Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần quy hoạch lại diện tích trồng lúa

Thứ sáu, 06/11/2015 - 08:33

(Thanh tra) - Những nghiên cứu và các thảo luận gần đây đã đưa ra ý kiến: Cây lúa đang là “thủ phạm” chính làm sụt giảm về tăng trưởng cho nông nghiệp. Vậy, tái cơ cấu ngành nông nghiệp có cần quy hoạch lại diện tích trồng lúa?

Theo dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ chuyển 700- 800 nghìn ha trồng lúa năng suất thấp sang trồng màu. Ảnh: Trần Quý

Thực tế lĩnh vực nông nghiệp cho thấy, hiện nay lúa gạo đang gây ra cho ngành những sụt giảm về tăng trưởng. Xuất khẩu nhiều, lợi nhuận thấp và nỗi lo dư thừa về lúa, gạo luôn thường trực trong tâm trạng mỗi người nông dân sau mỗi mùa thu hoạch.

5 năm trước, do khoa học kĩ thuật chưa phát triển, các loại giống có năng suất cao chưa ra đời, tổng sản lượng lúa chỉ dao động khoảng 37 - 38 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, tổng sản lượng lương thực luôn duy trì từ 45 - 47 triệu tấn/năm. Cung vượt cầu và bài toán đầu ra cho lúa gạo trở thành nỗi lo.

Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là một giải pháp quan trọng nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Bộ NN&PTNT đã có định hướng chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa và phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014-2020.

Theo lộ trình, dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ chuyển 700-800 nghìn ha gieo trồng lúa ở những vùng, vụ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành Quyết định 580/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo thống kê, tại khu vực ĐBSCL, diện tích và tổng sản lượng lúa đã chiếm tới hơn 50% so với cả nước. Để “giảm tải” cho sản lượng lương thực tăng lên, có nguy cơ dư thừa và nỗi lo đầu ra, khi chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích lúa canh tác đưa ra đã được các tỉnh thành và người dân hồ hởi đón nhận. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, trong năm 2014, các tỉnh thành ở ĐBSCL đã chuyển đổi hơn 78.375ha đất lúa sang trồng rau màu và cây ăn trái.

Việc chuyển đổi từ lúa sang rau màu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi giá cả của cây màu thường cao hơn lúa. Ngoài ra, việc luân canh cây trồng sẽ góp phần hạn chế sâu bệnh gây hại cho lúa trong các vụ tiếp theo. Trồng rau màu còn tăng nguồn nguyên liệu làm thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, thay cho lượng hàng phải nhập khẩu, từ đó giúp giảm giá thành trong chăn nuôi. Tăng diện tích trồng màu còn góp phần giảm áp lực về lượng nước tưới cho cây trồng vào mùa hạn, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận...

Năm 2015, toàn vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 87.145ha đất lúa sang trồng rau màu và các loại cây khác. Theo tính toán của người dân nơi đây, làm 1 ha lúa với 3 vụ/năm, đem lại lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/ha, trong khi chuyển đổi 1 ha lúa sang trồng thanh long, trừ chi phí cho lãi từ 350 – 400 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với cây lúa.

Với những kết quả ban đầu đạt được về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo chủ trương, tới đây với những vùng có nguy cơ khô hạn với biến đổi khí hậu sẽ ưu tiên để áp dụng mạnh mẽ mô hình này.

Theo Bộ NN&PTNT, để ứng phó với vấn đề này, Bộ đã bàn với các địa phương và Chính phủ để có hỗ trợ cho nhân dân chuyển sang trồng những cây trồng sử dụng ít nước như cây ngô, đỗ tương, cây đậu đỗ…  Theo tính toán, vì việc “quá say” với cây lúa nên các sản phẩm này đang trở nên khan hiếm với thị trường nước ta. Hiện, Việt Nam đã phải nhập khẩu khoảng 3,5- 4 triệu tấn ngô, gần 950.000 tấn đậu tương/năm.

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm