Kế hoạch có mục tiêu chung là nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, hiệu quả xử lý các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo và có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo (sau đây gọi chung là làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo); đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần thực hiện thành công chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo cũng như đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu thực hiện công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo đúng nội dung chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng phù hợp với từng loại đối tượng; đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về tín ngưỡng, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế.

Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2026

100% công chức làm công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng.

90% cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng.

100% công chức văn hóa - xã hội cấp xã, 80% cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo cấp xã tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng.

Theo kế hoạch, đối tượng bồi dưỡng cấp tỉnh là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Cựu Chiến binh tỉnh.

Đối tượng bồi dưỡng cấp huyện là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện; Ban Dân vận các huyện ủy, thành ủy; Công an các huyện, thành phố; Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố; Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh các huyện, thành phố; Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Kinh tế và Hạ tầng (hoặc Phòng Quản lý Đô thị), Phòng Nội vụ các huyện, thành phố.

Cấp xã là lãnh đạo Đảng ủy, UBND cấp xã; công chức văn hóa - xã hội, công chức thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực địa chính, xây dựng; công an cấp xã.

Nội dung tập huấn, bồi dưỡng tập trung vào việc phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo (Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo); Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tôn giáo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giai đoạn 2021-2025.

Tập huấn, bồi dưỡng công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Cập nhật kiến thức và kỹ năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo như: Tài nguyên và môi trường, xây dựng, y tế, giáo dục…

Đối với công tác tín ngưỡng: Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ quản lý Nhà nước về tín ngưỡng gồm: Đăng ký hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng; bầu, cử người đại diện hoặc thành viên Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức lễ hội tín ngưỡng; quyên góp, quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, di dời công trình tín ngưỡng… Cập nhật kiến thức, kinh nghiệm giải quyết đối với các hành vi lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập huấn, bồi dưỡng công tác vận động quần chúng, xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và đầu mối ban quản lý, người đứng đầu cơ sở tín ngưỡng, đặc biệt trong vùng có nhiều loại hình tín ngưỡng.

Đối với công tác tôn giáo: Cập nhật thông tin về tình hình tôn giáo, trao đổi về công tác an ninh tôn giáo, kinh nghiệm xử lý các vụ việc phức tạp, điểm nóng liên quan đến tôn giáo. Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác tôn giáo, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về công tác tôn giáo nói chung và công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo nói riêng.