Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Gỡ vướng cho các dự án đầu tư trọng điểm đang triển khai

Thứ ba, 13/10/2020 - 06:00

(Thanh tra)- Tỉnh Nghệ An đang tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Giải pháp chính đang được tỉnh quyết liệt thực hiện, đó là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nghiên cứu rà soát xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết 26/NQ-HĐND ngày 4/8/2016 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh tích cực hỗ trợ, giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư trọng điểm đang triển khai tại các Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, WHA Nghệ An, Hoàng Mai; hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, đất đai cho các dự án như: FLC, Khu du lịch Bãi Lữ, Cảng Cửa Lò, Nhà máy gỗ MDF Nghệ An, cảng thủy nội địa Quỳnh Lộc.

Đồng thời, nghiên cứu để trình Hội đồng Nhân dân tỉnh bảng giá đất trong Khu kinh tế Đông Nam và cơ chế ưu đãi đầu tư đối với đất sản xuất công nghiệp; tiếp tục hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn về thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án, chính sách về đất đai, mỏ nguyên liệu san lấp... cho các nhà đầu tư dự án hạ tầng trọng điểm.

Tỉnh Nghệ An cũng sẽ rà soát, đôn đốc các sở, ngành xử lý, giải quyết hồ sơ chủ trương đầu tư còn tồn đọng và các hồ sơ mới phát sinh cho các nhà đầu tư; chủ động theo dõi và có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, đôn đốc triển khai các dự án đã có chủ trương, giấy phép đầu tư; kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án “treo”, tránh để lãng phí đất đai kéo dài.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 59 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 4.415 tỷ đồng. Tỉnh cũng chấm dứt hoạt động đối với 11 dự án với tổng diện tích đất 170ha, đưa tổng số dự án bị thu hồi đến nay là 179 dự án.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh thu hút đầu tư giảm so với cùng kỳ năm 2019 (số lượng dự án giảm 20,27%, tổng vốn đăng ký giảm 10,34%), trong khi đó các dự án thu hút được chủ yếu có quy mô nhỏ; tiến độ triển khai thực hiện các dự án được cấp phép còn thấp, một số dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ dẫn đến phải tiến hành chấm dứt hoạt động.

Trong khi đó, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm như Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, Khu công nghiệp WHA, Khu A-Khu công nghiệp Nam Cấm, Dự án Nhà máy may mặc Mareep tại KCN Thọ Lộc, dự án đường N5 (đoạn 2), đường nối vào tổng kho xăng dầu DKC, dự án Đường D4 trong Khu kinh tế Đông Nam…

Tại Nghệ An, đến nay, Khu công nghiệp VSIP có 22 dự án còn hiệu lực (10 dự án FDI, 12 dự án trong nước); vốn đầu tư đăng ký 6.397,6 tỷ đồng; có 14 dự án đã đi vào hoạt động. Khu công nghiệp WHA có 6 dự án còn hiệu lực (3 dự án FDI, 3 dự án trong nước); vốn đầu tư đăng ký 534 tỷ đồng. Theo báo cáo của WHA, hiện đã có một số nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ và thỏa thuận đầu tư tại Khu công nghiệp WHA, với tổng vốn đăng ký dự kiến khoảng 284,9 triệu USD.

Việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn và dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn chủ yếu do tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch COVID-19 tác động nặng nề trên phạm vi toàn cầu; kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, các nước, đối tác lớn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bối cảnh đó đã ảnh hưởng nhiều đến các nhà đầu tư trong tỉnh; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ; hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế bị tác động.

Nguyễn Văn Nhật

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm