắt đô thị; phối hợp để triển khai các công trình trọng điểm như Nhà ga T3, đường Vành đai 3 cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025.
Đối với các dự án đầu tư công, thành phố chỉ đạo khởi động nhanh, mạnh ngay từ đầu năm 2025 để tạo lực đẩy, bứt phá, tháo gỡ điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng giao thông, qua đó tạo động lực cho hoạt động xây dựng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời yêu cầu giải quyết 2 vấn đề nổi bật là giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng.
Về vấn đề nguồn vốn, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai các chương trình hợp tác với các ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn nhằm thực hiện kế hoạch huy động 510.000 tỷ đồng ngoài ngân sách để góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% trong năm 2025. Ngày 6/1/2025, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 9 ngân hàng thương mại nhằm tăng cường huy động nguồn vốn và thúc đẩy đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm của thành phố.
Ngoài ra, có nhiều chính sách, giải pháp nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng cũng đang được thành phố triển khai thực hiện như các chính sách thu hút và giữ chân doanh nghiệp; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tổ chức nhiều hoạt động du lịch; thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo ông Lê Trọng Hiếu, cam kết mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài, cùng mức giải ngân FDI kỷ lục 25 tỷ USD, đã trở thành động lực then chốt thúc đẩy bất động sản công nghiệp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024.
Đông Hà
(Thanh tra) - Vào quý II/2025, tại Sở Giao thông Vận tải Hà Nội dự kiến sẽ thanh tra công tác quản lý, thực hiện dự án: Sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông đường Quốc lộ 18 bên trái tuyến (hướng Bắc Ninh đi Hà Nội) đoạn từ Km7+00 - Km11+00. Đơn vị thi công gói thầu này là Công ty Cổ phần xây dựng và Thương mại Nhật Anh, nhà thầu quen mặt tại Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông.
Thu Huyền
Văn Thanh
Kim Thành
Trần Quý
Hoàng Hưng
Cảnh Nhật
Bùi Bình
T.Thanh
Trọng Tài
Đông Hà
Trần Quý
Thu Huyền
Bùi Bình
T.Thanh
Hải Hà