Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Ông lớn” TKV, Vietnam Airlines than khó vì dịch Covid-19

Thứ năm, 20/02/2020 - 20:03

(Thanh tra)- Nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty ngành than, khoáng sản, vận chuyển… đang chịu ảnh hưởng rất lớn vì dịch Covid-19.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hương Giang

Sáng 20/2, Tổ công tác của Thủ tướng do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục chủ trì có buổi làm việc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng giao cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng Công ty.

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, cơ quan này đã hoàn thành 156/185 nhiệm vụ (đạt tỷ lệ 84,3%) do Chính phủ, Thủ tướng giao; 27 nhiệm vụ khác đang xử lý.

Lo lắng “khủng hoảng sẽ kéo dài”

Tại đây, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các Tập đoàn, Tổng Công ty cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ được giao.

Đề cập đến dịch bệnh Covid-19 và hoạt động ngành than, khoáng sản, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, Tập đoàn đang đối mặt với khó khăn.

Theo ông Chuẩn, than, khoáng sản phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Năm 2019, Trung Quốc sản xuất 3,7 tỷ tấn than, nhập khẩu 300 triệu tấn, tăng 200 triệu tấn so với 2018. Nhưng sau khi có dịch Covid-19, thị trường Trung Quốc chững lại.

“Chúng tôi đang rất lo lắng”, Chủ tịch HĐTV TKV nói, tại các dự án của ngành than có 500 lao động người Trung Quốc làm việc. Do dịch nên số lao động này chưa sang Việt Nam. Ông Chuẩn cho biết, TKV đã xây dựng các kịch bản ứng phó, kể cả kịch bản xấu nhất, dù vậy “Tập đoàn đang gặp khó khăn vì gặp tác động của dịch Covid-19”.

Với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cho hay, Tổng Công ty cũng đang đối mặt với khủng hoảng vì dịch Covid -19.

Theo ông Minh, lượng khách đi nước ngoài từ Việt Nam so với cùng kỳ giảm 50%, khách đi trong nước cũng giảm gần 50%. Đáng chú ý, các khu vực thị trường Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong lao dốc rất mạnh, giảm 80-100%.

Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết, lãnh đạo Tổng Công ty đã có nhiều buổi làm việc, đang hoàn tất để trình các định hướng lớn cho thời kỳ khủng hoảng trong 3-4 tháng tới đây.

"Khủng hoảng sẽ kéo dài, có thể đến hết tháng 5, hy vọng là thế. Với tình huống này, việc cắt giảm quy mô sản xuất, nhất là quy mô sản xuất lớn thì chúng ta phải triển khai. Cùng với đó, là tái cấu trúc lại nguồn lực", Chủ tịch Vietnam Airlines nhấn mạnh và cho biết, đã xây dựng các kịch bản ứng phó.

Ông Minh kiến nghị, Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành và Cục Hàng không giảm 50% phí hạ, cất cánh, điều hành bay trong thời gian dịch bệnh đối với các hãng hàng không Việt Nam; miễn, hoặc giãn thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu tàu bay.

Không có bảo lãnh của Chính phủ, nhà đầu tư không “mặn mà”

Vấn đề khó nữa được các tập đoàn, lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề cập đến là việc xác định phương án sử dụng đất/sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trong quá trình cổ phần hoá.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, do không có hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục và nội dung của phương án sử dụng đất nên phải “vận dụng” Nghị định 167/2017 để thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Thế nhưng, ngay cả “vận dụng” Nghị định 167 cũng vướng. Theo bà Hà, thực tế rà soát nhà, đất và các tài sản công trên đất tại các doanh nghiệp đang được triển khai với tất cả cơ sở nhà, tài sản trên đất của doanh nghiệp.

“Việc đưa cả nhà, tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp vào rà soát, sắp xếp, lập phương án sử dụng không chỉ làm chậm tiến độ mà còn không phù hợp với phạm vi của Nghị định 167”, bà Hà nói.

Từ thực tế của Tập đoàn TKV, ông Chuẩn cho rằng đây là vấn đề “rất vướng”, nhất là khi xác định giá trị đất đai phải tính cả giá trị văn hoá, lịch sử.

“Chúng tôi thuê tư vấn, anh nói giá trị này 1%, anh khác nói 2%. Nhưng 1-2% có đúng không? Mình thực hiện 1-2% sau một vài năm quay lại bảo tính như thế chưa ổn thì lại là sai, nên rất khó khăn”, Chủ tịch HĐTV TKV nêu và đề nghị Tổ Công tác báo cáo Thủ tướng chỉ đạo có hướng dẫn xác định giá trị, phương án sử dụng đất đai sau cổ phần hoá.

Ông Chuẩn cũng cho hay, Tập đoàn đang rất khó khăn trong vấn đề thu xếp vốn để thực hiện các dự án nhiệt điện mà Chính phủ giao.

“Không có bảo lãnh của Chỉnh phủ, rồi phải chuyển đổi ngoại tệ khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thì không có nhà đầu tư nào quan tâm dù dự án có tổng mức đầu tư nhỏ như Na Dương II chỉ 169 triệu USD. Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I cũng không có nhà đầu tư nào quan tâm. Chúng tôi liên hệ với 9 ngân hàng thì cũng không có ai mặn mà”, ông Chuẩn nói.

Vì vậy, ông Chuẩn đề nghị Chính phủ xem xét có cơ chế đặc thù với các dự án nhiệt điện, nhất là tiếp cận nguồn vốn. “Chúng tôi đã đàm phán, trao đổi với doanh nghiệp trong nước thì họ nói không có đủ năng lực tham gia dự án trên 2 tỷ USD. Tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài khi chúng ta không có bảo lãnh thì người ta không mặn mà”, Chủ tịch HĐTV TKV trình bày khó khăn.

Chủ tịch Vietnam Airlines cũng cho biết, Tổng Công ty cũng gặp nhiều khó khăn trong trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt cho các dự án đang đầu tư. Theo ông, có những dự án phải chờ từ cấp địa phương như Sở Kế hoạch Đầu tư, UBND tỉnh, thành phố đến 2 năm vẫn chưa trình lên được Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Trước những vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nhấn mạnh, tới đây Uỷ ban sẽ ngồi lại với các Tập đoàn, Tổng Công ty rà soát những khó khăn để giải quyết. Ông Hoàng Anh còn cho rằng, trách nhiệm của Uỷ ban đang vượt quá quyền hạn, nên mong muốn Tổ Công tác báo cáo Thủ tướng để tháo gỡ.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục cho biết, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng Công ty. Về các kiến nghị, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 3 chưa có vốn, ngành đường sắt phải dừng chạy tàu

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã chuyển giao về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, không còn là đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Vì vậy, gặp vướng cơ chế, chính sách về giao ngân sách để thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

“Đến hôm nay, VNR vẫn chưa nhận được dự toán và trên 1 vạn con người không có tiền lương. Như thế chỉ có thể dừng tàu thôi. Nếu dừng tàu thì ảnh hưởng đến cả hoạt động sản xuất kinh doanh, cả an sinh, nhưng cho chạy tàu thì trái luật”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR cho hay.

Chủ tịch HĐTV VNR cho biết, để tiếp tục chạy tàu, ông phải ra văn bản để “nếu có sai thì mình chịu chứ không để anh em chịu”. Tổng Công ty cũng phải tạm ứng cho các công ty thành viên để thực hiện tuần đường, gác chắn, duy tu, bảo trì... Theo ông, việc cho vay này cũng sai vì Tổng Công ty không có chức năng cho vay.

“Khó khăn này cực kỳ cấp bách rồi”, ông Minh nói và đề nghị, Tổ Công tác báo cáo Thủ tướng để có cách tháo gỡ. Nếu đến đầu tháng 3 vẫn không có vốn, VNR buộc phải báo cáo Chính phủ cho dừng chạy tàu.

Với vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng có thể báo cáo Chính phủ, Thủ tướng gỡ khó bằng một nghị quyết của Chính phủ. Còn đợi đến khi sửa luật thì không biết ngành Đường sắt sẽ đi về đâu.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024
Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm