Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chuyên gia: Nên để doanh nghiệp quyết định giá xăng dầu

Hương Giang

Thứ ba, 30/07/2024 - 19:37

(Thanh tra) - Theo các chuyên gia, xây dựng chính sách thời gian tới cần hướng tới sửa đổi cơ chế điều hành xăng dầu từ hành chính, áp đặt sang công cụ thị trường để thị trường tự điều tiết. Giá xăng dầu thế nào nên để doanh nghiệp xác định và có cạnh tranh.

Giá kinh doanh thế nào cần phải để doanh nghiệp tự do xác định và có cạnh tranh. Nhà nước không nên can thiệp mà có công cụ để điều tiết như thuế, theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: minh họa: Nguồn ảnh Internet

Ngày 30/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả”.

Giá thế giới tác động lớn nhất tới giá xăng dầu

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Phạm Văn Bình cho hay, hiện nay, việc kinh doanh xăng dầu, điều hành giá xăng dầu đang được thực hiện theo Nghị định 83 năm 2014, Nghị định 95 năm 2021 và Nghị định 80 năm 2023.

Theo ông Bình, điều hành kinh doanh xăng dầu bám sát, nhất là điều hành giá theo đúng quy định, giá thế giới. Diễn biến giá có tăng có giảm và không có nhiều biến động lớn.

Nguyên nhân tác động đến giá xăng dầu chủ yếu là do giá thế giới, chiếm khoảng 65-77%. Cùng với đó là thuế chiếm 12% giá xăng dầu, chi phí kinh doanh định mức dao động 7,5-11% giá xăng dầu; cùng một số yếu tố cấu thành như lợi nhuận, quỹ bình ổn...

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Phạm Văn Bình. Ảnh: Dương Tuấn

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng mang tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sản xuất.

Ông nhìn nhận, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để điều hành, bình ổn giá xăng dầu và đã mang lại kết quả khá tích cực.

“Nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu. Điều đó, thể hiện trong nhiều kỳ biến động lớn về giá xăng dầu trên thế giới, chúng ta đã có những chính sách để không tạo ra cú sốc bất thường về giá xăng dầu”, ông Cường nói.

Tuy vậy, ông Cường cho rằng nhược điểm của cơ chế này là giá phải theo thế giới, nhập vào cao thì giá cao.

Thêm nữa, việc điều hành vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính, Nhà nước áp đặt giá cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Điều này, dẫn tới có thời điểm cơ chế điều hành không đảm bảo lợi ích, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Có những giai đoạn khi giá biến động, không có công cụ nào can thiệp, doanh nghiệp bị thua lỗ và phải đóng cửa.

Xác định rõ cái gì để các doanh nghiệp quyết định

Ông Cường cho rằng xây dựng chính sách thời gian tới cần hướng tới sửa đổi cơ chế hành chính áp đặt sang công cụ thị trường để thị trường tự điều tiết, cạnh tranh.

Giá kinh doanh thế nào cần phải để doanh nghiệp xác định và có cạnh tranh. Nhà nước không nên can thiệp mà có công cụ để điều tiết như thuế.

“Ở đây có hai công cụ thuế là thuế nhập khẩu và thuế thu nhập, Nhà nước có thể dùng để điều tiết, buộc doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện tăng lượng bán và bán với giá thấp hơn thì lợi ích nhiều hơn là khống chế lượng bán để tăng giá”, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Dương Tuấn

Đồng tình, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng giá xăng dầu thế giới chiếm 64-72% trong cơ cấu giá, dẫn tới giá trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá quốc tế. Mặt hàng này không hoàn toàn tuân thủ theo quy luật cung - cầu thuần túy, không thoát ly khỏi giá quốc tế.

Theo đánh giá của ông Bảo, cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay đều mang tính hành chính, đặc biệt là giá.

“Chúng ta quy định kỹ quá”, ông Bảo đề cập đến cơ chế 7 ngày phải xác định lại giá. Nghĩa là, các cơ quan quản lý Nhà nước đang làm thay cho doanh nghiệp.

“Xác định giá đang là một “nút thắt” lớn nhất. Đúng như Giáo sư Cường đề cập, chúng ta phải có cơ chế để xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định”, theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.

Ông Bảo cho rằng, quản lý Nhà nước trong thời gian tới là phải bảo đảm an ninh năng lượng, giá không biến động mạnh, còn lại để thị trường vận hành.

“Khi có cạnh tranh thì luôn luôn người tiêu dùng sẽ hưởng lợi”, ông Bảo nói.

Có nên hình thành Sàn giao dịch xăng dầu?

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu thành lập được sàn giao dịch xăng dầu thì rất tốt và cần thiết để tăng cường tính minh bạch, công khai về giá, giảm thiểu rủi ro, tạo cơ hội đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh…

Ông Long phân tích, hiện có 39 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, trong đó 6 doanh nghiệp lớn, chiếm thị phần khoảng 88%. Phần lớn các doanh nghiệp này đều có vốn của Nhà nước.

Cho nên, khi có sàn giao dịch thị phần sẽ được chia lại và tư nhân sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường xăng dầu, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên, người tiêu dùng và nền kinh tế sẽ được lợi hơn.

Bên cạnh lợi ích, theo ông Long, thách thức đặt ra là chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, khả năng tham gia của các đối tượng, rủi ro thị trường. Cạnh đó, cần có cơ chế quản lý và giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo các hoạt động không có hiện tượng thao túng thị trường.

“Thành lập sàn giao dịch xăng dầu là đúng và cần. Tuy nhiên để quản lý, vận hành sàn giao dịch hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu, mục đích đặt ra cần phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá hết sức kỹ lưỡng”, ông Long nêu quan điểm.

Trước mắt, ông Long cho rằng nên cho phép giao dịch lưu thông các mặt hàng năng lượng tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam như trước kia để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm và đầu tư của các doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, lập sàn giao dịch xăng dầu ở Việt Nam không có gì phải “băn khoăn nhiều”.

Theo ông Cường, mục tiêu lập sàn này để buôn bán, kinh doanh xăng dầu dễ dàng, các doanh nghiệp gặp nhau dễ hơn, từ đó, tăng tính minh bạch. Vấn đề là phải xây dựng cơ chế để các đối tượng tham gia, tự do mua bán. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm