Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gỡ “nút thắt” để tăng tốc đầu tư công, đưa tiền vào nền kinh tế

Hương Giang

Thứ năm, 06/07/2023 - 06:00

(Thanh tra) - Đầu tư công được nhận định là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế những tháng còn lại của năm nay.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45. Ảnh nguồn: VNN

Giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt

Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 4,14%, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020 - mức đáy của giai đoạn 13 năm do Covid-19 xuất hiện. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, thấp hơn kế hoạch đề ra.

Lực đỡ cho nền kinh tế hiện nằm ở khu vực dịch vụ. Khu vực công nghiệp và xây dựng, xuất khẩu và nhập khẩu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới.

Điều đáng mừng, trong quý II, doanh nghiệp lạc quan tăng hơn so với quý I. Số liệu thống kê cho thấy, nửa đầu năm có 113.600 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại thị trường, trung bình 19.000 đơn vị mỗi tháng. Trong khi, khoảng 100.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể, tức bình quân 16.600 đơn vị, giảm so với bình quân 5 tháng và 4 tháng đầu năm.

Giải ngân vốn đầu tư công, sau bước “khá chậm” của quý I, đã tăng tốc và cải thiện rõ rệt trong quý II. Cụ thể, quý II, giải ngân đạt trên 140.400 tỷ đồng, bằng gần 20% kế hoạch cả năm và tăng gần 53% so với quý trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã giải ngân vốn đầu tư công trên 232.200 tỷ đồng (bằng 33% kế hoạch năm và tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước), thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng và sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương.

Để đạt mục tiêu cả năm nay tăng trưởng 6,5%, theo đánh giá của các cơ quan, là “thách thức rất lớn”. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay xuống 4,7% từ mức 5,8% đưa ra hồi tháng 4.

IMF khuyến nghị, để Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao, các chính sách lúc này nên tập trung vào bảo đảm sự ổn định tài chính, kinh tế vĩ mô, trong khi đẩy nhanh các cải cách, giải ngân vốn đầu tư công…

Theo các chuyên gia, đầu tư công là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tổng cục Thống kê cho rằng, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cần xử lý ngay những điểm nghẽn, “nút thắt” chính trong khâu chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng...

“Chỉ cần một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, làm giảm động lực tăng trưởng”, Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Hương Nga nói.

Lưu ý giải ngân vốn đầu tư công hiện chưa đạt yêu cầu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Hoàng Anh cho hay, Luật Đầu tư công đã quy định rất cụ thể, từ quá trình chuẩn bị dự án đầu tư, bố trí vốn và triển khai.

“Vấn đề là, quá trình chuẩn bị đầu tư dự án chưa tốt nên khi triển khai gặp khó khăn, buộc lòng phải điều chỉnh lại các dự án, mất rất nhiều thời gian”, ông Hoàng Anh chia sẻ với báo chí.

Giải pháp “chữa bệnh sợ trách nhiệm” đã tương đối đầy đủ

Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ khẩn trương chấn chỉnh, chuẩn bị thật tốt công tác đầu tư các dự án khi trình thông qua, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách.

Đáng chú ý, tại Nghị quyết số 101 vừa công bố đầu tháng 7, Quốc hội yêu cầu rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công… xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập.

“Đang có ý kiến do pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn. Thực tế có phải như thế không thì cần rà soát để báo cáo Quốc hội kết quả tại kỳ họp cuối năm nay”, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết.

Vấn đề nữa, là làm thế nào để nâng cao trách nhiệm, tăng sự chủ động trong điều hành, tránh tình trạng trì trệ, sợ, né tránh, không dám làm của cán bộ.

Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An nhấn mạnh, từ chủ trương, chính sách của Đảng, yêu cầu của cuộc sống, lần đầu tiên, Quốc hội ghi nhận trong một nghị quyết chính thức về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và xử lý tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

“Nghị quyết kỳ họp 5 vừa qua, Quốc hội đã nhận định một cách trực tiếp, trực diện tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến sự chuyển trì trệ trong giải quyết công việc, gây bức xúc trong xã hội”, ông An nói.

Quốc hội đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó đã nêu rõ, việc sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Theo ông Trịnh Xuân An, trong quản lý, điều hành đất nước cần phải có những biện pháp thực sự mạnh mẽ và quyết liệt hay còn gọi là những biện pháp “bàn tay sắt” đề cao kỷ luật, kỷ cương, ai có công thì được thưởng, ai làm tốt thì được khen, ai không làm thì phải đứng ra bên ngoài và bị kỷ luật.

Không chỉ thế, Quốc hội còn yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm các vi phạm.

“Những giải pháp được Quốc hội đưa ra đã tương đối đủ để hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhận định.

100.000 tỷ đồng được phân bổ tiếp, linh hoạt điều chỉnh vốn

Để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế, Quốc hội đã cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Quốc hội cũng cho phép linh hoạt điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.

Trong đó, điều chỉnh giảm hơn 24.594 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ cho Bộ Giao thông Vận tải.

10 địa phương sẽ nhận số vốn đầu tư công giảm của Bộ Giao thông Vận tải là: An Giang 4.928 tỷ đồng. Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng được rót 3.200 - 3.700 tỷ đồng mỗi địa phương. Các địa phương khác như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Tháp khoảng 1.410 - 1.976 tỷ đồng. Riêng vốn cho Tiền Giang là 872 tỷ đồng.

Hơn 53.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đến nay chưa phân bổ chi tiết cho các dự án, sẽ được đưa vào dự phòng. Hơn 37.300 tỷ đồng còn lại, Chính phủ được giao rà soát, đề xuất các dự án và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để hoàn thiện thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm