Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thái Nguyên: Phấn đấu là trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Thứ ba, 25/06/2019 - 10:39

(Thanh tra)- Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TƯ ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Nghị quyết 37), Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 Nguyễn Văn Bình đã gợi mở một số vấn đề để Tỉnh ủy Thái Nguyên tiếp tục đánh giá và bổ sung vào phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn tiếp theo.

Toàn cảnh TP Thái Nguyên. Ảnh: Internet

Hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết

Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37 do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc cho biết, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Thông qua đó đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về quan điểm chỉ đạo, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết.

Trên cơ sở tình hình thực tiễn tại địa phương, tỉnh đã lồng ghép các nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hằng năm, 5 năm và các chương trình, đề án phát triển lĩnh vực, các dự án đầu tư phát triển sản xuất lớn, các chương trình, đề án về bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho việc lập, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh.

Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; phân công các cấp, các ngành trong tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện; tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2004 - 2018.

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2004-2018 tăng 12,8%/năm, giai đoạn 2004-2008 là 10,73%, giai đoạn 2009-2013 là 7,9%, giai đoạn 2014 đến nay là 20,13%; trong đó năm 2015 tăng cao nhất là 33,2%.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Năm 2018, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 57,2%; khu vực dịch vụ chiếm 31,9%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 10,9%.

- GRDP bình quân đầu người tăng từ 5,9 triệu đồng năm 2004 lên 77,7 triệu đồng năm 2018 (gấp 13 lần); tương đương 3.370 USD/người/năm (mục tiêu đến năm 2020 theo Nghị quyết 37-NQ/TW là 2.000 USD/người/năm).

- Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 25.066,2 triệu USD, gấp 857 lần năm 2004; là tỉnh đứng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 10,2% vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2018 đạt 15.023 tỷ đồng (gấp 34,7 lần năm 2004), tăng bình quân trên 26,3%/năm.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2018 đạt 55.188 tỷ đồng (gấp 15,7 lần năm 2004).

- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2018 là 88 xã, dự ước đến hết năm 2019 có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 101 xã (về trước 01 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX).

- Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác về cơ bản đều hoàn thành và vượt kế hoạch giao hàng năm và kế hoạch 5 năm.

Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém như: Chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; ngân sách dành cho đầu tư chưa đáp ứng được các nhu cầu triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, công trình trọng điểm; sản xuất nông nghiệp phát triển chưa thật sự bền vững.

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đề ra mục tiêu đến năm 2030: Phấn đấu Thái Nguyên là tỉnh công nghiệp phát triển, là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc với nền kinh tế hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao;  tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn mức bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 265 triệu đồng (theo giá thực tế). Cơ cấu kinh tế năm 2030: Công nghiệp - Xây dựng - Dịch vụ chiếm trên 90%.

Tạo lập môi trường để kinh tế tư nhân “khởi nghiệp” và phát triển

Phát biểu chỉ đạo, thay mặt Ban chỉ đạo Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu, có trách nhiệm của tỉnh.

Trưởng Ban chỉ đạo cũng bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao về các kết quả tỉnh Thái Nguyên đạt được trong giai đoạn triển khai thực hiện Nghị quyết 37.

Đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; việc triển khai bài bản của UBND tỉnh trong thực hiện Nghị quyết thể hiện trong một số nội dung như: Chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; công tác quy hoạch đồng bộ, bài bản; chính sách liên kết vùng được triển khai trong phát triển hạ tầng, du lịch, bảo vệ môi trường; chính sách phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, bố trí lại dân cư, xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, cũng gợi mở một số vấn đề để Tỉnh ủy Thái Nguyên tiếp tục đánh giá và bổ sung vào phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn tiếp theo: Cần đánh giá sâu sắc vị trí, vai trò, chức năng của tỉnh với tư cách là “cực tăng trưởng” của vùng, làm rõ hơn quy mô của khu vực FDI trong quy mô nền kinh tế của tỉnh, sự phát triển của kinh tế tư nhân và việc tạo lập môi trường để kinh tế tư nhân “khởi nghiệp” và phát triển trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Cần xác định các ngành chủ lực, các sản phẩm chủ lục (đột phá và mũi nhọn); đồng thời cần nhấn mạnh hơn về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất. Mạnh dạn đề xuất trở thành trung tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của vùng trên cơ sở lấy Đại học Thái Nguyên làm trụ cột.

Cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Tỏ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: Nghị quyết số 37 và Kết luận số 26 của Bộ Chính trị đã thực sự đi vào cuộc sống và trở thành một chủ trương lớn, một định hướng mang tầm chiến lược, một động lực quan trọng làm thay đổi nhiều về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đổi mới theo hướng tích cực. Thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần thống nhất cao về nhận thức xác định địa bàn vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong đó có tỉnh Thái Nguyên có vị trí chiến lược, cần có sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu trong toàn đảng bộ. Huy động tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh; tập trung nguồn lực đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách; các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội.

Nâng cao năng lực quản lý, điều hành xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy lợi thế địa bàn, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khép kín, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc.

Nhân dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tặng Bằng khen cho 23 tập thể, 10 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 37.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm