Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giải pháp nào thu hút đầu tư nông nghiệp?

Thứ ba, 12/09/2017 - 09:15

(Thanh tra)- Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau gần 4 năm triển khai Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp tính đến tháng 9/2016 chỉ có hơn 4.400 DN, chiếm gần 1% tổng số DN cả nước.

Nghị định 210 có hiệu lực từ ngày 10/2/2014, đã đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nhiều tiêu chí có định mức quá cao khiến DN không tiếp cận được. Ảnh: LN

Còn số DN ngành nông nghiệp ngừng hoạt động và giải thể là 2.019 DN, cao hơn 11,3% so với DN thành lập mới. DN trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp nhìn chung còn yếu kém về năng lực liên kết với nông dân, với các đối tác, thiếu thông tin về các rào cản kỹ thuật, các quy định thương mại quốc tế.

Có đến 75% DN đang sử dụng những công nghệ máy móc thiết bị đã hết khấu hao. Các DN trong nước, đặc biệt là khu vực DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ vẫn loay hoay không thể thoát ra được những máy móc có công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, Nghị định 210 có hiệu lực từ ngày 10/2/2014, đã đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng điều kiện thụ hưởng chính sách khó khả thi, nhiều tiêu chí có định mức quá cao khiến DN không tiếp cận được như về quy mô, công suất, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương.

Do vậy, đến nay có rất ít DN có thể tiếp cận được những hỗ trợ cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chưa huy động được sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, đối tượng, điều kiện được thụ hưởng chính sách hạn hẹp, khắt khe; thủ tục hành chính quá rườm rà. Hiện, mới chỉ có khoảng gần 300 tỷ đồng ngân sách từ Trung ương cam kết giải ngân theo nghị định, còn ngân sách địa phương thì rất thấp do không có nguồn vốn để bố trí dù dự án đã được phê duyệt.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, cũng như bàn về cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã tổ chức “Hội thảo tham vấn cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển DN trong nông nghiệp”.

Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc, một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị định là phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân và DN thuận lợi khi đầu tư vào nông nghiệp. Cần tiếp tục giảm các thủ tục hành chính; giảm chi phí thực hiện và thời gian thực hiện.

Ông Ngọc đề xuất, để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp thì phải có chính sách về đất đai. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tạo đất sạch cho nông nghiệp, liên kết nông dân với DN. Bên cạnh đó, phải tiếp tục giảm các thủ tục hành chính; giảm chi phí thưc hiện và thời gian thực hiện.

Hay như việc hỗ trợ DN chỉ thực sự cần thiết với DN nhỏ, DN khởi nghiệp. Còn đối với những DN lớn quan trọng nhất là tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh. Thay vì cách hỗ trợ thiếu thực tế, chỉ cần miễn thuế cho các DN khi đầu tư vào nông nghiệp.

Đồng quan điểm này, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN Group Nguyễn Khắc Hải đề xuất cần tập trung vào các chính sách ưu đãi mà không sử dụng vốn, nhất là chính sách thuế. Bởi chính sách này khuyến khích các DN tập trung vào các dự án có hiệu quả, DN liên doanh liên kết sử dụng những nguồn lực của nhau để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, giá trị kinh tế cao. Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch xóa bỏ cơ chế xin cho trong bối cảnh những thủ tục hành chính còn phức tạp và mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, cần thay mệnh lệnh hành chính bằng cơ chế thị trường trong việc vận hành chính bằng cơ chế thị trường trong việc vận hành các lĩnh vực như đất đai, khoa học, công nghệ. Mặt khác, cần xóa bỏ chính sách hạn điền. Chính sách tín dụng thay vì giảm lãi suất thì cần tập trung đơn giản hóa các thủ tục vay vốn.

Còn theo ông Dương Văn Trí, đại diện Tập đoàn Lộc Trời, trong các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp nên loại bỏ khái niệm lồng ghép để dễ dàng đánh giá sự thành công hay thất bại để quy trách nhiệm cho những chính sách yếu kém.

Về vấn đề này, theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đã vươn lên thành nước có sức sản xuất nông nghiệp không chỉ cung ứng lương thực, thực phẩm cho 92 triệu dân mà còn xuất khẩu với kim ngạch những năm gần đây trên 30 tỷ USD, có 10 ngành hàng trên 1 tỷ USD xếp thứ hạng cao của thế giới. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Sản xuất vẫn dựa trên các hộ nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế kém, chuỗi sản xuất yếu, giá trị bấp bênh, khó hội nhập.

Do vậy, cần phải khẳng định DN là chủ thể dẫn dắt trong liên kết giá trị chuỗi trong nông nghiệp Việt Nam. Chính vì thế, ở tầm Nghị định này phải tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, tháo nút thắt và cách tiếp cận cơ chế về tín dụng và chính sách đất đai đó là tích tụ ruộng đất, tài sản trên đất. Cơ quan quản lý cần nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động, nhất là về thủ tục hành chính không gây khó khăn phiền hà; tiếp tục phân cấp và minh bạch không để trục lợi về chính sách.

Lê Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm