Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Để ngành Đường sắt “đi sau nhưng về trước”

Thanh Giang

Thứ bảy, 21/09/2024 - 13:07

(Thanh tra) - Để ngành Đường sắt Việt Nam có thể tái cơ cấu, vượt qua khó khăn về hạ tầng và cơ chế, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, thu hút đầu tư và phát triển bền vững trong tương lai.

Để huy động nguồn lực hiệu quả cho ngành Đường sắt, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển, xu thế thời đại, công nghệ hiện đại. Ảnh: Internet

Tập trung tái cơ cấu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

Việc cổ phần hóa và tái cơ cấu là bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành, nhưng những khó khăn về cơ chế, hạ tầng và nhân lực vẫn là rào cản lớn. Trước tình hình này, chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và tái cơ cấu hiệu quả hơn.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hồi đầu năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành Đường sắt phải đặt trong sự vận động và phát triển, với phương châm "đi sau nhưng về trước", tận dụng lợi thế của người đi sau, đi nhanh hơn và bền vững hơn.

Để huy động nguồn lực hiệu quả cho ngành Đường sắt, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển, xu thế thời đại, công nghệ hiện đại.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng với Tổng Công ty tập trung tái cơ cấu một số nội dung: Tái cơ cấu quản trị hiện đại phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và Tổng Công ty.

Cơ cấu lại và sử dụng tài sản, nguồn tài chính đang có một cách hiệu quả hơn, phù hợp hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn; sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với bố trí lại, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực.

Với lộ trình cụ thể rõ ràng, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đã đề xuất một số giải pháp chủ yếu để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như sau:

Một là, đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt để tiếp tục đẩy mạnh phát triển giao thông vận tải đường sắt. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, lợi thế của phương thức vận tải đường sắt.

Hai là, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế, chính sách để ưu đãi, đột phá để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực đường sắt; tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình đầu tư các tuyến đường sắt đô thị.

Ba là, ưu tiên nguồn lực thích đáng trong các kế hoạch đầu tư công trung hạn, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển giao thông vận tải đường sắt; đa dạng hoá nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư các dự án đường sắt, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp gắn kết với các tuyến, khu ga đường sắt (TOD) để tạo ra không gian phát triển mới, tạo tiền đề huy động vốn, khai thác, vận tải đường sắt.

Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa trong kinh doanh vận tải đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phương tiện, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải.

Năm là, kiện toàn mô hình tổ chức, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; nâng cao năng lực, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về đường sắt.

Sáu là, triển khai các chính sách phát triển công nghiệp và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đường sắt; tăng cường hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường sắt, đặc biệt là đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.

Mở rộng lãnh thổ ngành Đường sắt

Ngày 14/9 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã thông báo, dự án đầu tư đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc và Lào đang được đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu trình Quốc hội vào năm 2025 và khởi công vào năm 2027.

Ban Quản lý dự án Đường sắt đã được giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án này. Khi hoàn thành, tuyến đường sắt sẽ không chỉ nâng cao hệ thống giao thông quốc gia mà còn thúc đẩy kinh tế khu vực, đặc biệt là thương mại xuyên biên giới với Trung Quốc.

Dự kiến, tuyến đường này sẽ đi qua 8 tỉnh, thành bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, với điểm cuối tại cảng Lạch Huyện - một trung tâm logistics và cảng biển quan trọng.

Dự án sẽ xây dựng 73 cây cầu với tổng chiều dài 130km, 25 hầm dài 25km và 38 nhà ga, trong đó 29 nhà ga sẽ được xây mới. Tuyến đường này sẽ phục vụ cả hành khách lẫn hàng hóa, với tổng mức đầu tư dự kiến từ 10-11 tỷ USD.

Theo dự báo, tuyến đường sắt sẽ có khả năng vận chuyển 10 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và khai thác 15 đôi tàu mỗi ngày. Tuyến bao gồm 41 ga, với 5 ga chính là Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân, cùng với các ga trung gian cho hành khách và hàng hóa.

Không chỉ có tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dự án Viêng Chăn - Vũng Áng cũng là một phần quan trọng của hệ thống đường sắt Việt - Lào, được Chính phủ hai nước ưu tiên. Tuyến này có tổng chiều dài 554,7km và tổng vốn đầu tư 6,3 tỷ USD, dự kiến kết nối Lào với Việt Nam qua hệ thống đường sắt hiện đại.

Tại Hội nghị Trung ương 10 diễn ra từ ngày 18/9 đến ngày 20/9, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam 350km/h để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Tuyến đường sắt tốc độ cao với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong Chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai các quy hoạch quốc gia.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Âm nặng dòng tiền, liên tục bị xử phạt về thuế, liệu Đạt Phương “có cửa” trúng gói thầu gần 1.800 tỷ đồng?

Âm nặng dòng tiền, liên tục bị xử phạt về thuế, liệu Đạt Phương “có cửa” trúng gói thầu gần 1.800 tỷ đồng?

(Thanh tra) - Gói thầu xây lắp phần đường và cầu vượt nút giao ĐT994 thuộc dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa mới mở thầu ngày 18/10/2024. Dự toán gói thầu là hơn 1.792,4 tỷ đồng. Liên danh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương đưa ra giá dự thầu là hơn 1.684,6 tỷ đồng… Mới đây, doanh nghiệp liên tục bị Tổng cục Thuế bị xử phạt do vi phạm hành chính về thuế.

Chu Tuấn - Quang Dân

14:25 22/11/2024
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra “tối hậu thư” chấp thuận dự án xử lý chất thải tập trung ở Thọ Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra “tối hậu thư” chấp thuận dự án xử lý chất thải tập trung ở Thọ Xuân

(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ký văn bản yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị các bước tiếp theo để trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho dự án xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân trước ngày 30/12/2024.

Văn Thanh

12:45 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm