00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP ra thị trường

Thứ ba, 23/03/2021 - 06:00

(THanh tra) - Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp với nhiều thương hiệu nông sản hàng hóa từ lâu được người tiêu dùng tín nhiệm như: mắm tôm chà Gò Công, mắm còng Tân Phú Đông, mắm tôm chua Gò Công, xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè), sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy), sản phẩm tiểu thủ công xuất khẩu vùng Đồng Tháp Mười (Tân Phước),…

Mắm Gò Công – sản phẩm đạt OCOP (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí

Tiền Giang có lợi thế rất lớn phát triển nông sản chủ lực, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, mở mang ngành nghề, đưa nông nghiệp - nông dân - nông thôn phát triển và hội nhập bền vững.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập, đó cũng là một trong những định hướng mang tính chiến lược khi tỉnh triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, địa phương đã công nhận 29 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó, gồm 19 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao và 10 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Theo ông Võ Văn Lập, thực tế cho thấy, Chương trình OCOP đã tạo hiệu quả tích cực, phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống Tiền Giang và góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương thông qua định hình những sản phẩm chất lượng, đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, thiết thực thay đổi tập quán sản xuất, khơi dậy và phát huy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân không chỉ trên lĩnh vực khôi phục và phát huy ngành nghề truyền thống làm giàu mà hơn thế hướng bà con đến nền kinh tế thị trường, hàng hóa, mở mang sản xuất khu vực nông thôn.

Sau khi được đánh giá, xếp hạng, sản phẩm OCOP tiêu biểu của Tiền Giang mở rộng thị trường, được các đơn vị bán lẻ có uy tín, các siêu thị hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Doanh thu các chủ thể OCOP tăng khá, thương hiệu khẳng định trên thị trường.

Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK Châu Minh Hải cho biết, doanh nghiệp có sản phẩm gạo VD 20 – đặc sản Gò Công được công nhận đạt OCOP cấp tỉnh, hạng 4 sao. Sản phẩm này còn lọt vào top 9 loại gạo thơm đạt chuẩn xuất khẩu sang châu Âu của cả nước. Theo ông Châu Minh Hải, nhờ đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, hạng 4 sao, gạo VD 20 – đặc sản Gò Công thuận lợi khi đi vào thị trường châu Âu, là động lực để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất gắn với tiêu thụ, chiếm lĩnh thị trường.

Sau khi đạt chứng nhận OCOP, doanh nghiệp hướng tới kế hoạch dài hơi xây dựng cánh đồng lúa sạch giống VD 20 – đặc sản Gò Công, sản xuất theo qui trình hữu cơ đảm bảo an toàn, truy xuất nguồn gốc nhằm tạo vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu xuất sang thị trường châu Âu.

Cơ sở sản xuất mắm “Bà Hai Diễm” tại ấp Ông Non, xã Tân Trung, thị xã Gò Công có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm: mắm tôm chua, mắm cá cơm, mắm ruốc. Chủ cơ sở Nguyễn Thị Diễm cho biết, đây là điều kiện thuận lợi để cơ sở khuyếch trương thương hiệu, phát huy nghề truyền thống làm mắm cha truyền con nối nổi tiếng vùng Gò Công. Hiện nay, cơ sở tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng thành lập tổ hợp tác ngành nghề và tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các sản phẩm mắm đặc sản Gò Công và mở rộng thị trường tiêu thụ trên cả nước.

Tiền Giang đã biên soạn và in phát 20.000 tờ gấp tuyên truyền về các nội dung của chương trình OCOP, đồng thời đào tạo, tập huấn các nội dung liên quan đến xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, quy trình đăng ký, lập hồ sơ, biểu mẫu đánh giá công nhận sản phẩm OCOP… cho trên 400 lượt cán bộ phụ trách chương trình và một số chủ thể sản xuất có thể phát triển sản phẩm OCOP.

Tỉnh còn hỗ trợ mỗi sản phẩm đạt OCOP từ 3 đến 4 sao 5.000 tem dán sản phẩm; giúp trưng bày, tham gia tại các hội chợ trong ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại. Năm qua, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng các ngành hữu quan mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua khai trương các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng tỉnh Tiền Giang tại thành phố Mỹ Tho.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, địa phương hướng đến mục tiêu phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục triển khai có hiệu quả và đồng bộ Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở. Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tích cực tham gia Chương trình OCOP gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Qua đó, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trọng điểm về nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm và phát triển bền vững, đưa khu vực nông thôn tiến nhanh trên đà đô thị hóa. Trọng tâm tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh một cách rộng rãi, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP đến với thị trường, chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đúc kết kinh nghiệm từ các tổ chức kinh tế tập thể, hộ sản xuất phát triển thành công sản phẩm OCOP thời gian qua, Tiền Giang tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, tiềm năng của từng địa phương, đơn vị để đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm khi tham gia thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn Chương trình OCOP.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 200 sản phẩm đạt OCOP; trong đó có 100 sản phẩm đạt 3 sao, 90 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 5 sao. Các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu nhất thiết phải có sản phẩm OCOP. Đối với phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, địa phương sẽ tiêu chuẩn hóa từ 5 - 7 điểm du lịch công đồng đạt từ 3 đến 4 sao, đồng thời tổ chức 10 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Trước mắt, nhằm phát triển sản phẩm gạo VD 20 – đặc sản Gò Công đạt OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo VD 20 – đặc sản Gò Công (giai đoạn 2021 – 2025) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK tổng kinh phí đầu tư trên 7,67 tỷ đồng; trong đó vốn đối ứng của doanh nghiệp trên 2,63 tỷ đồng, vốn nhân dân trên 3,22 tỷ đồng, còn lại hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, tỉnh yêu cầu các chủ thể đạt OCOP tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các nội dung nâng cấp sao sản phẩm gắn với phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP Tiền Giang.

Thời gian tới, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành hữu quan tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy vai trò, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Đặc biệt chú trọng hỗ trợ các cơ sở đạt chứng nhận OCOP tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, liên kết đưa sản phẩm vào các hệ thống bán lẻ phục vụ rộng rãi người tiêu dùng như: Siêu thị, chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh...

Trong năm 2021, các đơn vị dựng bộ Cẩm nang sản phẩm OCOP Tiền Giang cũng như mở thêm nhiều điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP của tỉnh trên địa bàn các huyện, thành, thị, các trung tâm thương mại và chợ đầu mối...

Minh Trí

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm