Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngang nhiên… móc túi?

Chủ nhật, 20/10/2013 - 08:06

(Thanh tra) - Từ 16/10, giá cước 3G (truy cập internet bằng các thiết bị di động) tăng cao nhất hơn 40% so với giá cước hiện tại. Thông báo từ Viettel, MobiFone và Vinaphone mấy ngày qua đang là tâm điểm của dư luận, khi mà hiện cả nước có gần 20 triệu khách hàng sử dụng 3G.

Làm một phép tính đơn giản (nếu có  khoảng một nửa trong số gần 20 triệu thuê bao 3G sử dụng gói cước không giới hạn), thì với việc tăng thêm 20.000 đồng/tháng/thuê bao như vậy, 3 nhà mạng nói trên có thể tăng thêm doanh thu 200 tỷ đồng mỗi tháng, một con số khủng trong mơ cho bất kỳ doanh nghiệp nào đang sản xuất kinh doanh trong buổi thị trường khốn khó như hiện nay.

Việc tăng giá cước lần này của các nhà mạng đã được Cục Viễn thông, Bộ Thông tin - Truyền thông chấp thuận. Tuy nhiên trước đó, cơ quan này cho biết, các nhà mạng sẽ được tăng mức cước trung bình lên 20%, thời điểm tăng do nhà mạng tự quyết định. Thế nhưng, các nhà mạng vẫn tăng vượt giới hạn cho phép hơn gấp đôi mà chưa thấy cơ quan nào nói gì.

Cần nhắc lại là từ đầu tháng 4, các nhà mạng đã một lần tăng giá khoảng 25%. Việc tăng giá này được lý giải là cước 3G tại Việt Nam đang ở mức thấp nhất thế giới, về lâu dài, các nhà mạng sẽ không có lợi nhuận để tái đầu tư. Và lần này với mức tăng giá hơn 40%, vẫn một lý do lập lại.

Thế nhưng, ngày 18/01/2013, Viettel công bố doanh thu cả năm 2012 là hơn 141.000 tỷ đồng, tăng 21% cùng kỳ. Lợi nhuận của doanh nghiệp này có thể đạt khoảng 22.000 - 23.000 tỷ đồng. Doanh thu của MobiFone và VinaPhone năm 2012 cũng được VNPT cho biết doanh thu MobiFone đạt 40.800 tỷ đồng và VinaPhone đạt 25.579 tỷ đồng... 

Đúng là giá cước có rẻ hơn thế giới, nhưng chất lượng cũng chỉ bằng 1/10 của họ thì thử hỏi có còn gọi là rẻ không? Quảng cáo là 8 MB tải xuống nhưng lại không thể xem nổi một đoạn phim thường trên các trang mạng. Chỉ đem so sánh giá mà không nói gì đến chất lượng dịch vụ thì quá coi thường khách hàng. Mặt khác, nếu nói giá cước 3G của Việt Nam hiện đang thấp hơn nhiều nước mà không căn cứ vào tỷ lệ thu nhập bình quân trên đầu người là một so sánh lập lờ, khập khiễng. 

Theo kết quả cuộc khảo sát mức độ hài lòng về dịch vụ 3G tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng được Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen công bố tháng 5/2013, chỉ số hài lòng về dịch vụ 3G năm 2012 giảm xuống 64 trên thang điểm 100 (2011 là 71/100). Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, người dùng hài lòng về độ rộng phủ sóng nhưng chưa hài lòng về tốc độ 3G.

TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định, hiện tượng 3 nhà mạng lớn nhất, chiếm gần 100% thị trường viễn thông cùng lúc tăng giá cước 3G là dấu hiệu của việc bắt tay liên kết thỏa thuận giá dịch vụ. Đây là dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh, cơ quan chức năng như Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương và Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cần nhanh chóng vào cuộc điều tra. Phải làm rõ việc các nhà mạng dựa vào cơ sở nào để tăng giá và liệu có liên kết tăng giá hay không. 

Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, có hai dấu hiệu rõ ràng để đặt nghi vấn về việc thỏa thuận giá trong vụ tăng cước 3G. Đó là cả 3 nhà mạng đang ở vị trí thống lĩnh tăng giá cùng một thời điểm. Vì vậy, Cục Quản lý cạnh tranh phải lập tức yêu cầu các nhà mạng này giải trình, tiến hành điều tra về dấu hiệu thỏa thuận giá dịch vụ. 

Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin - Truyền thông, tính đến tháng 7/2013 Việt Nam có tổng cộng hơn 16 triệu thuê bao 3G (có phát sinh lưu lượng sử dụng). Trong đó thuê bao sử dụng 3G trên điện thoại chiếm đa số với hơn 12,75 triệu thuê bao. Thị phần 3G của các nhà mạng: MobiFone là 38,1%, Viettel 30,7%, Vinaphone 28,5%, còn lại của Vietnamobile. 

Căn cứ theo Luật Cạnh tranh, MobiFone là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (quy định của luật là trên 30%) và nhóm doanh nghiệp gồm Viettel, MobiFone, Vinaphone hiện đang nắm giữ 97,3% thị phần được coi là nhóm doanh nghiệp nắm vị trí thống lĩnh thị trường (quy định trong luật là 65% trở lên). Trường hợp này cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra doanh nghiệp ấn định giá bán bất hợp lý thì phải xử lý.

Tính đến nay, chỉ sau một thông báo, tiền trong túi khách hàng nghiễm nhiên đã bị các nhà mạng “thò tay” móc trắng trợn vậy. Người tiêu dùng chỉ phản ứng “yếu ớt” bởi không xài dịch vụ của 3 nhà mạng này thì cũng không biết xài của ai.

Vậy mà chưa nghe cấp có thẩm quyền lên tiếng. Không liệu chừng đây là bản đồng ca của các doanh nghiệp thời độc quyền và lợi ích nhóm…


BTL

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm