Buổi triển lãm đầu tiên diễn ra vào ngày 4/6 tại Chi hội Tin lành Bình Tây.

Đến với triển lãm, các giáo dân có cơ hội tiếp cận với hơn 800 đầu sách về Bác và các tác phẩm phục vụ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cùng với đó, triển lãm giới thiệu tới giáo dân những tấm gương bình dị mà cao quý học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác, học tập và trong đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân TP.

Những tài liệu, bài viết là câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, không ngừng cố gắng, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh tư liệu văn bản, triển lãm còn trưng bày 65 hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo chủ đề “Hồ Chí Minh: Một nhân cách - một cuộc đời - một dân tộc”. Qua đó, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Buổi triển lãm được tổ chức với mục đích tuyên truyền, giáo dục cho giáo dân, đặc biệt là thế hệ trẻ truyền thống cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, tình yêu quê hương, đất nước, đoàn kết, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho các thế hệ sau di sản tư tưởng quý báu về nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định, tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam căn bản đều yêu nước.

Người nhấn mạnh: “Tôi tin vào lòng nồng nàn yêu nước của đồng bào. Tôi mong rằng mỗi người đều cố gắng làm tròn nhiệm vụ, để đến ngày Tổ quốc thống nhất và độc lập thật sự, mỗi người đều có thể tự hào rằng: “Tôi đã góp một phần vào thắng lợi chung””.

Đoàn kết tôn giáo  là một nội dung quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với Người, đại đoàn kết dân tộc, trong đó có đoàn kết tôn giáo là vấn đề xuyên suốt, cốt yếu của cách mạng.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, vì vậy, vấn đề đoàn kết tôn giáo có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội và tác động mạnh mẽ đến tiến trình cách mạng.

Giải quyết vấn đề này không chỉ là thực hiện đoàn kết giữa đồng bào có đạo và không có đạo, mà còn cần thực hiện đoàn kết trong nội bộ các tôn giáo, đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Trong thực hiện đoàn kết tôn giáo, Hồ Chí Minh chú trọng cả đoàn kết giữa những người cộng sản với đồng bào các tôn giáo. Theo Người, mặc dù thế giới quan của những người cộng sản và những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, song đều có điểm chung về lợi ích của quốc gia, dân tộc, do đó phải sát cánh cùng nhau để đấu tranh cho mục tiêu chung của dân tộc. 

Hơn nữa, là người lãnh đạo cách mạng, những người cộng sản phải là hạt nhân để quy tụ, tập hợp, thu hút quần chúng, trong đó có quần chúng theo đạo tham gia cách mạng.

Bá Di