Hình ảnh một Tà Tổng thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu từng là “điểm nóng” về ma túy với số đồng bào nghiện lên tới hàng trăm người dần lùi xa vào quá khứ là nhờ vào chủ trương của tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè đã thành lập nhiều tổ công tác vào xã Tà Tổng tuyên truyền pháp luật cho người dân hiểu. 

“Ma” thuốc phiện ám ảnh bản làng

Tà Tổng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Mường Tè. Xã có tổng diện tích tự nhiên hơn 51.000ha, với hơn 7.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm khoảng 95%. Vùng quê nghèo khó này từng được biết đến là "thủ phủ" cây thuốc phiện ở huyện Mường Tè nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, ở Tà Tổng, nhà nào cũng trồng thuốc phiện. Cây thuốc phiện khi đó được xem là một trong những cây trồng chính của xã vùng cao này. Ông Giàng Giả Dình (70 tuổi, dân bản Tà Tổng, xã Tà Tổng) nhớ lại: Khi Nhà nước chưa cấm thuốc phiện, ở Tà Tổng hầu như gia đình nào cũng trồng cây thuốc phiện. Nhà ít thì một vài đám, nhà nhiều lên đến cả nghìn mét vuông. Cây thuốc phiện được trồng tràn lan ở vườn nhà, trên nương, trong rừng, dưới khe núi.

“Thời ấy, tôi làm ở xã và được trưng tập vào đội đi cân thuốc phiện. Cứ vào độ tháng 10 hàng năm là đến mùa trồng thuốc phiện. Sau 6 tháng, cây thuốc phiện sẽ cho thu hoạch. Cứ sau mỗi mùa hoa anh túc nở, thì số người nghiện trong xã lại tăng lên. Nhiều người lúc đầu chỉ hút thử cho biết, rồi nghiện lúc nào không hay" - ông Dình bùi ngùi!

Ma túy là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo ở Tà Tổng.

Ma túy đã làm hao mòn sức lực của con người, những bao thóc, bao ngô ít ỏi thu được từ việc làm nương, cấy ruộng, đều được đem đổi lấy thuốc phiện để hút. Ở những bản có nhiều người nghiện, hầu hết diện tích canh tác đều bị bỏ hoang, những khu ruộng bậc thang chạy theo các khe suối nhưng chỉ có một số diện tích nhỏ được bà con cấy lúa, còn lại được trồng cây thuốc phiện. Rồi đến khi Nhà nước có lệnh cấm trồng cây thuốc phiện nhưng nhiều hộ dân vẫn bất chấp trồng số lượng lớn và tham gia bán thuốc phiện nên bị xử lý, thậm chí là bắt giam, xử tù.

Cuộc sống người dân cứ thế cứ lao vào vòng luẩn quẩn nghèo đói, sức khỏe kiệt quệ không thể lao động sản xuất, đói ăn đói mặc, con cái sinh ra bệnh tật nheo nhóc. Nhiều đồng bào gần như không ý thức được cuộc sống hiện tại.

Anh Lý A Tủa, người trở về từ trại cai nghiện ma túy nhớ lại: Ngày trước, do cây thuốc phiện của nhà trồng được nên cứ thế dùng, ban đầu là dùng thử, sau thì nghiện. Đến khi nhà hết thuốc thì phải mang ngô đi đổi. Rồi khi được cán bộ đến thăm, những lúc tỉnh táo được cán bộ nói cho biết những cái hại của ma túy, cũng được gia đình giúp đỡ nên mình đã đi cai nghiện. Giờ mình đã lấy vợ và có con, có nhà riêng, ruộng nương riêng rồi.

Ông Lý Anh Hừ - Bí thư Huyện ủy Mường Tè chia sẻ: Nhắc đến Tà Tổng người ta thường nhắc đến vùng quê của đói nghèo, lạc hậu và thuốc phiện. Tuy nhiên, ông Lý Anh Hừ cũng vui vẻ cho biết: Cây thuốc phiện được trồng ở Tà Tổng từ xa xưa rồi. Đến khi Nhà nước có lệnh cấm, tình trạng trồng và tái trồng cây thuốc phiện ở Tà Tổng dần dần đỡ phức tạp hơn.

Cuộc sống đổi thay

Không ai không bất ngờ khi trở lại Tà Tổng thời gian này. Đường từ xã Nậm Khao vào Tà Tổng dốc dựng đứng, song đi lại cũng dễ dàng hơn trước rất nhiều, vì đã được nhựa hóa. Trung tâm xã Tà Tổng hiện lên bình yên với ba bề, bốn bên là những vạt rừng xanh thẫm. Trụ sở xã, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang. Các em học sinh được cắp sách đến trường...

Người dân tộc ở Mường Tè nhận được sự hỗ trợ khá lớn từ Nhà nước, trong đó có Quyết định 1672/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/9/2011 với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao, Tà Tống. Tuy nhiên, từ thực tế địa phương, chính quyền huyện Mường Tè xác định, muốn đuổi được giặc đói thì phải dẹp được tệ nạn nghiện hút đang hoành hành ở một số bản làng. Còn người nghiện thì cuộc sống của đồng bào còn khổ…

Thế rồi quyết tâm xóa bỏ cây thuốc phiện được biến thành hiện thực ở nhiều xã của huyện Mường Tè, trong đó có xã Tà Tổng. Để xóa bỏ cây thuốc phiện, tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè đã thành lập nhiều tổ công tác vào xã Tà Tổng tuyên truyền pháp luật cho người dân hiểu, Nhà nước cấm trồng cây thuốc phiện do đó nếu trồng là vi phạm pháp luật là phải phạt tiền thậm chí phải bị đi tù; rồi vận động bà con tự phá nhổ cây thuốc phiện, cam kết không tái trồng.

“Bản thân tôi nhiều lần cùng tổ công tác đi bộ cả ngày trời mới tới được nương thuốc phiện. Vì trồng cây thuốc phiện lén lút nên người dân thường chọn địa điểm ở vùng sâu, vùng xa, đi lại rất khó khăn. Sau nhiều năm ròng rã kiên trì vận động và kiên quyết phá nhổ, tình trạng lén lút trồng thuốc phiện ở Tà Tổng đã "giảm nhiệt" nhanh chóng, đến nay hầu như không còn" - ông Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè cho hay.

leftcenterrightdel
 Người dân Tà Tổng lên rẫy sản xuất. Ảnh: Hải Minh

Để bình yên dần trở lại với Tà Tổng, Công an tỉnh Lai Châu đã xây dựng kế hoạch trấn áp tội phạm. Theo đó, ngay từ đầu các niên vụ tái trồng cây thuốc phiện tháng 9 hàng năm, cán bộ công an được cử về từng bản, đến từng nhà, rà từng lán nương để tuyên truyền, vận động bà con ký cam kết không tái trồng cây thuốc phiện. Cùng với đó, các lực lượng chức năng địa phương đã rà soát số người nghiện trên địa bàn để đưa đi cai, nên đến nay tỷ lệ người nghiện của xã đã giảm mạnh.

Song song với việc tuyên truyền, vận động, phá nhổ cây thuốc phiện, huyện Mường Tè đặc biệt quan tâm đầu tư giúp xã Tà Tổng phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án của Chính phủ vào địa bàn, huyện Mường Tè ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn trong huyện, trong đó có xã Tà Tổng. Bộ mặt nông thôn miền núi của xã Tà Tổng cũng nhờ đó mà có sự đổi thay đáng kể.

Ông Lỳ Phù Cà, Bí thư Đảng ủy xã Tà Tổng, huyện Mường Tè cho biết: Chúng tôi tuyên truyền, vận động thay thế cây thuốc phiện bằng việc trồng các cây trồng khác như mắc ca, cây quế ở những nơi có thể trồng được. Và nhân dân đã tích cực nhận thức, chuyển đổi, chính vì vậy đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã được nâng lên, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Anh Sùng Vả Co, ở bản Tà Tổng, xã Tà Tổng chia sẻ: Anh cũng như nhiều thanh niên trong bản đã từng có nhiều năm nghiện thuốc phiện. Để có thuốc phiện sử dụng, lợi dụng địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, nhóm thanh niên trong bản thường vào rừng sâu để trồng cây thuốc phiện. Được cán bộ về bản tuyên truyền tác hại của thuốc phiện cũng như việc vi phạm pháp luật nếu trồng loại cây này nên sau khi được đưa đi cai nghiện, rồi hỗ trợ cây, con giống cho bà con trồng, chăn nuôi, đến nay nhiều người đã không còn hút thuốc phiện và không trồng cây thuốc phiện nữa.

Để đồng bào hiểu và làm theo cán bộ từ bỏ trồng cây thuốc phiện, rồi đi cai nghiện để trở về với cuộc sống mới ở Tà Tổng có thời điểm ai cũng nghĩ khó hơn cả lên trời. Vậy mà giờ đây, nhìn cuộc sống của đồng bào người Mông đang hồi sinh từng ngày, ánh mắt không giấu nổi niềm vui, niềm tự hào của cán bộ chính quyền các cấp người ta càng hiểu được rằng, dù khó khăn đến đâu thì một khi người dân được tuyên truyền đúng và kịp thời những đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thấy được sự quan tâm của chính quyền đối với cuộc sống của họ thì chắc chắn khó khăn đó sẽ dần được tháo gỡ.

Chủ tịch xã Tà Tổng vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: Cuộc sống của bà con Tà Tổng đã đổi khác rồi, không còn nhiều người nghiện nữa đâu, giờ chỉ có người dân lên nương rẫy để trồng ngô, trồng lúa, chăn nuôi gia súc thôi.

Hải Minh