Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sau “cái cay” của hành, tới “vị chát” của ổi

Thứ ba, 19/05/2015 - 11:09

(Thanh tra) - Những ngày này ở Sóc Trăng, trong khi hàng ngàn hộ dân trồng hành tím tại thị xã Vĩnh Châu như “đang ngồi trên đống lửa” vì giá hành tuột dốc, thì ở huyện Kế Sách người dân trồng ổi cũng “ngày đêm đứt ruột” khi vườn ổi vào kỳ thu hoạch, nhưng đang tuột giá thê thảm…

Hành tím Vĩnh Châu và ổi Kế Sách đang tuột giá và ế ẩm. Ảnh: Trúc Lâm

Nước mắt cay xè của người trồng hành

Trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, dọc theo đường Nam sông Hậu, rất nhiều hộ dân trồng hành tím chất hành thành đống. Nhiều người đi qua ghé hỏi mua nhưng “trả giá quá bèo” chỉ từ 2.800 đồng đến 3.000 đồng/kg, giá lỗ khoảng 3.000 đồng/kg “nên chúng tôi không bán mà trữ lại để hi vọng chờ giá lên” mới có lời, ông Châu Tấn Thêm ở phường 2 cho biết.

Tương tự, các ông Lai Kim Tuyền, ông Thạch Kim Thol… cũng khổ sở vì thu hoạch hành xong, kêu thương lái mua họ trả giá 4.000 đồng/kg nên không thể bán được bởi bán giá này cầm chắc lỗ từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng/công hành.

Xác nhận về điều này, ông Triệu Liêng ở phường Vĩnh Phước ngậm ngùi: “Bị nợ bao vây nên khi thu hoạch xong tôi phải bán hết để có tiền trang trải, ở đây đã có nhiều hộ vì thua lỗ đã phải bỏ đi nơi khác” làm mướn.

Theo tính toán mỗi công đất hành tím, nông dân phải đầu tư giống, cày xới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… khoảng 15 triệu đồng, nhưng với giá bán hiện tại nông dân coi như trắng tay, thậm chí còn mang nợ.

Để tiêu thụ, nhiều người phải chở hành ra chợ, hoặc đi lên thành phố Sóc Trăng, hay sang các địa phương khác bán lẻ, giá 6.000 đồng đến 7.000 đồng/kg.

Ông Trần Thanh Sang tại phường I thị xã Vĩnh Châu than thở: “Điệp khúc được mùa mất giá cứ đeo bám người trồng hành, khiến chúng tôi không thể ngóc đầu lên được”. Theo ông Sang, cứ đến vụ thu hoạch rộ thì giá hành tím nơi đây lại mất giá thê thảm, một số hộ có điều kiện trữ lại chờ giá, còn đa phần phải bán tháo, bán chạy dù biết chắc sẽ lỗ.

Được biết, ở vụ hành sớm sau Tết Nguyên đán, thương lái vào tận ruộng mua với giá 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. Nhưng khi bước vào thu hoạch chính vụ giá hành rớt mạnh, còn chưa tới 5.000 đồng, thậm chí loại củ nhỏ chỉ 4.000 đồng/kg, khiến người trồng lỗ nặng.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, những năm trước diện tích hành tím có lúc lên trên 6.100 ha, trong đó 70% sản lượng xuất khẩu sang Indonesia. Nhưng hiện nhà nhập khẩu ngưng nhận hàng, nên giá hành tuột dốc mạnh, một số doanh nghiệp thu mua tại chỗ, không có cách nào giải quyết lượng hành tồn quá lớn. Để giải cứu nông sản, các doanh nghiệp đang đưa vào bán tại hệ thống siêu thị, hy vọng sẽ cải thiện hơn. Trưởng phòng Kinh tế thị xã Lê Minh Trường cho biết “hành tím được xem là đặc sản” mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng nghìn hộ dân từ bao nhiêu năm, nhưng “hiện giá liên tục giảm” khiến đời sống của người dân lâm vào khó khăn.

Cũng theo ông Trường, vụ hành năm nay nông dân Vĩnh Châu trồng khoảng 5.300ha, giảm trên 1.000ha so với năm ngoái, sản lượng hành đạt khoảng 100.000 tấn. Trừ khoảng 20% hành giống cho vụ sau, hiện còn khoảng 50.000 tấn chưa bán được. Trong khi đó, giải thích về tình trạng này thương lái cho rằng “hành mua về phải thuê người” làm sạch và cột chùm, nên mua giá cao sẽ không có lãi.

Trước tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết: “Lãnh đạo tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kết nối với các bộ, ngành Trung ương và khu vực cùng các doanh nghiệp để tiêu thụ hành tím cho nông dân Vĩnh Châu.

Tỉnh đoàn Sóc Trăng đã phát động mọi người chung tay giúp nhà nông tiêu thụ hành tím với phương châm “Mỗi đoàn viên một tấm lòng”. Anh Nguyễn Thành Duy, Phó bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Đang ưu tiên thu gom hành tím từ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo trước để “giúp các hộ dân có thể mau chóng vượt qua khó khăn”, sau đó tùy tình hình thị trường mà tiếp tục thu gom sang các đối tượng khác.

Nếu như ở thị xã Vĩnh Châu, người nông dân đang cay xè nước mắt với hành tím, thì tại huyện Kế Sách những ngày gần đây, hàng ngàn hộ dân trồng ổi cũng đang ngày đêm “đứt ruột” khi vườn ổi đang kỳ thu hoạch, nhưng đang từng ngày từng giờ “tuột giá” từ 10.000 đồng xuống còn 500 đồng/kg. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kế Sách Vũ Bá Quan cho biết: Hiện toàn huyện có trên 1.000ha ổi đang vào vụ thu hoạch, nhưng do “giá rớt thê thảm” nên nhiều nhà vườn chán nản “cố gắng cầm cự” thêm ít ngày, nếu giá không lên có khả năng bà con sẽ chặt bỏ”.

Cây ổi có ở Kế Sách cách đây khoảng 5 - 6 năm, thời điểm đó giá ổi từ 9.000 đồng đến 10.000 đồng/kg, thậm chí có khi lên tới 14.000 đồng/kg, mỗi ha cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 20 - 25 triệu, nhà ông còn lời từ 75 - 80 triệu/ha. Chính vì thu lợi cao, nên nhiều hộ nông dân đã chặt vườn cây ăn trái như cam, nhãn, xoài,  thậm chí có nhiều nhà còn phá ruộng lúa để lên liếp trồng ổi. Từ phong trào “nhà nhà trồng ổi, người người trồng ổi” nên từ chỗ chỉ vài trăm ha nay đã lên tới hơn 1.000 ha ổi ở hầu hết các xã của huyện Kế Sách, trong đó tập trung nhiều ở các xã Thới An Hội, Ba Trinh, Trinh Phú, An Lạc Tây, Kế An… khiến “ổi dội thị trường” khắp nơi.

Dẫn tôi ra thăm vườn ổi của mình, ông Nguyễn Ngọc Tặng ở xã Thới An Hội cho biết: “Ổi là loại cây sễ trồng, sau khi cây cho thu hoạch cứ bón phân, tưới nước đều là cho trái đợt tiếp theo. Tôi trồng 400 gốc ổi cách đây 4 năm, mỗi năm thu hoạch 40 lần với trên 10 tấn ổi, trừ chi phí còn lời ít nhất cũng được 85 triệu đồng. Hiện nay bán giá 500 đồng/kg, lỗ 1.000 đồng/kg, “nếu kéo dài tình trạng này, chỉ vài tháng nữa tôi phải chặt bỏ vườn ổi thôi”, ông Tặng buồn bã.

Ở xã An Lạc Tây, ông Nguyễn Quốc Bảo mới trồng 8 công ổi, thu hoạch được khoảng 20 đợt với khoảng 1 tấn trái. Lúc đầu ông bán với 5.000 đồng/kg cũng lời 3,5 triệu đồng, còn bây giờ giá xuống 500 đồng/kg nên vợ chồng ông “không thu hoạch nữa, bởi tiền bán ổi không đủ trả tiền nhân công” và vận chuyển.

Cùng xã An Lạc Tây, ông Nguyễn Văn Tâm trồng 5 công ổi thu hoạch được khoảng 1 năm, hồi đầu “tôi bán từ 6.000 - 7.000 đồng/kg còn lời kha khá, bây giờ chỉ còn 500 đồng/kg nhưng thương lái vẫn không muốn mua” nên lỗ nặng.

Lý giải tình trạng cung vượt quá cầu, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách phân tích: Lúc đầu, chỉ có một ít hộ ở xã Nhơn Mỹ trồng với diện tích không nhiều nên vừa trúng mùa vừa được giá nên bà con lời nhiều. Khi thấy những hộ này làm giàu từ cây ổi, nhiều hộ khác ở nhiều địa phương trong huyện cũng đổ xô trồng ổi. Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo bà con cây ổi chỉ là cây trồng ngắn hạn, tạm thời trước mắt chứ không phải là cây chủ lực, không phải loại cây lâu dài, nếu đổ xô trồng sẽ dẩn đến tình trạng cung vượt quá cầu thì lỗ nặng nhưng bà con vẫn trồng. “Sau dưa hấu ở miền Trung, hành tím ở Vĩnh Châu, bây giờ đến lượt người nông dân trồng ổi ở Kế Sách lâm vào tình trạng ế ẩm. Ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương đang tìm lối thoát cho cây ổi, bởi không giống hành tím dù sao cũng có thời gian để được khá lâu trong nhà, còn cây ổi chỉ là loại trái ăn chơi, không để lâu được” - ông Quan chia sẻ.

Cũng theo ông Quan, muốn giúp nhà nông “tránh khỏi tình trạng” cung vượt cầu, các nhà khoa học và quản lý cần giúp nhà nông lựa chọn cây trồng, chú trọng công tác lưu trữ bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó bà con nông dân cũng cần tính toán, nếu cứ tự phát “trồng theo kiểu phong trào” thì sẽ dẫn tới tình trạng “được mùa rớt giá” và điệp khúc trồng, chặt lại tiếp tục tái diễn.

Trúc Xuân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm