Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 10/03/2017 - 14:32
GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản) cho rằng 80% người giàu nhất Nhật Bản là làm công nghiệp, còn hầu hết DN lớn nhất Việt Nam hiện nay chỉ làm bất động sản thì không thể công nghiệp hoá thành công
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Thế Dũng
Sáng nay 10-3, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035”.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn và chuyên gia đến từ hơn 20 tổ chức quốc tế.
Chủ trì hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng các chính sách chung và chính sách ngành trong lĩnh vực công nghiệp ban hành thời gian qua đã có tác động tích cực đến sự phát triển của công nghiệp Việt Nam hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong 10 năm trở lại đây.
Kết quả thể hiện cụ thể qua giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng công nghiệp tăng trưởng liên tục trong nhiều năm. Cụ thể, giai đoạn 2006-2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần; tỷ trọng GDP công nghiệp duy trì ổn định khoảng 31-32% GDP; tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp bình quân 6,9%/năm; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiêp tăng gần 3,5 lần…
Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan tham mưu chính sách kinh tế của Đảng đánh giá quá trình phát triển công nghiệp cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Điển hình như công nghiệp ở trình độ thấp, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều vào DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự liên kết giữa DN FDI với DN trong nước còn hạn chế.
Gia tăng công nghiệp đang có xu hướng giảm khi giai đoạn năm 2006-2010 tỉ lệ là 16,2% thì giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 10%.
Đáng nói công nghiệp chủ yếu là khai khoáng, lao động giá rẻ, ít ngành công nghệ cao; năng suất lao động, chế biến chế tạo còn khá thấp; đóng góp của công nghệ trong tăng năng suất tỷ lệ thấp; liên kết với DN nước ngoài thiếu chặt chẽ, khả năng tham gia chuỗi giá trị hạn chế.
Đáng ngại hơn là tăng trưởng vốn cho công nghiệp đang xu hướng giảm, DN chưa chú trọng nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ, hiệu quả khối DN công nghiệp còn thấp.
Cùng với đó là tình trạng không gian bị chia tách theo địa giới hành chính, các tỉnh cạnh tranh với nhau không phân chia thế mạnh từng địa phương.
Cùng với đó là tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2015 khoảng 2,4%/năm – thấp hơn bình quân chung của nền kinh tế (3,9%). Còn so với năng suất lao động ngành của khu vực thì Việt Nam thấp hơn Malaysia và Thái Lan 6,4 lần, thấp hơn Philippines 3,6 lần.
"Nước ta không tận dụng tốt lợi thế dân số vàng, đang đối diện với nguy cơ hậu công nghiệp hoá quá sớm. Việt Nam chưa có chính sách công nghiệp tổng thể, dài hạn. Thiếu các chính sách cụ thể, ưu tiên nguồn lực để theo đuổi nhất quán mục tiêu đề ra" - Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình thẳng thắn chỉ rõ.
Cùng quan điểm với ông Nguyễn Văn Bình, GS. kinh tế Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản) nhận xét: "Công nghiệp Việt Nam chưa giàu đã già, chuyển qua hậu công nghiệp quá sớm".
Ông Thọ dẫn ví dụ Hàn Quốc hay Nhật Bản thu nhập bình quân đầu người 30.000 USD/năm thì công nghiệp/GDP mới bắt đầu giảm, trong khi Việt Nam thu nhập mới 3.000 USD đã chuyển sang hậu công nghiệp.
"Chuyển sang hậu công nghiệp sớm thì tốc độ phát triển kinh tế giảm"- ông GS. Thọ quan ngại.
Làm rõ thêm, GS Trần Văn Thọ cho rằng đáng lẽ nông nghiệp rồi chuyển sang công nghiệp - dịch vụ và lo ngại hơn là Việt Nam cùng với nhiều nước trong khối Asean có tình trạng tỷ lệ công nghiệp có khuynh hướng giảm.
Một thách thức khác theo GS. Trần Văn Thọ là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có điểm nổi bật là "lao động khuynh hướng giảm" và trên thực tế các DN FDI ở Việt Nam bắt đầu giảm lao động từ 5-7 năm nay, thu hút lao động trên một đơn vị công nghiệp giảm.
Đi vào góp ý cụ thể, GS Trần Văn Thọ cho rằng 2 lĩnh vực Việt Nam cần chú trọng là các loại máy móc (như: xe hơi, xe máy, máy in, máy công cụ, máy tính, camera…) và công nghiệp thực phẩm chế biến từ nông thủy sản mà Việt Nam có nguồn cung cấp phong phú.
Về các loại máy móc, nhu cầu thế giới ngày càng lớn vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu và tạo điều kiện để DN FDI chuyển dịch chất lượng sản phẩm lên cao hơn. Vì khi thu nhập tăng 1% thì chi tiêu máy móc tăng 2-3%.
Theo ông Thọ, Việt Nam cần tận dụng quốc gia có 100 triệu dân là sức mạnh lớn để đẩy mạnh công nghiệp hoá cả rộng lẫn sâu. Cụ thể cần tập trung đào tạo nhân lực công nghệ cao, thích ứng thay đổi công nghệ.
"Nhưng đừng chú trọng bậc học, bằng cấp. Việt Nam đổ xô học đại học, lập trường đại học. Chỉ cần học cao đẳng 2 năm, 1 năm học văn hoá, 1 năm chuyên môn là đi làm được"- ông Thọ lưu ý.
Dẫn chứng về lập luận của mình, vị giáo sư người Việt tại Đại học Waseda cho biết giai đoạn 1955-1975, công nghiệp hoá ở Nhật Bản rất mạnh mẽ nhưng lao động của họ năm 1955 thì tốt nghiệp cấp 2 chiếm 60%. Đến năm 1975 cấp 3 chiếm 60%, còn lại 34% trên cao đẳng.
Ông Thọ kiến nghị đẩy mạnh du nhập nguồn lực nước ngoài ngoài FDI, như hợp đồng công nghệ. Việt Nam cần cùng lúc có chính sách khôn ngoan chọn lựa DN FDI và chính sách nuôi dưỡng DN tư nhân trong nước. Đồng thời phải tạo điều kiện cho DN Việt Nam kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập thương hiệu riêng.
"80% người giàu nhất Nhật Bản là làm công nghiệp, còn hầu hết các DN lớn nhất Việt Nam hiện nay chỉ làm bất động sản thì không thể công nghiệp hoá thành công được. Vì vậy, Chính phủ nên đối thoại với các tập đoàn lớn để biết cần có chính sách gì để khuyến khích họ mở rộng sang sản xuất công nghiệp và nâng cao diện sản xuất. Bên cạnh đó cần ưu tiên củng cố nội lực, cụ thể là tăng năng lực quản trị nhà nước và xây dựng tư bản dân tộc ngày càng vững mạnh; rà soát và lập lại chiến lược hội nhập; chính sách đào tạo nguồn nhân lực cũng phải thay đổi thông qua việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao"- GS. Trần Văn Thọ thẳng thắn đề xuất.
Còn theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP HCM, nếu theo đuổi cách tiếp cận lựa chọn ngành công nghiệp mục tiêu như hiện nay thì việc lựa chọn phải được thực hiện một cách thật bài bản, kỹ lưỡng, và thận trọng.
Đó là phải dựa trên các nguyên tắc như: thuận theo lợi thế so sánh của Việt Nam; ngành ưu tiên phải tạo ra tác động lan tỏa tích cực đáng kể cho các ngành khác trong nền kinh tế; là ngành đang có tốc độ tăng trưởng cao trên thị trường nội địa hoặc thế giới; cho đến khi Việt Nam hết giai đoạn dân số vàng (dự báo điều này xảy ra vào khoảng năm 2025), Việt Nam vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động mà Việt Nam sẵn có thế mạnh (như dệt may và da giày...).
Theo Thế Dũng/NLĐO
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Con số trên được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 của ngành Xây dựng được Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay (14/12).
Trần Quý
14:00 14/12/2024(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.
Cao Sơn
07:05 14/12/2024Trần Kiên
20:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024N. Phó
10:12 13/12/2024Cao Sơn
08:06 13/12/2024Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành