Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoàng Hiệp - Mạnh Tiến
Thứ tư, 02/04/2025 - 14:33
(Thanh tra) - Với những gia đình có con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, mỗi bước tiến nhỏ của trẻ đều là niềm hy vọng lớn lao. Tại Trung tâm Hoa Sao (TP Hạ Long, Quảng Ninh), những lớp học đặc biệt không chỉ giúp trẻ cải thiện kỹ năng giao tiếp, sinh hoạt mà còn mở ra cánh cửa hòa nhập với cộng đồng.
Mỗi học sinh học tại đây sẽ được đánh giá định kỳ hàng tháng/quý bởi đội ngũ chuyên gia và bác sĩ. Ảnh: Fanpage Trung tâm TLGD Hoa Sao
Không giống như những lớp học thông thường, tại Trung tâm Hoa Sao, mỗi phòng học chỉ có một giáo viên kèm một học sinh. Không âm thanh ồn ào của một lớp học đông người, chỉ có những bài tập được cá nhân hóa dựa trên tình trạng của từng trẻ. Từ việc hướng dẫn cầm bút, chào hỏi, cho đến cách diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc – tất cả đều được dạy một cách kiên nhẫn, từng bước một.
Không khí trong lớp học lúc trầm lặng, lúc sôi động khi các cô giáo khích lệ từng phản ứng nhỏ nhất của trẻ. "Một nụ cười, một ánh mắt tập trung hay một câu nói dù ngắn gọn cũng là sự tiến bộ đáng mừng", ThS Bùi Kiều Chinh, Giám đốc Trung tâm Hoa Sao chia sẻ.
Gắn bó với trẻ tự kỷ gần 20 năm, ThS Bùi Kiều Chinh đã chứng kiến không ít trường hợp đến can thiệp muộn. "Có những bé khi đến trung tâm gần như không phản ứng với môi trường xung quanh, không gọi bố mẹ, thậm chí không thể tự ăn, tự đi vệ sinh. Càng lớn, các con càng gặp nhiều khó khăn trong việc bày tỏ mong muốn, cảm xúc, dễ cáu gắt, quậy phá", ThS Chinh cho biết.
Hiện nay, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn chứng tự kỷ. Tuy nhiên, những trẻ được phát hiện sớm, can thiệp đúng cách, có sự phối hợp giữa gia đình và nhà chuyên môn có thể giảm đáng kể ảnh hưởng của tự kỷ đến cuộc sống. Điều này giúp trẻ nâng cao chất lượng sống, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo các chuyên gia, giai đoạn can thiệp vàng là trước 4 tuổi, đặc biệt là trước 3 tuổi, khi não bộ còn đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ. "Trẻ càng được hỗ trợ sớm, khả năng thích nghi và hòa nhập càng cao”, cô Chinh nhấn mạnh.
Bên cạnh nỗ lực của trung tâm, sự đồng hành của gia đình đóng vai trò quan trọng. Chị Minh, một phụ huynh ở TP Cẩm Phả, chia sẻ rằng con trai chị được chẩn đoán tự kỷ khi mới 24 tháng tuổi. Nhờ kiên trì tập luyện theo hướng dẫn của giáo viên, sau ba năm, bé đã có thể giao tiếp và hòa nhập với các bạn đồng trang lứa. "Trước khi đến đây, tôi không nghĩ con có thể đi học bình thường. Nhưng nhờ phát hiện sớm và kiên trì cùng con mỗi ngày, cháu đã tiến bộ hơn mong đợi”, chị Minh nói.
Chị Trinh không phải là trường hợp duy nhất, nhiều phụ huynh khác cũng từng trải qua quãng thời gian hoang mang khi phát hiện con mắc chứng tự kỷ. Một phụ huynh chia sẻ: "Lúc đầu, tôi cũng không biết là con bị tự kỷ. Đi khám thì người ta bảo là do ngắn lưỡi, rồi thì mẹ cứ luyện dần với con là nói được. Lên chuyên khoa khám thì mới tá hỏa. Tự kỷ thì không chữa dứt được nhưng mà giúp con khá được ngày nào thì hay ngày ấy”.
Lời chia sẻ ấy cũng là nỗi niềm chung của nhiều bậc cha mẹ. Không ít gia đình hoang mang khi thấy con thích chơi một mình, ngại tiếp xúc với người lạ hoặc trên 2 tuổi vẫn chưa biết nói, từ đó vội vàng kết luận trẻ mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên, những biểu hiện này rất dễ bị nhầm lẫn với tình trạng trầm cảm hoặc chậm nói đơn thuần. Việc chẩn đoán sai có thể dẫn đến những can thiệp không đúng hướng, khiến quá trình hỗ trợ và giáo dục trẻ bị chậm trễ.
Không chỉ là vấn đề của từng gia đình, tự kỷ đang trở thành một thách thức lớn đối với xã hội. Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố đầu năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó có khoảng 1 triệu người mắc rối loạn phổ tự kỷ. Ước tính, cứ 100 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ mắc hội chứng này. Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đã gia tăng đáng kể.
Các chuyên gia ước tính, hơn 1 triệu trẻ tự kỷ sẽ kéo theo 8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp. Đồng thời, mỗi năm có một lượng lớn trẻ tự kỷ bước vào tuổi trưởng thành. Khi đến giai đoạn dậy thì, các em gặp rất nhiều khó khăn về tâm lý và hành vi, khiến phụ huynh thêm phần vất vả. Nhiều bậc cha mẹ lo lắng cho tương lai của con khi họ ngày càng già yếu, chi phí chăm sóc tăng cao, trong khi phần lớn trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc lao động, tự nuôi sống bản thân.
Những con số thống kê về trẻ tự kỷ vẫn tiếp tục gia tăng, kéo theo nhiều nỗi lo về tương lai của các em và gánh nặng cho gia đình. Thế nhưng, giữa những thách thức ấy, vẫn còn những điểm sáng.
Hành trình phía trước còn dài và đầy gian nan, nhưng với sự kiên trì, tình yêu thương và những phương pháp hỗ trợ đúng đắn, cánh cửa hòa nhập vẫn luôn rộng mở, mang theo hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ tự kỷ.
Ngày 2/4 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về rối loạn này, giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị và có cơ hội hòa nhập tốt hơn vào cuộc sống.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có báo cáo nhanh về các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện Bình Liêu và phường Đại Yên, TP Hạ Long.
Trọng Tài
(Thanh tra) - Những ngày này, trên khắp các nẻo đường tại TP Hồ Chí Minh, hàng loạt băng rôn, pano, áp phích, cờ hoa... xuất hiện tràn ngập tạo nên bầu không khí lễ tưng bừng, phấn khởi chào đón 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Trần Minh
Hải Hà
Văn Thanh
Trọng Tài
Văn Thanh
Hương Giang
Trọng Tài
Hải Hà
Hải Hà
Văn Thanh
Trà Vân
Trung Hà
Trọng Tài
Thanh Giang
Trần Minh
T. Minh
Hải Hà