Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ năm, 07/12/2023 - 15:46
(Thanh tra) - Thừa nhận, Dự án Công viên Văn hóa Đống Đa đã kéo dài khá lâu, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, phải xác định cụ thể trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh thừa nhận việc thực hiện Dự án Công viên Văn hóa Đống Đa đã kéo dài khá lâu. Ảnh: N.H
Sáng 7/12, tiếp tục Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa XVI tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Vấn đề xây dựng, cải tạo công viên được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi.
Đặt câu hỏi tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (huyện Ứng Hòa) cho biết, đây là lần thứ 3 bà đặt câu hỏi liên quan đến Dự án Công viên Văn hóa Đống Đa.
Trước đó, tại phiên giải trình HĐND TP tháng 4/2022, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã cam kết sẽ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch vào tháng 7/2022.
Tiếp đó tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP vừa qua khi được hỏi, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục cam kết sẽ phê duyệt điều chỉnh trong năm 2023.
“Hiện nay đã là tháng cuối năm 2023, Giám đốc Sở liệu có đảm bảo cam kết với cử tri?", bà Hương chất vấn.
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh thừa nhận việc thực hiện Dự án Công viên Đống Đa đã kéo dài khá lâu. Ông cho rằng, phải xác định cụ thể trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ này.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc có nhiệm vụ tham mưu trình UBND TP phê duyệt quy hoạch. Để làm được việc này phụ thuộc vào quận Đống Đa với vai trò chủ đầu tư, quận Đống Đa phải lập quy hoạch để sở thẩm định và trình TP.
“Chúng tôi phụ thuộc vào công tác trình lập quy hoạch của quận Đống Đa. Sở đã 4 lần gửi văn bản đôn đốc quận về công tác này, tuy nhiên quận cũng đang gặp khó khăn trong việc lập quy hoạch dự án”, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh nói.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu, Chủ tịch UBND quận Đống Đa làm rõ trách nhiệm của quận với Dự án Công viên Văn hóa Đống Đa.
Ông Lê Tuấn Định, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, quận đã rà soát hiện trạng, lập hồ sơ hiện trạng, tuy nhiên việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn ở nguồn kinh phí lập quy hoạch, quận đã báo cáo đề xuất TP, TP cần tổ chức hướng dẫn dùng nguồn ngân sách quận Đống Đa, khi có hướng dẫn mới tổ chức thực hiện được.
Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết thêm, sau khi có hướng dẫn cụ thể, đến tháng 4/2024, sẽ trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Dự án Công viên Văn hóa Đống Đa.
Làm rõ thêm nội dung này, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu Sở Tài chính cho biết vấn đề nguồn vốn cho quận Đống Đa để thực hiện dự án.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, Sở Tài chính đã có báo cáo UBND TP nguyên tắc: Các dự án đang sử dụng vốn đầu tư mà chuyển sang nguồn vốn sự nghiệp thì tiếp tục thực hiện và ngược lại. Tất cả dự án giao nhiệm vụ cho đơn vị nào thì đơn vị đó đảm bảo kinh phí.
"Trong trường hợp của quận Đống Đa, UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho quận lập hồ sơ quy hoạch thì UBND quận Đống Đa có đầy đủ trách nhiệm sử dụng vốn ngân sách quận để lập", ông Lưu khẳng định.
Lắng nghe các ý kiến, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng: Quận Đống Đa đã có đầy đủ pháp lý để thực hiện, lãnh đạo quận cần báo cáo rõ trách nhiệm với Dự án Công viên Văn hóa Đống Đa để kỳ sau không phải tái chất vấn thêm nữa.
Tại phiên chất vấn, ông Lê Tuấn Định khẳng định, nếu như theo các bước cam kết, quận sẽ cố gắng hoàn thành quy hoạch 1/500 trình sở, ngành vào tháng 4/2024.
Cũng liên quan đến cải tạo công viên, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (huyện Phúc Thọ) đề nghị, Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết tình hình và kết quả thực hiện Dự án Công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông.
Tại kỳ họp HĐND trước đó, UBND TP đã cam kết triển khai các bước theo quy hoạch trong năm 2023, vậy tình hình triển khai công viên này đến đâu?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, giữa năm 2023, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 11 về hoạt động chất vấn. Theo đó yêu cầu phấn đấu hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong năm 2023. Sau khi phê duyệt quy hoạch, quận Hà Đông sẽ triển khai bằng nguồn ngân sách quận.
"Hiện quy hoạch đã hoàn thành, quận đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các sở, ban, ngành của TP lập báo cáo đề xuất chủ trương dự án để trình HĐND quận thông qua trong thời gian sớm nhất", bà Hà thông tin.
Được biết, dự án có quy mô 95ha, phân kỳ nhiều giai đoạn, trong đó phần giải phóng mặt bằng khoảng 40ha, quận sẽ cố gắng hoàn thành trong thời gian tới.
Dự kiến trong năm 2024 sẽ phê duyệt xong chủ trương đầu tư.
Từ năm 2001, TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi hơn 7ha đất tại phường Láng Hạ, phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và phường Thành Công (quận Ba Đình) để xây dựng Công viên Văn hóa Đống Đa giai đoạn 1.
Đến nay, hơn 2 thập kỷ, dự án vẫn chỉ “nằm trên giấy”. Hiện hàng nghìn mét vuông đất quy hoạch Dự án Công viên Văn hóa Đống Đa bị lấn chiếm xây dựng nhà ở, cửa hàng kinh doanh buôn bán.
Việc Dự án Công viên Văn hoá Đống Đa bị “treo” hơn 20 năm từng làm “nóng” phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội vào tháng 4/2022.
Tại phiên chất vấn, đại biểu đã đề nghị lãnh đạo quận Đống Đa, sở, ngành và UBND TP giải trình rõ về tiến độ dự án.
Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, quy hoạch Công viên Văn hoá Đống Đa được phê duyệt từ những năm 1998 - 2001, theo đó, sẽ thu hồi hơn 70.000 m2 đất (hơn 7ha) tại 3 phường Láng Hạ, Trung Liệt (quận Đống Đa) và Thành Công (quận Ba Đình).
Đến năm 2022, quận Đống Đa đã cung cấp số liệu dân cư, hiện trạng cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc và trong thời gian tới quận sẽ tiếp tục phối hợp với sở thực hiện.
Sau hơn 20 năm không được triển khai, đến nay hàng trăm công trình ở phần đất quy hoạch Công viên Văn hóa Đống Đa thuộc diện khó di dời...
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Con số trên được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 của ngành Xây dựng được Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay (14/12).
Trần Quý
14:00 14/12/2024(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.
Cao Sơn
07:05 14/12/2024Trần Kiên
20:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024N. Phó
10:12 13/12/2024Cao Sơn
08:06 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền