Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cần có những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe

Thành Nam

Thứ năm, 18/05/2023 - 06:36

(Thanh tra)- Kinh doanh khí gas (LPG) là ngành nghề đặc thù, bởi đặc tính dể cháy, nổ nên Nhà nước đã ban hành các quy định chặt chẽ đối với tất cả các khâu liên quan đến việc kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, có lẽ những chế tài này là chưa đủ mạnh, nên suốt thời gian qua vẫn có nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi sang chiết, vận chuyển, buôn bán LPG chai trái phép.

Công an huyện Thanh Trì tiến hành niêm phong hàng hóa, phương tiện để tạm giữ phục vụ công tác điều tra, xác minh theo quy định. Ảnh TH

Liên tục có các hành vi trái pháp luật

Như Báo Thanh tra đã đưa tin liên quan đến các nhóm đối tượng có hành vi sang chiết, vận chuyển, buôn bán LPG chai trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ trên nhiều địa bàn. Có những vụ việc đã được khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, xét xử.

Điển hình gần đây xuất hiện một nhóm đối tượng thường xuyên hoạt động trên địa bàn huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) đã nhiều lần bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ để xác minh, xử lý.

Cụ thể, trưa ngày 18/4/2023, Cơ quan công an huyện Thanh Trì và Công an xã Đại Áng phối hợp kiểm tra, một cơ sở nghi hoạt động sang chiết LPG chai trái phép.

Thời điểm kiểm tra, ghi nhận tại hiện trường có 02 xe ô tô tải, một hệ thống đường ống dẫn khí, 5 cây chiết nạp khí gas nối với hệ thống ống dẫn. Trên xe ô tô biển kiểm soát 98H-02384 lắp đặt một bồn chứa khí loại lớn.

Trên xe ô tô biển kiểm soát 29H-81933 có khoảng 300 bình gas (có ruột và không có ruột) loại 12kg và 45kg mang nhiều thương hiệu khác nhau, như: Petrovietnam gas, Hồng Hà gas, Bình An petro, Petro Tài Lộc…

Hiện, Công an huyện Thanh Trì đang điều tra, xác minh.

Đêm 18, rạng sáng ngày 19/4/2023, Phòng Cảnh sát Kinh tế, phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Ninh Bình kiểm tra xe ô tô 29H-06675 trên xe chở 300 LPG chai (tổng 3.571kg LPG) không có niêm màng co theo quy định. Tại thời điểm kiểm tra lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa là LPG nói trên.

Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Ninh Bình đang tạm giữ hàng hóa và phương tiện nói trên để phục vụ công tác xác minh, xử lý theo quy định.

Cả hai vụ việc nêu trên, đều do bà Trịnh Thanh Vân (sinh năm 1985, trú tại phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) nhận là chủ nhân của số hàng hóa này.

Theo thông tin từ Công an huyện Thanh Trì, ngày 28/4/2023, cơ quan này tiếp tục phát hiện và thu giữ nhiều tang vật liên quan đến hành vi nghi sang chiết, vận chuyển LPG, LPG chai trái phép tại khu vực Ngọc Hồi (giáp ranh với xã Đại Áng) để điều tra xác minh.

Chế tài chưa đủ sức răn đe?

Liên quan đến các quy định về điều kiện để kinh doanh LPG và LPG chai, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2018/NĐ-CP,  trong đó quy định rất rõ các hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh khí LPG.

Nghị định 99/2020/NĐ-CP, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh LPG.

Ngoài ra, trong Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, sửa đổi năm 2017 còn có các điều luật áp có thể áp dụng xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh khí LPG, như tội: Lừa dối khách hàng; sản xuất, buôn bán hàng giả; xâm hại quyền sở hữu công nghiệp.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh lâu năm trong ngành Gas cho biết: Hành vi sản xuất, buôn bán LPG chai trái phép tiềm ẩn nhiều nguy hại cho xã hội. Đối với Nhà nước trước hết là thất thu thuế, tiếp đến là sẽ phải xử lý hậu quả nếu như xảy ra cháy nổ. Đối với người dân là việc sử dụng các LPG chai giả sẽ đối mặt với nguy cơ cháy, nổ cao hơn, bởi các LPG được sản xuất trái phép không đảm bảo các quy định của pháp luật về an toàn, kỹ thuật. Đặc biệt là đối với các đơn vị kinh doanh gas có thương hiệu, việc LPG chai của mình bị làm giả, kinh doanh trái phép dẫn đến việc tài sản bị chiếm dụng (chai LPG), quyền sở hữu công nghiệp bị xâm hại, giảm sút uy tín, sản lượng…, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để quản lý lĩnh vực này, pháp luật có các quy định cụ thể, có cả quy định về xử phạt hành chính, lẫn hình sự. Nhưng nguyên do nào thúc đẩy nhiều nhóm đối tượng vẫn bất chấp hậu quả để có các hành vi sản xuất, kinh doanh LPG trái pháp luật. Là do lợi nhuận quá hấp dẫn, hay do chế tài chưa đủ sức răn đe?

“Nhiều năm qua, các vụ việc liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán gas giả bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý rất nhiều, nhưng chủ yếu là xử lý hành chính, rất ít vụ bị khởi tố hình sự. Hơn nữa, các nhóm đối tượng thực hiện viêc làm gas giả chủ yếu là làm tự do, tài sản phục vụ cho sản xuất, kinh doanh thường không phải đầu tư không nhiều, chủ yếu là sử dụng tài sản của các thương hiệu sẵn có. Nên nếu bị bắt giữ, xử phạt thì thiệt hại không nhiều so với lợi nhuận thu được. Cho nên thực tế cho thấy có nhiều nhóm đối tượng bị phát hiện, xử phạt nhiều lần nhưng sau mỗi lần bị bắt, khi hoạt động chở lại họ lại có nhiều chiêu, trò mới để đối phó với cơ quan chức năng”, vị đại diện này cho biết thêm.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn những thiệt hại cho xã hội từ việc sản xuất, kinh doanh gas giả, đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần có thêm những chế tài đủ mạnh và đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm pháp luật này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm