Trước thời kỳ Đổi mới về tôn giáo (1990)

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán chính sách tôn trọng, đảm bảo và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn nhất quán, được xây dựng dựa trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dù không đề cập thường xuyên đến vấn đề tôn giáo, nhưng trong các tác phẩm Đường Kách mệnh, Chính cương, Sách lược Vắn tắt (1930), Luận cương Chính trị (1930), đã ít nhiều chú ý đến vấn đề tôn giáo.

Mặc dù giai đoạn trước 1945, những người cách mạng Việt Nam có mối bận tâm lớn nhất là cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân nhung không ít nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã có được những quan điểm đúng đắn vượt trội về tôn giáo, điều mà trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc đó không phải Đảng Cộng sản nào cũng có được. Chúng ta có thể thấy những quan điểm về tôn giáo của Nguyễn Văn Nguyễn, Trường Chinh, đặc biệt là của Hồ Chí Minh.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tình hình đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thời kỳ độc lập non trẻ, Đảng và Nhà nước ta phải giải quyết nhiều vấn đề từ chống giặc ngoại xâm đến giặc “nội xâm” (giặc đói và giặc dốt).

Bên cạnh đó, thực dân Pháp không ngừng dùng mọi thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Nhận thức được đầy đủ và sâu sắc vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của nhân dân; tầm quan trọng của đồng bào có đạo cũng như không có đạo trong khối đại đoàn kết toàn dân với công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, Nhà nước ta đã có những chính sách tôn giáo cụ thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là người “đặt nền tảng luật pháp tôn giáo ở nước ta”[1]. Ngay trong phiên họp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong sáu nhiệm vụ cấp bách được nêu ra tại hội nghị, Người đã kêu gọi: “Thực dân Pháp và phong kiến tìm cách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để cai trị, tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”[2].

Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo soạn thảo, đã xác định “quyền tự do tín ngưỡng” là một trong các quyền cơ bản của công dân[3].

Với việc công nhận quyền tự do tín ngưỡng của công dân, Hiến pháp 1946 đã trở thành cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chính sách đối với tôn giáo ở nước ta.

Ngày 16/3/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 234/SL về vấn đề tôn giáo.

Sắc lệnh cho chúng ta nhìn thấy rõ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lựa chọn một trong ba mô hình Nhà nước thế tục[4]. Đây là văn bản có tính chất pháp luật tiêu biểu và hoàn chỉnh nhất cho những cống hiến quan trọng của Hồ Chí Minh trên chặng đường đầu tiên xây dựng luật pháp tôn giáo ỏ Việt Nam.

Sắc lệnh 234/SL đã quy định từ “đảm bảo tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng, quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào” đến những vấn đề như hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của các tôn giáo; đến vấn đề ruộng đất tôn giáo, quan hệ giữa chính quyền với tôn giáo...

Sắc lệnh nêu rõ: “Chính phủ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào”[5].

Kế thừa Hiến pháp 1946, quyền tự do tôn giáo của nhân dân lần lượt được khẳng định qua các bản Hiến pháp 1959,1980. Đổng thời, lần đầu tiên so với Hiến pháp 1946, 1959, Hiến pháp 1980 quy định: “Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Đây cũng là bản Hiến pháp không chỉ công nhận quyền tự do tín ngưỡng mà đồng thời gắn với việc chống việc lợi dụng tôn giáo.

Sau năm giải phóng miền Nam 1975, cả nước hân hoan trong niềm vui thống nhất. Đảng và Nhà nước đã không quên quan tâm đến đời sống tôn giáo cũng như đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam, cụ thể hóa thể chế hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ngoài Sắc lệnh 234/SL còn phải kể đến Nghị quyết số 297/NQ - HĐBT (11/11/1977) về một chính sách đối với tôn giáo của Hội đồng Bộ trưởng. Nghị quyết đưa ra năm nguyên tắc của chính sách tôn giáo.[6]

Có thể thấy, giai đoạn trước đổi mới, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta đều khẳng định “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của công dân; thực hiện đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện những nhiệm vụ của cách mạng; tôn trọng và bảo vệ các cơ sở thờ tự của tôn giáo cũng như tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để quản lý các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, cũng như chống lại các mưu đồ lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch.

Việc ban hành các văn bản đã góp phần quan trọng trong việc tạo niềm tin của đồng bào có đạo vào Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, giai đoạn này mới chỉ bước đầu quản lý pháp luật đối với một số hoạt động tôn giáo với những quy đinh hoạt động tôn giáo còn đơn giản, chưa có những quy định cụ thể để điều chỉnh các hoạt động tôn giáo; cơ quan quản lý Nhà nước vể tôn giáo chỉ có ở cấp Trung ương, chưa có cơ quan chuyên trách quản lý vấn đề tôn giáo.

Giai đoạn này khi đặt vấn đề quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn gắn liền một cách hữu cơ với vận mệnh của dân tộc của đất nước và trong đó, lợi ích của toàn thể dân tộc, đất nước bao giờ cũng phải được đặt ở vị trí ưu tiên, cao hơn so với lợi ích của một bộ phận. Theo đó, ngày nay quyền tự do tôn giáo được đảm bảo nhưng phải phù hợp với trình độ phát triển của đất nước. Đây là một yêu cầu khách quan, song đáng tiếc nhận thức và hành vi của một số ít người có và không có tôn giáo không lấy đó làm cơ sở để nhìn nhận, đánh giá những chuyển đổi trong quan điểm nhận thức và chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

Từ 1990 đến nay

Quan điểm, đường lối tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngường, tôn giáo không chỉ thể hiện trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, mà còn được cụ thể hóa trong những nghị quyết của các cơ quan của Đảng về công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

Bộ Chính trị khóa VI ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16/10/1990 về “tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” là dấu mốc mở đầu cho bước ngoặt phát triển nhận thức về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị quyết này có ba luận điểm căn bản có tính đột phá trong nhận thức là: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”, “tôn giáo là vấn đề tồn tại lâu dài”; “tôn giáo có những giá trị văn hóa đạo đức phù hợp với chế độ mới”.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị quyết 24/NQ-TW, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ những kết quả, khuyết điểm trong công tác tôn giáo, ngày 02/7/1998, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 37/CT-TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Để thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo, chỉ thị đã yêu cầu công tác tôn giáo của hệ thống chính trị luôn phải tuần thủ những nguyên tắc sau đây:

1 - Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Mọi công dân đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi trước pháp luật, không phần biệt người theo đạo và không theo đạo, cũng như giữa các tôn giáo khác nhau.

2 - Đoàn kết gắn bó đồng bào theo các tôn giáo và không theo tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân.

3 - Mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; gìn giữ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

4 - Những hoạt động tôn giáo ích nước, lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được bảo đảm. Những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy.

5 - Mọi hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo để làm mất trật tụ an toàn xã hội, phương hại nền độc lập dân tộc, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây tổn hại các giá trị đạo đức, lối sống, văn hoá của dân tộc, ngăn cản tín đồ, chức sắc các tôn giáo thực hiện nghĩa vụ công dân, đều bị xử lý theo pháp luật. Hoạt động mê tín phải bị phê phán và loại bỏ. [7]

Đến ngày 12/3/2003, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy, khoá IX ra Nghị quyết 25/NQ-TW về công tác tôn giáo thì quan điểm, đường lối của Đảng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được khẳng định và phát triển thêm một bước mới, trong đó khẳng định:

“1 - Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyển sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

2 - Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

3 - Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác vận động quần chúng các tôn giáo phải động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc; thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào tôn giáo.

4 - Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Công tác tôn giáo có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, các cấp, các ngành, các địa bàn. Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo có trách nhiệm trực tiếp, cần được củng cố và kiện toàn. Công tác quản lý Nhà nước đối với các tôn giáo và đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo để chống đối chế độ chỉ thành công nếu làm tốt công tác vận động quần chúng.

5 - Vấn đề theo đạo và truyền đạo. Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo của mình theo đúng quy định của pháp luật. Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật.”[8]

Quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được hiến định trong Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyến tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.” (Điều 24)

Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một chính sách nhất quán của Đảng ta kể từ khi thành lập đến nay, là một nội dung cốt lõi trong quan điểm, chính sách của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong các giai đoạn cách mạng, quan điểm, nhận thức của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo luôn có sự bổ sung, phát triển cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, thực tiễn cách mạng Việt Nam, cũng như thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được nhìn nhận là quyền tự nhiên của con người - tức đã là con người, ai cũng được thụ hưởng, đó là quyền bẩm sinh của con người, con người sinh ra đã có quyền đó. Một điểm nữa để khẳng định rõ hơn chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là việc có nhiều hơn những người theo tôn giáo được kết nạp Đảng.

Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ: “Số đảng viên mới kết nạp là đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, nữ, trí thức, học sinh, sinh viên, dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo, người lao động trong các thành phần kinh tế và chủ doanh nghiệp tư nhân tăng hơn so với khóa trước”. Đây là một điểm mới so với các văn kiện Đại hội Đảng trước đây khi chúng ta khẳng định chính sách kết nạp Đảng đối với những người theo tôn giáo.

Trong “Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phần phương hướng, nhiệm vụ giải pháp (mục V, điểm 6), Văn kiện Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam nêu: “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”[9]

Có thể nói, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi thành lập đến nay. Tuy vậy, nội hàm của quan điểm, đường lối nàv luôn được bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước cũng như tình hình khu vực và quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

-----------------------------

[1] Hổ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 17.

[2] Đây là luận điểm của GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Theo ông, trên thế giới hiện tổn tại ba mô hình nhà nước thế tục, đó là: 1 mô hình thỏa ước, dành cho các quốc gia có một tôn giáo chiếm vị trí đa số; 2 mô hình dành cho sự ưu tiên đa dạng tôn giáo, trong đó nhà nước thừa nhận một số tôn giáo có chọn lọc, đồng thời tôn trọng các tôn giáo khác; 3 mô hình nhà nước thế tục trung lập thể chế, trong đó nhà nước không “công nhận” một tôn giáo nào, tất cả các tôn giáo đều phải thực hiện “nguyên lý thế tục”. GS.TS Đỗ Quang Hưng cho rằng, nước ta việc chọn mô hình thứ hai là hợp lý. Theo ông, việc ứng xử của Hồ Chí Minh với các tổ chức tôn giáo sau 1945 đã tạo ra những tiền đề xây dựng pháp luật về tôn giáo Việt Nam sau này.

[3] . Theo các nghiên cứu lúc đó gọi “tín ngưỡng” bao hàm cả niềm tin tôn giáo. Khi đó thuật ngữ “tự do tôn giáo” chưa được sử dụng.

[4] Đỗ Quang Hưng, Hồ Chí Minh và nền tảng luật pháp tôn giáo ở nước ta, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3, 2002, tr. 7.

[5] Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Sắc lệnh sổ 234/SL, ngày 14/6/1955.

[6] Hội đồng Chính phủ, Nghị quyết số 297-CP về một chính sách đối với tôn giáo, ngày 11/11/1977.

[7]  Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 37 của Bộ Chính trị, ngày 2/7/1998  về công tác tôn giáo trong tình hình mới.

[8] Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.272.

TS Ngô Quốc Đông, Viện Nghiên cứu Tôn giáo