Theo dõi Báo Thanh tra trên
Xuân Thống
Thứ sáu, 15/10/2021 - 15:54
(Thanh tra) - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An qua nhiều cuộc tiếp xúc với cử tri ghi nhận các kiến nghị về an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, chính sách hỗ trợ người nghèo, người cao tuổi, hỗ trợ việc làm sau Covid-19… thì chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cũng được đề cập.
Ông Vi Văn Cường, đại diện cử tri xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong trình bày kiến nghị lên Đoàn Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Xuân Thống
Đẩy mạnh việc giao đất rừng để tạo sinh kế
Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, ngoài việc UBND tỉnh cho các doanh nghiệp (DN) thuê đất lâm nghiệp để thực hiện dự án (DA), triển khai trồng rừng và các hạng mục khác của DA trên diện tích được thuê, thì các ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ là đơn vị sự nghiệp được Nhà nước giao quản lý các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và một số diện tích đất rừng sản xuất đan xen trong các khu rừng. Thực tế hiện nay, nhiều diện tích rừng sản xuất vẫn chưa tiến hành công tác giao rừng, cho thuê rừng.
Tại xã vùng sâu Nghĩa Mai của huyện miền núi Nghĩa Đàn, có tỷ lệ đồng bào DTTS trên 70%, diện tích đất trên 12.000 ha, hơn 8.000 khẩu, điều kiện còn nhiều khó khăn. Theo phản ánh của nhiều cử tri, hiện nay có gần 15% số hộ thiếu đất sản xuất, trong khi DN đóng trên địa bàn có đất nhưng hiệu quả chưa cao, nhân dân tiếp tục có ý kiến đề xuất bàn giao đất rừng không hiệu quả về cho nhân dân sản xuất.
Trong khi đó, người dân các bản có tộc người Đan Lai ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông lại đề nghị các cấp quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch đất ở, đất sản xuất, đất rừng để bà con ở 2 bản Co Phạt, Khe Búng sản xuất.
Ngoài ra, cử tri xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn đề xuất Nhà nước sớm hỗ trợ, phân bố kinh phí để huyện thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, tự khoanh nuôi, bảo vệ rừng.
Cử tri tại xã miền núi Châu Bình, huyện Quỳ Châu kiến nghị liên quan những thiệt hại lớn mà địa phương phải gánh chịu do thiên tai trong những năm gần đây, đề nghị Quốc hội nghiên cứu thêm cơ chế, chính sách, chế tài liên quan đến bảo vệ tài nguyên rừng, nhất là rừng tự nhiên, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc trồng rừng ở các địa bàn miền núi trong tỉnh như Qùy Châu, Quế Phong.
Theo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có những huyện rừng tự nhiên chiếm tỷ lệ 80 - 86% diện tích tự nhiên như: Con Cuông, Quế Phong, có những xã rừng tự nhiên chiếm đến 95% nên việc quy hoạch đất canh tác cho các khu vực này rất khó khăn, một số nơi có tình trạng thiếu đất sản xuất nông nghiệp; phần đất không có rừng để sản xuất (chỉ còn 5-15% diện tích tự nhiên).
Qua tìm hiểu cho thấy, hiện ở các xã có một số diện tích đã giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất nhưng người dân được giao đất không xác định được ranh giới ngoài thực địa, dẫn đến tình trạng tranh chấp, không đủ điều kiện cấp GCNQSD đất cho người dân, như tại huyện Kỳ Sơn, Quế Phong. Việc giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSD đất nhưng chưa gắn với giao rừng, cho thuê rừng nên rừng vẫn chưa có chủ quản lý, dẫn đến tình trạng chặt phá, khai thác, chuyển đổi làm suy thoái rừng xảy ra tại một số địa phương.
Liên quan thực trạng này, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách cho hoạt động giao rừng, cho thuê rừng chưa được bố trí để các địa phương chủ động thực hiện. Công tác quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, thiếu sự đồng bộ, ranh giới địa chính không rõ ràng, vẫn còn tranh chấp đất rừng, nhiều quy hoạch chồng chéo khó giải quyết. Người dân được giao đất, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp, nơi có rừng, họ tự nhận thấy được toàn quyền sử dụng đất và sử dụng rừng nên không nhất thiết hoàn thiện hồ sơ giao rừng.
Đáng chú ý, còn xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép và sử dụng sai mục đích đất lâm nghiệp xảy ra ở nhiều địa phương, với nhiều hình thức khác nhau như cầm cố, thế chấp, vay mượn, bán trao tay… tập trung tại các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Qùy Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong.
Quan tâm đầu tư hệ thống điện, đường giao thông
Tại cuộc tiếp xúc của Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh trước kỳ họp ở huyện Quế Phong, ông Vi Văn Cường - đại diện cho cử tri DTTS xã Tri Lễ (xã giáp biên giới Việt - Lào) cho rằng, thời gian qua huyện cũng như xã đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành trung ương, song qua diễn đàn tiếp xúc cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm kiến nghị đầu tư hệ thống điện và làm đường giao thông, nhất là tại các bản giáp biên giới.
Cử tri trên địa bàn huyện Quế Phong còn tiếp tục kiến nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi thác Sao Va, cho rằng đây là công trình lớn, nếu làm được sẽ dẫn nước về phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại xã Tiền Phong, ít nhất là 1/2 diện tích đất nông nghiệp của xã; đồng thời đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư cửa khẩu phụ tại xã Thông Thụ nhằm đẩy mạnh phát triển giao thương, hàng hóa qua biên giới...
Ở huyện Con Cuông, qua tổng họp của Thường trực Mặt trận Tổ quốc huyện và đại diện các xã, thị trấn đã đề xuất lên Quốc hội, tỉnh Nghệ An các ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất về hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhất là hỗ trợ sửa chữa nâng cấp tuyến đường từ xã Bồng Khê đi xã biên giới Môn Sơn và tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn đi Khe Khặng thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát.
Đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 7A, tạo động lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo các huyện Tây Nam Nghệ An.
Đối với các xã biên giới của huyện Kỳ Sơn, trong những năm qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã biên giới luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm tốt công tác bảo vệ an ninh biên giới, sống hòa thuận với các bản, làng thuộc nước bạn Lào.
Cử tri sinh sống nơi đây cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng, Chính phủ và Quốc hội quan tâm bố trí nguồn vốn tu sửa tuyến đường vành đai biên giới; nới lỏng kiểm soát biên giới để người dân thông thương hàng hóa, nhất là buôn bán gia súc, vật nuôi, nông sản. Các cấp chính quyền cần có giải pháp hỗ trợ kinh phí tạo sinh kế và giải quyết việc làm tại địa phương cho công nhân, lao động hồi hương do dịch Covid-19; đồng thời mong muốn Trung ương tạo điều kiện phân bổ nguồn kinh phí thực hiện các dự án di dân, tái định cư, chống sạt lở đất tại các xã trên địa bàn huyện…
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, đại biểu Quốc hội Khóa XV, thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho biết: Trong 9 tháng qua, với đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Nghệ An đã thực hiện nhiều đợt giản cách đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội toàn tỉnh nói chung, cùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.
Qua các đợt tiếp xúc cử tri và gặp gỡ, nắm bắt với người dân vùng DTTS, bà con luôn bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và các chính sách, chủ trương của các cấp chính quyền, nhất là đối với đồng bào DTTS trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới. Cử tri ở các bản làng, các xã ở các huyện miền núi kiến nghị, đề xuất nhiều đến chính sách cho đồng bào sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861/2021 và Quyết định 612/2021 của Uỷ ban Dân tộc; đồng thời đề nghị tiếp tục phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị quyết 28 của Chính phủ. Đặc biệt là đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt và phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025.
“Ngay sau đợt tiếp xúc kỳ này, đoàn sẽ tiếp thu các ý kiến của các cử tri để tổng hợp và gửi tới Quốc hội, Chỉnh phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương giải quyết trong thời gian tới” - ông Sơn nói.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...
Văn Thanh
12:44 22/11/2024(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Mường Ảng (Điện Biên) phát huy hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giúp diện mạo các địa bàn còn nhiều khó khăn đổi thay, tạo sinh kế, việc làm… giúp cải thiện đời sống Nhân dân, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 22,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,04%.
Trần Trung
11:43 22/11/2024Thái Hải
11:24 22/11/2024Ngọc Phó
10:36 22/11/2024Kim Thành
21:13 21/11/2024Hoàng Nam
16:03 21/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân