Cải thiện dinh dưỡng là một hoạt động thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được tỉnh Lào Cai chú trọng thực hiện.

Theo đó, ngành Y tế đã thực hiện kế hoạch điều tra, đánh giá đầu kỳ về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Các em học sinh dưới 16 tuổi sẽ được thu thập các thông tin tình trạng dinh dưỡng, cân đo, đánh giá các chỉ số nhân trắc; phỏng vấn trẻ về thói quen ăn uống, sinh hoạt để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch can thiệp dinh dưỡng kịp thời. 

Đây là hoạt động đầu tiên của Chương trình Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 được Sở Y tế Lào Cai thực hiện nhằm xác định tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 16 tuổi tại 4 huyện nghèo là Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát. Từ đó tìm ra những trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi để có những hoạt động can thiệp trong thời gian tới.

Ngoài việc triển khai triển khai điều tra, đánh giá đầu kỳ về tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em dưới 16 tuổi, ngành Y tế đang thực hiện can thiệp nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh như: Bổ sung đa vi chất cho phụ nứ mang thai; bổ sung vitamin A liều cao cho bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng, cho trẻ 6-60 tháng tuổi định kỳ 2 lần/ năm; tẩy giun cho trẻ 2 tuổi đến học tiểu học và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Chú trọng công tác truyền thông, tư vấn vận động cho bà mẹ, người chăm sóc trẻ nhằm thay đổi nhận thức, tư duy cũng như hành vi về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em.

Tăng cường giám sát hỗ trợ theo hình thức cầm tay chỉ việc tại hộ gia đình về sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm sẵn có trong nhà, đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn. Thường xuyên khám, phát hiện trẻ suy dinh dưỡng cấp tính để tiếp nhận điều trị... Tổ chức các đợt khám, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho học sinh mầm non và tiểu học phát hiện các bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì.

Đặc biệt, công tác truyền thông, tư vấn giáo dục dinh dưỡng được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú như: Truyền thông gián tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng Internet, truyền thông trực tiếp qua các phiên chợ, các buổi họp thôn, truyền thông nhóm tại trạm y tế, thôn bản...

Các nội dung truyền thông tập trung chủ yếu vào 1.000 ngày đầu đời; dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; nuôi con bằng sữa mẹ; ăn bổ sung hợp lý; truyền thông phòng chống thiếu đa vi chất cho phụ nữ có thai, phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng; hướng dẫn sử dụng sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em... 

Nhờ những nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tại cộng đồng, tỉnh Lào Cai đã đạt được những thành tựu đáng kể như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhanh và bền vững.

Ông Ly Seo Sẩu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà cho biết: Ngành Y tế huyện đã tổ chức các buổi truyền thông tại 13 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS. Đối tượng hướng đến là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ có con nhỏ; nam giới mới kết hôn và có vợ đang mang thai… Các nội dung của chương trình tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Nếu như năm 2010, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi của toàn tỉnh là trên 40%, đến năm 2022 tỷ lệ này giảm còn gần 27%. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ tại Lào Cai hiện vẫn cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ hơn 19,6% năm 2015 xuống còn 16,7% năm 2020 và năm 2021 là 15,1%.

Tuy nhiên với xuất phát là một tỉnh miền núi, vùng cao, trình độ dân trí không đồng đều, đa số là DTTS (gần 70% trong số 25 dân tộc), đời sống kinh tế người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. 

Để có được kết quả đó, tỉnh Lào Cai đặc biệt chú trọng công tác truyền thông, tư vấn giáo dục dinh dưỡng dưới nhiều hình thức, như truyền thông gián tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng internet, truyền thông trực tiếp qua các phiên chợ, các buổi họp thôn, truyền thông nhóm tại trạm y tế, thôn bản... Các nội dung truyền thông tập trung chủ yếu vào 1.000 ngày đầu đời; dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; nuôi con bằng sữa mẹ; ăn bổ sung hợp lý; truyền thông phòng, chống thiếu đa vi chất cho phụ nữ có thai, phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng; hướng dẫn sử dụng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em...

Những mô hình hay tại huyện Bát Xát như: “Đoàn viên thanh niên nói không với tệ nạn xã hội” thôn Tả Cồ Thàng; “Dòng họ không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại thôn Lao Chải; “Dòng họ tự quản “Dòng họ Giàng” xã Cốc Mỳ không có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại Thôn Sơn Hà…. Cũng đã góp phần nâng cao nhận thức người dân tại đây.

Theo ông Lục Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết: Trong những năm qua, ngành Y tế Lào Cai đã triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là các huyện có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngành Y tế cũng chú trọng đến việc tập huấn, xây dựng các mô hình dinh dưỡng giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc và nâng cao tầm vóc cho trẻ.

Hy vọng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như của cơ quan, ban, ngành ở Lào Cai dành cho trẻ em các gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, sẽ hỗ trợ cho các em có thêm dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe và sức đề kháng để phát triển tốt hơn cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Nam Dũng