Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Sinh kế từ rừng trong đồng bào dân tộc thiếu số

Trang Anh

Thứ tư, 20/07/2022 - 07:00

(Thanh tra) - Giao đất giao rừng nhằm nâng cao mục đích, giá trị của rừng và đất rừng là một trong những nhiệm vụ được các cấp, ngành, các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Nghệ An quan tâm. Bằng nhiều cách làm khác nhau, gắn lồng ghép và phát huy hiệu quả của nhiều đề án, dự án... đã đem lại nhiều giá trị, nhất là cải thiện sinh kế góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi cao, biên giới của tỉnh.

Huyện Kỳ Sơn kiểm tra thực địa việc giao đất, giao rừng và giải quyết tranh chấp ranh giới tại các xã biên giới. Ảnh: Thò Bá Rê

Cắm Muộn là xã vùng sâu của huyện biên giới Quế Phong. Những năm qua, thực hiện chủ trương và các chỉ tiêu Nghị quyết của huyện, xã đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm, các phòng ban chức năng có liên quan, cùng đơn vị tư vấn tiến hành giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 8 cộng đồng bản, với trên 370 ha đất lâm nghiệp.

Điển hình ở bản Piêng Cắm, gia đình ông Vi Văn Nghệ được giao 3,7 ha đất rừng. Từ khi có giấy chứng nhận, gia đình đã chủ động hơn trong việc khoanh nuôi, bảo vệ và biết khai thác giá trị từ đất rừng. Với 2 dòng cây chủ lực là xoan và cây keo, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Ông Lô Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn cho biết: Triển khai thực hiện Nghị định 163 của Chính phủ về giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất lâm nghiệp. Từ khi được giao đất, giao rừng, với quyền lợi và lợi ích thiết thực của chính gia đình mình, mọi người dân trong cộng đồng bản có ý thức chấp hành tốt hơn pháp luật, gắn được quyền lợi với trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ, phát triển rừng.

Có tư liệu sản xuất, bà con vùng DTTS huyện Con Cuông đã chú trọng canh tác và làm tốt công tác bảo vệ rừng. Ảnh: XT

Theo ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, đến nay, toàn huyện đã bàn giao gần 17.500 ha đất rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 26 nghìn hộ gia đình. Song song với thực hiện Nghị định 163 của Chính phủ, Quế Phong cũng tập trung tháp gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển đổi mục đích đất rừng. Mới đây, UBND huyện tiến hành điều tra hiện trạng trên 300 ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng đang có rừng tự nhiên thuộc Dự án Thủy điện Hủa Na, trên địa bàn các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong nhằm xác định chất lượng rừng và xác định cụ thể ranh giới diện tích rừng tự nhiên.

Tại huyện Qùy Châu, với trên 67.000 ha rừng tự nhiên, gần 21.000 ha rừng trồng, đây là địa phương đầu tiên của tỉnh được cấp chứng chỉ rừng bền vững của Hội đồng Quản lý rừng quốc tế (viết tắt FSC) cho trên gần 3000 ha rừng trồng, hơn 300 ha rừng tự nhiên.

Huyện Qùy Châu có thế mạnh để phát triển nông - lâm - nông nghiệp, nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân. Chính bởi vậy, ngay sau khi hoàn thành Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội với 20 chương trình, đề án, kế hoạch.

Đặc biệt, để tạo động lực thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2025, Huyện ủy Quỳ Châu đã xác định 3 đột phá là: Đổi mới tư duy, khắc phục trì trệ; tập trung phát triển kinh tế rừng; huy động nguồn lực phát triển du lịch. Trong đó, mũi “tập trung phát triển kinh tế rừng” được Đảng bộ huyện triển khai sớm hơn.

Cụ thể hóa chương trình hành động, huyện Quỳ Châu đã ban hành Đề án “Phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, giai đoạn 2020- 2025” huyện đã tập trung thực hiện tốt việc chuyển giao đất rừng cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trên địa bàn, với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất; có khả năng cung cấp sản lượng lớn, an toàn, ổn định lâu dài.

Hạt Kiểm lâm huyện Qùy Châu kiểm tra hiện trạng rừng tại các khu vực giáp ranh. Ảnh: XT

Ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Giao đất giao rừng, gắn mục tiêu định hướng để cụ thể hóa chương trình hành động là một trong những bước triển khai mang lại hiệu quả cho việc phát triển rừng của Quỳ Châu thời gian qua. Bên cạnh duy trì ổn định diện tích rừng sản xuất nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân, việc mở rộng quy mô, phát triển rừng cây bản địa cũng là một đòi hỏi tất yếu.

Huyện đã xây dựng đề án và thực hiện mô hình “trồng cây gỗ lớn gắn phát triển du lịch sinh thái”, và xem đây là một trong những nội dung chỉ đạo điểm cho giai đoạn 2020- 2025 và những năm tiếp theo bởi phát triển cây gỗ bản địa thực chất là phát triển hệ cây gỗ lớn, qua đó bảo vệ màu xanh của vùng rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, bảo vệ thảm thực vật đầu nguồn và bảo tồn nguồn gen quý trên vùng Tây Bắc xứ Nghệ. Việc trồng cây gỗ lớn cũng sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho người dân vì những giá trị mà nó mang lại.

Qua tìm hiểu trên địa bàn huyện Qùy Châu, cùng với giao đất giao rừng, việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực cũng đang được các địa phương chú trọng. Quỳ Châu đặt ra các chỉ tiêu phát triển các sản phẩm sau khi tiến hành giao đất, giao rừng như: Diện tích cây Rễ hương 200 ha, sản lượng đạt 1.695 tấn; trồng 300 ha cây dược liệu (trong đó, cây chè hoa vàng  khoanh nuôi dưới tán rừng tự nhiên 200 ha; trồng thâm canh các loại cây dược liệu khác như: Sa Nhân, Sa chi, Nghệ 100 ha, đạt sản lượng 516 tấn). Diện tích trồng rừng nguyên liệu đạt trên 25.000 ha, trong đó diện tích rừng cây gỗ lớn 5 nghìn ha; sản lượng 1 triệu m3.

Ông Vi Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Giải pháp giao đất, giao rừng, cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho đồng bào sinh sống ở vùng núi, biên giới là chủ trương lớn, cần được vào cuộc và giải quyết kịp thời, đây là cơ sở, tiền đề để quản lý rừng dựa vào người dân, cộng đồng.

Chủ trương này sẽ đảm bảo hài hoà giữa sinh thái vốn rừng và hưởng lợi của người dân; đồng thời khuyến khích được người nhận rừng tổ chức kinh doanh, đầu tư vào rừng, qua đó hưởng lợi từ rừng.

Để thực hiện Đề án Giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử đất lâm nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 -2021, thời gian qua, toàn tỉnh đã bàn giao  trên  265.000 ha cho các hộ gia đình và nhóm hộ gia đình quản lý, sản xuất.

Không chỉ Quế Phong, Quỳ Châu, những năm qua, ở huyện miền núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, công tác giao đất giao rừng cơ bản hoàn thành. Tỷ lệ hộ dân được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng đạt trên 80%. Việc các hộ dân sau khi nhận đất rừng đã phát huy tính chủ động trong đầu tư phát triển sinh kế ngay trên khu rừng của mình. Từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo ở khu vực miền núi, biên giới.

Giao đất, giao rừng góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập, bảo đảm an ninh về rừng cho bà con DTTS. Ảnh: XT

Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đánh giá: Để chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh Nghệ An tiếp tục phát huy hiệu quả, nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng rừng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với nhiệm vụ bảo vệ rừng, trồng mới rừng, trồng lại rừng, khoanh nuôi rừng và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn.

Ngoài những để án cụ thể của các địa phương, việc thực hiện tốt công tác giao rừng gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lâm nghiệp và quản lý sử dụng đất lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật là điều rất quan trọng.

Thực hiện tốt các cơ chế chính sách về lâm nghiệp để người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS sinh sống gần rừng núi được thụ hưởng các quyền lợi về quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, tạo sinh kế bền vững, giúp đồng bào sống được từ rừng để xóa đói giảm nghèo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm