Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

PV Power Cà Mau nỗ lực vượt “khủng hoảng kép”

Ban Mai

Thứ năm, 05/11/2020 - 14:29

(Thanh tra)- Chia sẻ về các giải pháp vượt “khủng hoảng kép” do giá dầu giảm và dịch bệnh Covid-19, ông Đoàn Công Đức, Giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau (PV Power Ca Mau) cho rằng, chúng ta cần phải làm rõ các vấn đề mình đang phải đối mặt để đồng sức, chung lòng, phối hợp hài hòa, động viên nhau vượt qua thách thức, vì sự ổn định, phát triển của PV Power nói chung và PV Power Ca Mau.

Ông Đoàn Công Đức, Giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau

+ Xin ông chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh của đơn vị trong giai đoạn khủng hoảng bởi dịch covid-19?

- Ông Đoàn Công Đức, Giám đốc PV Power Ca Mau: Từ đầu tháng 3/2020 đến nay, cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài nền kinh tế toàn cầu suy thoái, đình trệ, giá dầu thế giới lao dốc; các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty trong chuỗi cung ứng toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, PV Power Ca Mau là Chi nhánh của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang quản lý, vận hành 2 nhà máy điện khí với tổng công suất 1.500MW cũng không ngoại lệ, đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể:

Thứ nhất là : Do dịch covid-19, kinh tế - xã hội phát triển chậm, kéo theo đó sản xuất tiêu dùng cũng giảm theo. Nhu cầu sử dụng điện giảm mạnh trong thời gian giãn cách xã hội. Do đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)/A0 cũng giảm huy động nhà máy điện Cà Mau 1&2. Ước tổng sản lượng điện sản xuất trong năm 2020 là 6,46 tỷ kWh, bằng 92% kế hoạch (7,04 tỷ kWh); Tổng doanh thu ước đạt 9.010 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch (12.549 tỷ đồng). Nguyên nhân doanh thu không đạt kế hoạch là do sản lượng điện thấp hơn kế hoạch 8% và giá khí thực hiện bằng 62% giá khí kế hoạch (4,88 USD/Tr.BTU/7,925 USD/Tr.BTU (Giá khí phụ thuộc vào giá dầu)).      

Thứ hai là: Tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng của các Hợp đồng mua sắm vật tư xử lý bất thường 2 nhà máy; các công trình xây dựng, sửa chữa trong năm 2020 cũng bị chậm tiến độ, một số công trình phải ngừng hoặc giãn tiến độ....

Thứ ba là: Việc huy động nhân sự nước ngoài (Siemens) tham gia công tác Tiểu tu Nhà máy Điện Cà Mau 1&2 trong năm 2020 và công tác Đại tu nhà máy điện Cà Mau 1 năm 2021 rất khó khăn, phát sinh nhiều chi phí liên quan do công tác cách ly theo quy định Chính phủ Việt Nam.

Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2

+ Với những khó khăn đã được nhận diện rất rõ thì Ban lãnh đạo Công ty đã đề ra các giải pháp như thế nào để vượt qua cuộc “khủng hoảng kép” này?

- Ông Đoàn Công Đức, Giám đốc PV Power Ca Mau: Với những khó khăn được nêu, các hoạt động của nhà quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh vượt “khủng hoảng kép” do giá dầu giảm và dịch bệnh Covid-19, đã nhận dạng tình hình của mình, làm rõ các vấn đề mình đang phải đối mặt để đồng sức, chung lòng, phối hợp hài hòa động viên nhau để vượt qua thách thức, vì sự ổn định, phát triển của PV Power nói chung và PV Power Ca Mau nói riêng.

Một là: Tiếp tục duy trì, tăng cường công tác kiểm soát an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, Ngành, Chính quyền địa phương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đối với cán bộ, người lao động cũng như nhân sự của các đơn vị nhà thầu.

Hai là: Phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan (EVN/A0/EPTC, PVGAS, PVCFC) lập phương thức vận hành tối ưu các tổ máy, đảm bảo khai thác hiệu quả hai nhà máy theo khả năng cấp khí, cung cấp điện ổn định và liên tục cho Hệ thống điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sẵn sàng tham gia thị trường phát điện cạnh tranh trong năm 2021.

Ba là: Quản trị chi phí, giá thành sản xuất: giảm suất hao nhiên liệu trong cơ cấu giá thành sản xuất điện; tiết kiệm hóa chất công nghiệp và nước công nghiệp; tiết kiệm điện hữu công, tiết kiệm chi phí quản lý và các chi phí khác,…

Bốn là: Tối ưu hóa lực lượng lao động; xây dựng lại định mức lao động hợp lý, quản lý, sử dụng lao động hiệu quả, trả lương theo vị trí công việc, thành tích, năng lực công tác nhằm từng bước nâng cao năng suất lao động.

+ Để ổn định được mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời điểm dịch Covid-19, công ty đã triển khai các giải pháp như thế nào, thưa ông?

- Ông Đoàn Công Đức, Giám đốc PV Power Ca Mau: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay, đơn vị đã chủ động phòng ngừa, giảm sự lây lan, ngăn chặn dịch bệnh luôn bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đồng thời vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Để ổn định được mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị đã tập trung thực hiện tốt các phần việc như:

Thực hiện in các hình ảnh trực quan, thông báo hướng dẫn phòng chống dịch bệnh Covid-19 được dán tại những khu vực người lao động dễ quan sát; tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đến từng cán bộ, người lao động và các nhà thầu đang làm việc tại 2 nhà máy điện Cà Mau 1&2. Thường xuyên trao đổi thông tin với trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh từ cổng thông tin của Bộ y tế để cập nhật ứng phó dịch bệnh một cách kịp thời. Cập nhật và báo cáo cho chính quyền địa phương, danh sách nhân viên nhà thầu từ các tỉnh, thành phố đến Công ty làm việc.

Người lao động của PV Power Cà Mau luôn nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh Covid-19; xây dựng phương án ứng phó tình huống dịch bệnh; xây dựng Quy trình vệ sinh khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện phun khử khuẩn hàng ngày tại nơi làm việc, khu bếp ăn tập thể và khu nhà ở của cán bộ, người lao động.

Phân công lực lượng bảo vệ trực tại cổng ra vào Nhà máy kiểm tra sàng lọc sức khỏe người lao động có biểu hiện sốt, ho, khó thở để báo cáo nhanh cho Ban Chỉ huy phòng chống dịch, có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, để đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, Công ty đã xây dựng “Phương án thiết lập khu vực an toàn phòng tránh dịch Covid-19” và ban hành hướng dẫn cách ly tạm thời, nhằm cách ly hoàn toàn lực lượng trực tiếp vận hành thiết bị với người lao động làm công tác văn phòng trong thời gian dịch bệnh lan rộng.

Mua sắm và cấp phát kịp thời trang thiết bị dụng cụ phòng chống dịch cho người lao động như: nhiệt kế hồng ngoại, khẩu trang, xà phòng, dung dịch sát khuẩn chứa cồn, mũ chống dịch, quần áo chống dịch, thuốc phun khử khuẩn….

Triển khai đến người lao động và người thân đăng ký số điện thoại sử dụng, cài đặt phần mềm (Bluezone) có tính năng giám sát hành trình để giám sát hành trình; thực hiện khai báo online hàng ngày trên hệ thống khai báo y tế của đơn vị và phân công nhân viên Y tế tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xử lý kịp thời.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm