Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 21/07/2017 - 17:16
(Thanh tra) - Hiện nay, tại nhiều khu chung cư xảy ra tình trạng cư dân vì bức xúc với một số quy định của chủ đầu tư đã lôi kéo, kích động nhau, giăng băng rôn biểu tình, gây rối, thậm chí còn diễu hành với nội dung bôi nhọ hoạt động của chủ đầu tư.
Các cuộc “nội chiến” giữa cư dân và chủ đầu tư dự án liên tiếp xảy ra cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giá giao dịch nhà chung cư. Ảnh: HT
Cũng có rất nhiều khu dân cư, nhiều người dân đã lập những Fanpage ảo rồi đưa lên đây những thông tin bôi nhọ doanh nghiệp. Thậm chí, trên những Fanpage còn đưa những thông tin sai sự thật làm tổn hại đến hoạt động của doanh nghiệp. Có rất nhiều vụ biểu tình của cư dân đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như hành hung bảo vệ toà nhà, gây rối dẫn đến xô xát...
Trước vấn đề về việc nhiều cư dân đang lựa chọn cho mình phương pháp đấu tranh, khiếu nại không chuẩn xác, phóng viên Báo Thanh tra đã có cuộc trao đổi với lLuật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam để phân tích các góc cạnh của vấn đề. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, khi có vấn đề bức xúc người dân cần lựa chọn cách đấu tranh văn minh, hợp pháp để tránh gây ra những hệ luỵ không cần thiết.
+ Thưa luật sư Hậu, việc biểu tình của cư dân với những nội dung bôi nhọ danh dự chủ đầu tư như vậy là có đúng hay không?
- Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có bất cứ văn bản nào hướng dẫn việc thực hiện quyền biểu tình của công dân.
Đối với thông tin cho rằng cư dân tập trung biểu tình để phản đối một số quy định của chủ đầu tư; ngoài ra còn lôi kéo, kích động nhau kéo băng rôn biểu tình, gây rối, thậm chí còn diễu hành với nội dung bôi nhọ danh dự và hoạt động của chủ đầu tư thì cần có thêm các chứng cứ và kết quả điều tra của cơ quan có thẩm quyền mới có thể kết luận là đúng hay sai.
Về nguyên tắc, Bộ luật Dân sự 2015 cho phép khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ khác. Việc tự bảo vệ quyền dân sự phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Ở đây, thông tin chưa đủ cơ sở để đánh giá sơ bộ rằng chủ đầu tư có vi phạm hay không, và những lời lẽ tố cáo của cư dân có đúng sự thật hay không. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu cư dân tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng; lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức; viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu - 3 triệu đồng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
+ Hoạt động tự phát, tự rủ nhau biểu tình như vậy sẽ không có hiệu quả. Vậy khi có những tranh chấp, khiếu nại, cư dân ở các khu chung cư nên làm gì và liên hệ với các cơ quan nào? Cư dân có thể mời văn phòng luật sư để đại diện pháp lý cho mình hay không?
- Liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về nhà ở, Điều 177 Luật Nhà ở 2014 quy định khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp về nhà ở thông qua hòa giải. Trường hợp các bên không thể thương lượng, hòa giải được thì Tòa án nhân dân sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân, tranh chấp liên quan đến hợp đồng về nhà ở, hợp đồng quản lý vận hành nhà chung cư.
Đối với tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở đó giải quyết; trường hợp không đồng ý với quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. Như vậy, cần xác định được cụ thể loại tranh chấp để cư dân có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và cư dân có quyền mời/ thuê luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
+ Với hành vi lập Fanpage đưa những thông tin bôi nhọ, làm ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp (chủ đầu tư) như vậy thì đã vi phạm pháp luật như thế nào? Việc xử lý những sai phạm này sẽ ra sao?
- Nếu những thông tin được đăng tải trên môi trường mạng là sai sự thật, vu khống, xâm phạm đến uy tín, hình ảnh của chủ đầu tư thì người có hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, người có hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn có quyền yêu cầu người có hành vi vi phạm phải gỡ bỏ thông tin sai lệch, đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
+ Việc xảy ra những khúc mắc hay như không đồng tình với các quy định của Ban quản lý toà nhà, chủ đầu tư là khó tránh khỏi. Vậy, cư dân nên làm gì để xử lý những khúc mắc này và theo ông hướng xử lý như thế nào để văn minh và hợp pháp?
- Theo quy định tại Điều 104 Luật Nhà ở 2014, Ban quản trị nhà chung cư sẽ là đầu mối chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người sử dụng nhà chung cư về việc quản lý, sử dụng và cung cấp các dịch vụ nhà chung cư để phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét, giải quyết. Như vậy, khi có bất cứ mâu thuẫn nào phát sinh, cư dân có thể liên hệ với Ban quản trị nhà chung cư để giải quyết. Hoặc cư dân có thể yêu cầu UBND cấp tỉnh hoặc Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết.
Trong đời sống, những tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại phát sinh là khó tránh khỏi. Vì vậy, người dân cũng nên lưu ý cần lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp một cách phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tránh trường hợp thực hiện các hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Bất cứ tổ chức hay cá nhân nào trong quá trình hoạt động, làm việc hay kể cả khiếu nại, khiếu kiện cũng đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Những hoạt động tự phát rất dễ gây ra những hệ luỵ đáng tiếc vì vậy mọi người cần tỉnh táo trước các vấn đề, lựa chọn cho mình cách giải quyết văn minh, đối thoại trực tiếp để đảm bảo sự công bằng và rõ ràng..
Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3/11/2013 của Chính phủ cũng có các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điểm g Khoản 3 Điều 66).
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; hoặc phạm tội đối với nhiều người có thể bị phạt tù từ 1 đến 7 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Trong đó, hành vi bịa đặt được hiểu là việc đưa ra những thông tin không đúng sự thật, tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có thật đối với người khác để bôi nhọ, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Quang Đông (Thực hiện)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Con số trên được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 của ngành Xây dựng được Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay (14/12).
Trần Quý
14:00 14/12/2024(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.
Cao Sơn
07:05 14/12/2024Trần Kiên
20:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024N. Phó
10:12 13/12/2024Cao Sơn
08:06 13/12/2024Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà